Khó khăn ở các trung tâm dạy trẻ tự kỷ

Trung tâm dạy trẻ tự kỷ ra đời đã giúp cho nhiều đứa trẻ có cơ hội được hòa nhập cộng đồng một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn ở các trung tâm này.

Dạy trẻ tự kỷ tại lớp mầm non Sunrise - Mặt trời mọc.

Sau 8 năm thành lập, Trung tâm giáo dục chuyên biệt Phúc Tâm An ở 153 Lạc Long Quân, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) được xem là một trong những trung tâm dạy trẻ tự kỷ lớn nhất tại Thanh Hóa. Tại trung tâm này sẽ cung cấp các dịch vụ đánh giá, chẩn đoán, tets sàng lọc cho trẻ tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ chậm phát triển trí tuệ... 8 năm, trung tâm đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều đứa trẻ để các em tự tin hơn trong giao tiếp, học tập. Hiện, trung tâm đã cơ bản hoàn thiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho chất lượng dạy và học, trong đó có lắp đặt hệ thống camera ở tất cả các phòng học cùng đó là lắp đặt hệ thống ánh sáng... Bên cạnh đó, trung tâm có đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm, nhiệt huyết với nghề. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm có 25 giáo viên và 70 học sinh. Không chỉ dừng ở việc dạy trẻ tự kỷ mà trung tâm vẫn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo tập huấn chuyên đề cho phụ huynh. Đây là điều kiện thuận lợi để phụ huynh tương tác với trẻ, hiểu trẻ nhiều hơn, từ đó sẽ có những phương pháp tốt hơn trong cách dạy con mình.

Tuy nhiên, sau 8 năm thành lập, vẫn còn đó là những trăn trở. Chia sẻ của bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm giáo dục chuyên biệt Phúc Tâm An: Đi vào hoạt động 8 năm nhưng đến nay trung tâm vẫn chưa xin được giấy cấp phép thành lập trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập cũng như chưa có các dự án, các nguồn đầu tư để mở rộng, phát triển mô hình can thiệp...

Những khó khăn này dường như cũng là những khó khăn chung đối với các trung tâm giáo dục chuyên biệt trên địa bàn tỉnh. Tại cơ sở mầm non chuyên biệt Sunrise - Mặt trời mọc ở số 3, Trần Cao Vân, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) dù cũng đã thành lập được 8 năm và có sự quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa nhưng 8 năm qua, đối với cơ sở này cũng gặp không ít những trở ngại. Theo bà Phan Thị Tú, chủ cơ sở mầm non chuyên biệt Sunrise - Mặt trời mọc thì mặc dù dưới sự quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố nhưng trong 8 năm qua cơ sở chưa nhận được sự quan tâm từ phía các ban, ngành, các tổ chức, chủ yếu cơ sở phải độc lập trong tất cả mọi vấn đề về thu, chi nên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng chưa nhận được sự quan tâm nào để bảo đảm quyền lợi cá nhân giống như các cấp học khác trong hệ thống giáo dục.

Thực tế, phần lớn các trung tâm, các cơ sở giáo dục chuyên biệt trên địa bàn tỉnh hiện không thuộc quản lý của cấp, ngành nào. Vậy nên, vấn đề đặt ra là sẽ có những thiệt thòi cho giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Và liệu nếu có vấn đề gì xảy ra đối với các trung tâm, các cơ sở giáo dục chuyên biệt này thì ban, ngành nào sẽ đứng ra để bảo vệ?

Dạy trẻ tự kỷ không dễ. Và để có một môi trường cho trẻ được học, được tương tác đã là điều kỳ diệu. Và những con người góp phần làm thay đổi những đứa trẻ tự kỷ lại càng kỳ diệu hơn. Và chắc chắn sẽ còn mở ra nhiều hơn những điều kỳ diệu nếu như có được sự quan tâm đặc biệt từ phía các ban, ngành, tổ chức, ít nhất thì cũng cho các trung tâm, cơ sở này biết được là họ thuộc sự quản lý của ban, ngành nào...

Vân Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/kho-khan-o-cac-trung-tam-day-tre-tu-ky/101346.htm