'Khó khăn nhưng đây cũng là thời điểm của cơ hội mới'

Theo IHS Markit, chỉ số Quản trị sức mua (PMI) Việt Nam tiếp tục giảm còn 41,9 điểm trong tháng 3-2020 từ mức 49 điểm trong tháng 2-2020.

Chỉ số này cho thấy mức thu hẹp hoạt động sản xuất mạnh nhất trong lịch sử khảo sát, trong bối cảnh sản lượng, lượng đơn hàng mới và việc làm giảm ở mức kỷ lục do bùng phát dịch COVID-19.

Chi phí đầu vào tiếp tục tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng được bù đắp phần nào bởi nhu cầu nguyên liệu đầu vào và giá dầu giảm. Trong khi đó, giá đầu ra giảm mạnh do nhu cầu suy yếu.

TS Reza Akbari, Khoa kinh doanh và quản trị ĐH RMIT Việt Nam, cho biết vẫn còn quá sớm để dự đoán hay dự báo tác động đầy đủ nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra với ngành sản xuất, chúng ta có thể thấy được gián đoạn nặng nề trên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả thị trường.

Bối cảnh dịch COVID-19 đang gây tác động đến nhiều vấn đề trong sản xuất. Hiển nhiên, dịch COVID-19 đang khiến nhiều cá nhân và tổ chức lo lắng. Nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực, đây cũng là thời điểm của những cơ hội mới, là động lực khiến chúng ta thay đổi cách thức sản xuất, vận chuyển và thanh toán đối với những sản phẩm và dịch vụ.

Hiện có chín công nghệ đột phá được mệnh danh là những công cụ đem đến cải cách mạnh mẽ trong tương lai và có tiềm năng ứng dụng trong các chuỗi cung ứng. Những công nghệ này gồm in 3D, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, phân tích dữ liệu lớn, blockchain, máy bay không người lái (drone), Internet vạn vật (IoT), robot học, thực tế ảo (VR) và/hoặc thực tế ảo tăng cường (AR).

Theo TS Reza Akbari, để có được tương lai như mong đợi, không chỉ các cơ quan trực thuộc Chính phủ, mà mọi cá nhân và tổ chức phải hợp tác cùng nhau. Càng ứng phó nhanh bao nhiêu trong giai đoạn khủng hoảng, chúng ta càng vượt qua những gián đoạn hay dịch bệnh trong tương lai càng sớm bấy nhiêu.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/kho-khan-nhung-day-cung-la-thoi-diem-cua-co-hoi-moi-902284.html