Khó khăn khi di dời 12 ụ bê tông tại Tân Sơn Nhất

TS Nguyễn Bách Tùng khẳng định yêu cầu di dời 12 ụ bê tông tại sân bay Tân Sơn Nhất là rất cấp bách. Vấn đề hiện nay là phải làm đúng quy trình, thủ tục.

Bộ GTVT đang chuẩn bị nội dung giải trình với Chính phủ về phương án di dời 12 ụ bê tông xi măng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Bách Tùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, cho biết việc di dời 12 ụ bê tông này đang là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh lưu lượng khai thác tại Tân Sơn Nhất tăng cao.

Cản trở khai thác Boeing 787

Thời gian qua, Chính phủ đã đầu tư 2.000 tỷ đồng để nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất, xây dựng thêm 1 đường lăn song song để tăng tốc độ giải tỏa máy bay.

Tuy nhiên, một đoạn đường lăn xây mới vướng 12 ụ bê tông của quân đội nên chưa thể đưa vào khai thác các máy bay code E trở lên (code E gồm các loại Boeing 787, Airbus 330 hoặc tương đương).

"Phải giải tỏa càng sớm càng tốt thì mới phát huy được hiệu quả dự án, nhất là trong bối cảnh sắp tới mật độ bay còn tăng cao nữa", ông Tùng nhận định.

Do 12 ụ bê tông này hiện không được sử dụng, chỉ mang ý nghĩa dự phòng, Bộ GTVT đang đề xuất phương án phá bỏ trước, xây mới sau để kịp tiến độ phục vụ đà tăng trưởng của ngành hàng không.

 12 ụ bê tông tại Tân Sơn Nhất (vùng khoanh vàng) dự kiến được đập bỏ và xây mới tại vị trí khoanh đỏ. Ảnh: Google Maps.

12 ụ bê tông tại Tân Sơn Nhất (vùng khoanh vàng) dự kiến được đập bỏ và xây mới tại vị trí khoanh đỏ. Ảnh: Google Maps.

Hiện, khu đất đặt 12 ụ bê tông này không phải đất quốc phòng mà là đất của sân bay, đã được cấp sổ đỏ cho Cảng vụ hàng không miền Nam. Vấn đề phức tạp chỉ liên quan đến khối tài sản quốc phòng nằm trên đất và việc bố trí địa điểm xây mới.

Theo Phó cục trưởng Nguyễn Bách Tùng, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân đã đồng ý di dời 12 ụ bê tông này để phục vụ hoạt động khai thác hàng không. Bộ GTVT cơ bản thống nhất phương án xây mới 12 ụ bê tông tại khu đất lưỡng dụng phía bên kia của 2 đường băng (vị trí gần sân golf).

Theo quy định, sau khi thống nhất vị trí và phương thức di dời, Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ lập dự án trình Bộ Quốc phòng. Chi phí thực hiện dự án sẽ được Bộ GTVT chuyển cho Bộ Quốc phòng căn cứ theo hồ sơ.

"Vấn đề hiện nay là cần chuẩn bị đủ căn cứ, thủ tục để triển khai việc di dời theo đúng các quy định của pháp luật", ông Tùng nói và cho biết hiện chưa thể khẳng định khi nào có thể bắt đầu di dời.

Vướng mắc về quy hoạch đất quốc phòng

Để Thủ tướng có đủ căn cứ xem xét, phê duyệt, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành về việc di dời công trình này. Trong đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính đã nêu ra một số vướng mắc về thủ tục cần phải giải quyết.

Để thực hiện di dời 12 ụ bê tông tại Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cần làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Ảnh: Duy Anh.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết hiện chưa rõ 12 ụ bê tông này thuộc loại tài sản gì. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã phân loại tài sản công tại các đơn vị lực lượng vũ trang thành 3 loại gồm tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng và tài sản phục vụ công tác quản lý. Với mỗi loại tài sản lại áp dụng các điều luật quản lý, sử dụng khác nhau.

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, hồ sơ dự án chưa làm rõ hiện trạng sử dụng đất tại vị trí mà 12 ụ bê tông dự kiến di dời đến. Hiện, kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 đã kết thúc nhưng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc phòng 5 năm 2021 - 2025 vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Tài nguyên - Môi trường lưu ý việc sử dụng đất phải thực hiện đúng quy định của pháp luật đất đai, không để thất thoát tài sản nhà nước, khiếu kiện phức tạp.

Hiện, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ ngành để có căn cứ báo cáo Chính phủ.

Theo đại tá phi công Nguyễn Thành Trung, 12 ụ bê tông tại sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế hình chữ U, có chức năng làm nơi trú ẩn cho máy bay chiến đấu để tránh pháo kích.

Công trình được xây dựng từ trước năm 1975. Sau Giải phóng, quân đội tiếp quản các hạng mục này nhưng không sử dụng nhiều.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-khan-khi-di-doi-12-u-be-tong-tai-tan-son-nhat-post1331343.html