Khó khăn trong chế biến thảo dược ở Bình Liêu

Có tiềm năng, nguồn tài nguyên, vùng nguyên liệu sẵn có, sự quan tâm ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất... nhưng việc phát huy thế mạnh chế biến, phát triển sản phẩm từ các loại dược liệu, cây trồng chủ lực ở Bình Liêu vẫn đang gặp khó.

Theo thống kê sơ bộ của huyện, tổng diện tích đất tự nhiên của Bình Liêu là hơn 47.000ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp chiếm 89,4%. Hệ thực vật rất phong phú và đa dạng, có tới 1.020 loài thuộc 6 ngành và 170 họ, một số ngành lớn như mộc lan 951 loài, ngành dương xỉ 58 loài, ngành thông 11 loài.

Trong đó, có nhiều loại dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Nấm chẹo, ba kích, lan kim tuyến, tài lệch, hoa kim ngân, quả máu.v.v. Đáng chú ý, là 2 loại cây có diện tích và quy mô trồng lớn là quế (khoảng 500ha), hồi (khoảng 8.600 ha). Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi để nhân rộng phát triển vùng nguyên liệu, phục vụ phát triển chế biến.

Hồi, quế và nhiều thảo dược ở Bình Liêu sau khi được thu hoạch thường được bán cho thương lái dưới dạng nguyên liệu thô. Ảnh: Khánh Giang

Hồi, quế và nhiều thảo dược ở Bình Liêu sau khi được thu hoạch thường được bán cho thương lái dưới dạng nguyên liệu thô. Ảnh: Khánh Giang

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chia sẻ: Là vùng có điều kiện, tiềm năng, thời gian qua, huyện tạo nhiều điều kiện, khuyến khích để phát triển chế biến, sản phẩm liên quan tới thảo dược. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn để phát huy tiềm năng này.

Theo bà Hương, huyện Bình Liêu cũng hỗ trợ đắc lực cho các cơ sở, đơn vị phát triển chế biến sản phẩm liên quan tới thảo dược. Cụ thể như hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng nhà xưởng, trang thiết bị máy móc chế biến, ưu tiên ứng dụng KHCN vào sản xuất, xúc tiến thương mại trung bình 10-12 cuộc/năm... để thúc đẩy sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực đó, hiện nhiều sản phẩm chế biến từ thảo dược của các cơ sở trên địa bàn huyện đã được giới thiệu ra thị trường.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện đã có một số cơ sở sản xuất chế biến dược liệu như: HTX Thảo Mộc Tuệ Lâm, HTX Phát triển Xanh, HTX Đại Cường. Trong đó tiêu biểu là các sản phẩm các loại sản phẩm tinh dầu từ hồi, quế, sả chanh, lá tắm bà đẻ, rượu thảo dược... Các sản phẩm này được công nhận tiêu chuẩn 3 sao của Chương trình OCOP.

Tuy nhiên, điều dễ thấy là quy mô sản xuất các sản phẩm của huyện hiện còn manh mún, nhỏ lẻ; các sản phẩm chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống, sản lượng thấp. Nhiều sản phẩm dược liệu bán ra vẫn chỉ là dạng thô, chưa tạo được giá trị gia tăng, sản lượng thấp (chỉ đạt từ 2-5 tạ/năm đối với dược liệu lá tắm bà đẻ và đạt 100-200 lít/năm đối với các loại tinh dầu). Do đó chưa mở rộng, chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.

Để phát huy hết thế mạnh này, một trong những điểm mà Bình Liêu quan tâm là thu hút các đơn vị, các nhà đầu tư. Vì thế thời gian qua có nhiều đơn vị, nhà đầu tư đã về Bình Liêu tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đáng chú ý, gần đây có một doanh nghiệp lớn chế biến các sản phẩm liên quan tới quế ở "quê hương" quế Yên Bái tìm hiểu cơ hội đầu tư, đặt nhà máy sản xuất chế biến xuất khẩu ở Bình Liêu.

Tuy nhiên, do giao thông và vùng nguyên liệu chưa thuận lợi, doanh nghiệp này đã quyết định đặt nhà máy chế biến tại Đầm Hà nơi có điều kiện tốt hơn về vùng nguyên liệu, giao thông. Bình Liêu là vùng cung cấp nguyên liệu thêm cho nhà máy này.

Năm 2017, Bình Liêu cũng hút được nhà đầu tư Nor-Feed (Pháp) vào tìm hiểu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tinh dầu công suất 30.000 - 50.000 tấn hạt sở/năm. Nhà đầu tư cần diện tích vùng nguyên liệu khoảng 3.000ha trở lên. Tuy nhiên, do diện tích không đủ và việc trồng cây sở để trở thành cây nguyên liệu được thu hoạch cần có thời gian do cây sở là cây lâu năm. Vì thế, không thể giữ chân được nhà đầu tư...

Không chỉ có vậy, việc nhà đầu tư lớn vào đầu tư, phát triển sản phẩm thường cần quỹ đất sạch, lớn trong khi huy động quỹ đất sạch lớn ở Bình Liêu thường liên quan tới rừng, vấn đề thu hồi, việc nộp tiền nghĩa vụ trồng rừng, chuyển đổi rừng theo mục đích khác... sẽ làm tăng đáng kể chi phí đầu tư. Trong khi việc vận động người dân cho doanh nghiệp thuê đất còn khó, chưa có sự đổi thay nhiều.

Theo lãnh đạo huyện Bình Liêu, dù còn nhiều khó khăn nhưng đối với các nhà đầu tư, huyện sẽ tạo điều kiện hết sức, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, hỗ trợ hết sức về pháp lý, điều kiện đầu tư thông thoáng, tuyên truyền vận động dân kết hợp với nhà đầu tư, tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, quan tâm hỗ trợ... để hút nhà đầu tư phát huy tiềm năng này. Và cây dược liệu cũng được coi là một trong các loại cây chủ lực, trong thời gian tới, huyện sẽ chú trọng đầu tư phát triển.

Trước mắt tuyên truyền người dân không khai thác dược liệu tràn lan, tham gia trồng và phát triển cây dược liệu; đầu tư các vùng trồng dược liệu tập trung, hỗ trợ cho các hộ dân trồng cây dược liệu, thu hút các HTX, doanh nghiệp trồng và phát triển cây dược liệu, liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202104/kho-khan-trong-che-bien-thao-duoc-o-binh-lieu-2527652/