Khó khăn đào tạo giáo viên Mĩ thuật

Nêu ra những khó khăn trong đào tạo giáo viên Mĩ thuật hiện nay, cô Nguyễn Thị May - Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Sư phạm Mĩ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương – đồng thời đề xuất giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Chương trình đào tạo “Giàu tri thức, nghèo kĩ năng”

Tham luận tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” diễn ra tại Hà Nội mới đây, cô Nguyễn Thị May cho rằng: Chất lượng đào tạo trong các trường nghệ thuật hiện nay chưa theo kịp xu thế biến động mạnh mẽ của nghệ thuật thế giới. Sinh viên theo học ở các trường nghệ thuật ít có điều kiện tìm kiếm công việc ổn định; lao động trong lĩnh vực nghệ thuật luôn ở vị trí thấp nhất trong xu hướng việc làm ở Việt Nam.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực người học, hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tuy nhiên, hiện nay chương trình đào tạo của hầu hết các trường ĐH vẫn là chương trình theo định hướng tiếp cận nội dung.

Bên cạnh đó, các trường đào tạo sư phạm lại không thống nhất mà cấp quản lí thì mỏng; nhiều trường mở đào tạo giáo viên nghệ thuật nên hệ quả là số lượng giáo viên thừa và rất trẻ nên nhiều năm nữa mới phải thay thế, vì vậy khó khăn về việc làm đã dẫn đến sự thiếu hụt đầu vào nghiêm trọng.

Cũng theo đánh giá của cô Nguyễn Thị May, nhìn chung chương trình ĐH của khối các ngành Sư phạm mĩ thuật chưa tinh gọn; các học phần thiếu tính gắn kết, liên thông, tích hợp, thiếu tính liên ngành (mặc dù là đào tạo theo tín chỉ nhưng chẳng khác niên chế bao nhiêu); trường này không công nhận cách đào tạo tín chỉ của trường kia,… So với chương trình đào tạo của Anh, Úc thì chương trình của Việt Nam có số học phần gần như gấp đôi. Trung bình thời gian đào tạo ĐH sư phạm của Anh và Úc tương đương với thời gian của Việt Nam là 4 năm nhưng chỉ từ 15-35 học phần.

Theo cô Nguyễn Thị May, Việt Nam đang đào tạo giáo viên bằng cách kết hợp đào tạo chuyên ngành sâu với nghiệp vụ sư phạm ở bậc ĐH. Cách đào tạo này thường tách quá trình đào tạo giáo viên ra khỏi quá trình vận động, thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông hoặc có tiếp cận thì thường cũng là rất chậm.

Có hai thái cực diễn ra trong cách đào tạo này: Một là quá chú trọng chuyên môn sâu và coi nhẹ các nội dung mang tính nghiệp vụ sư phạm (hiện nay các trường sư phạm đang mắc vấn đề này). Hai là quá coi trọng tính nghiệp vụ sư phạm mà ít tập trung những năng lực cần thiết của chuyên môn sâu (điều này cũng sẽ tạo ra những giáo viên không đủ chuẩn về chuyên môn).

Khó khăn nữa là chương trình của các trường sư phạm ít biến động. Vì lí do đó nên khi ra thực tiễn dạy học, giáo viên khó có thể thực hiện dạy học ở phổ thông theo yêu cầu về chương trình, phương pháp mới dẫn đến việc dạy học theo lối kinh nghiệm, truyền tay, tư tưởng chống đối những điều mới mẻ tất yếu phải xảy ra.

Cần nhanh chóng đổi mới chương trình đào tạo

Từ phân tích trên về ưu điểm, hạn chế của chương trình mĩ thuật phổ thông và của các trường sư phạm, tham luận của cô Nguyễn Thị May đưa ra một số đề xuất như sau:

Cần nhanh chóng đưa chương trình giáo dục vào bậc THPT để đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo cơ hội cho một bộ phận học sinh có đủ kiến thức dự thi vào các ngành nghệ thuật.

Tạo điều kiện và khuyến khích các giảng viên thường xuyên cập nhật với chương trình đổi mới của trường phổ thông, tham gia các đợt tập huấn về phương pháp dạy học hiện đại để sẵn sàng tiếp nhận chương trình mới, sẵn sàng tham gia bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên các địa phương.

Nhanh chóng đổi mới căn bản, sâu sắc chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn giáo dục phổ thông đang liên tục thay đổi và phát triển.

Việc bổ sung chỉ tiêu giáo viên nghệ thuật cho bậc THPT với số lượng bao nhiêu trên toàn quốc và định hướng công tác đào tạo cho giai đoạn tới cần được nghiên cứu. Riêng với bậc THPT cần tuyển đội ngũ giáo viên một cách cẩn trọng để đáp ứng chương trình mang tính hàn lâm.

Bộ GD&ĐT cần có những quy chuẩn nghiêm ngặt với những cơ sở đào tạo sư phạm nghệ thuật theo hướng chú trọng năng lực nghề nghiệp bên cạnh năng lực chuyên môn. Vì hiện nay nhiều trường đào tạo giáo viên nghệ thuật rất ít coi trọng về lí luận dạy học và nghiệp vụ sư phạm tạo nên nguy cơ giáo viên hạn chế hiểu biết về khoa học giáo dục dẫn đến sai lầm trong dạy học.

Nghiên cứu chương trình đào tạo giáo viên nói chung, giáo viên nghệ thuật nói riêng theo hướng đào tạo năng lực thực hành gắn liền với nhà trường phổ thông.

Có cơ chế đảm bảo sự liên kết tốt giữa trường sư phạm và trường phổ thông. Trong đó có thể coi đào tạo nối tiếp là một mô hình chính thức để tạo cơ hội cho những người học chuyên ngành thêm lựa chọn nghề khi ra trường. Có thể kéo dài thời gian đào tạo thêm 1 năm để hoàn thiện kĩ năng dạy học và các khả năng phát triển chương trình dạy học nhằm đáp ứng nhiệm vụ dạy học cao hơn trong giai đoạn tới.

Trong giai đoạn hiện nay, khi dạy học định hướng năng lực đã được xác định thì việc xây dựng chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nghệ thuật nhằm đạt chuẩn kiến thức phải được thực hiện bởi các trường sư phạm lớn và đội ngũ chuyên gia có thông tin tri thức mới chứ không thể chỉ trông đợi vào đội ngũ trước đây

Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu quy định riêng về kinh phí đào tạo sư phạm nghệ thuật để các cơ sở đào tạo có điều kiện thực hiện đúng với thực tiễn đòi hỏi, đảm bảo công bằng về chi phí đào tạo. - cô Nguyễn Thị May

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/kho-khan-dao-tao-giao-vien-mi-thuat-4032806-v.html