Khó khăn đưa kỹ thuật cao về y tế cơ sở

Sau 5 năm Bộ Y tế thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan khi nhiều kỹ thuật cao trong y học được chuyển về y tế cơ sở, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, để triển khai Đề án tốt hơn vẫn cần giải quyết những khó khăn đang đặt ra.

Người dân xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội đến khám bệnh tại cơ sở y tế. Ảnh: DN.

Còn đó nhiều thách thức

Theo Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng, hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh với 10 chuyên khoa được đầu tư, ưu tiên phát triển, gồm: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Đề án này là "đòn bẩy", từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của lãnh đạo nhiều cơ sở y tế, để tiếp nhận các chuyển giao kỹ thuật cao từ bệnh viện tuyến trên, các bệnh viện vệ tinh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Ông Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, dù được những bệnh viện tuyến Trung ương sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật, song bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới có bố trí, sắp xếp được nhân lực, trang thiết bị để tiếp nhận, triển khai trên thực tế được hay không vẫn là vấn đề đặt ra. Thêm vào đó, không ít bệnh viện tuyến dưới khó khăn khi được chuyển giao kỹ thuật vì cũng không dễ để đầu tư, bố trí được kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho kỹ thuật mới.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Quang Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho bác sỹ giỏi phải đối mặt với thực tế sẽ khó “giữ chân” họ, nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng. Bởi lẽ, khi được đào tạo, tiếp cận với nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, trình độ nâng lên, bác sỹ sẽ có nhiều cơ hội để làm việc ở những môi trường tốt hơn, chế độ đãi ngộ cao hơn.

Còn theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, dù không thể phủ nhận những kết quả mà Đề án bệnh viện vệ tinh mang lại song trong quá trình thực hiện cũng cho thấy một số bệnh viện chưa làm tốt công tác khảo sát nhu cầu, cho nên thiếu thực tế và bị động, cử cán bộ đi luân phiên chưa sát với nhu cầu của nơi nhận.

“Tại các bệnh viện tuyến trên còn thiếu bác sỹ chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ chuyên môn của tuyến dưới; kinh phí để triển khai hoạt động chuyển giao kỹ thuật chủ yếu vẫn phụ thuộc từ nguồn chi thường xuyên của các đơn vị; các quy định của bảo hiểm y tế về thanh toán cho các dịch vụ kỹ thuật sau khi chuyển giao cho cơ sở, chứng chỉ hành nghề, đào tạo liên tục… cũng là những rào cản ảnh hưởng không nhỏ tới sự tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Cần nhiều “vệ tinh” hơn

Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ta ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển. Các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, hiện công tác khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nhân lực có trình độ; khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thiếu bác sỹ có chuyên môn tay nghề cao thuộc các chuyên khoa như: sản, nhi, tâm thần, lao… Ngoài ra, có sự phân bố nhân lực không đều giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị. Sự chênh lệch về thu nhập ở các tuyến tạo xu hướng dịch chuyển cán bộ có tay nghề cao, chuyên môn giỏi từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ công lập ra dân lập dẫn đến năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế.

“Những bất cập, khó khăn này đã tạo ra khoảng cách chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các vùng miền có sự khác biệt rõ rệt, làm cho khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân còn hạn chế. Mặt khác, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới được ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án hoặc các tổ chức quốc tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị nhiều máy móc, thiết bị y tế nhưng không có cán bộ y tế đủ năng lực, trình độ khai thác dẫn đến lãng phí…”, Bộ trưởng Y tế nêu.

Để khắc phục tình trạng trên, đưa nhiều hơn nữa kỹ thuật cao về tuyến y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngoài việc nâng cao trình độ, tay nghề y, bác sỹ, các bệnh viện cần sắp xếp, tổ chức lại các khâu khám, chữa bệnh, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hẹn giờ khám cho bệnh nhân.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến dưới nên tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật hiệu quả; cần chủ động lên kế hoạch nhận chuyển giao kỹ thuật, giữ mối liên hệ với cán bộ đã đi luân phiên tại địa phương để trao đổi thông tin khi cần thiết. “Đồng thời tăng cường tính tự quản, tính chủ động, tự quyết của các bệnh viện tuyến trên như lập kế hoạch, điều phối cán bộ đi công tác theo những mục tiêu, yêu cầu của các tỉnh, TP và Bộ Y tế chỉ đạo. Đẩy mạnh công tác giám sát, đào tạo liên tục cho tuyến tỉnh nhằm duy trì hiệu quả các kỹ thuật đã được chuyển giao”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu.

Còn theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, để đưa nhiều kỹ thuật cao về y tế cơ sở các bệnh viện tuyến trên phải thực hiện chế độ định kỳ cử chuyên gia, bác sỹ đến khám, chữa bệnh, “cầm tay chỉ việc” tại bệnh viện tuyến dưới, nhất là ở vùng khó khăn. Các bệnh viện tuyến trên cần chú trọng hỗ trợ y tế từ xa cho tuyến dưới trong hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, đào tạo…

"Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bên cạnh các chính sách của Chính phủ và Bộ Y tế, cần phải có sự đánh giá, thẩm định thường xuyên giữa các bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh; giữa Bộ Y tế với các địa phương. Đặc biệt, rất cần có sự đồng thuận và hỗ trợ của địa phương về các ưu đãi như vốn, quỹ đất… để Đề án bệnh viện vệ tinh tại các địa phương thành hiện thực", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kho-khan-dua-ky-thuat-cao-ve-y-te-co-so.aspx