Khó khăn chồng chất ở Nam Phi

Nền kinh tế Nam Phi đã bước vào tháng suy thoái liên tiếp thứ 80, thời kỳ suy thoái dài nhất kể từ năm 1945, do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến sản xuất giảm sút và gây thiệt hại lớn đối với tài chính hộ gia đình. Cường quốc kinh tế của châu Phi đối mặt khó khăn chồng chất.

Nền kinh tế Nam Phi đã bước vào tháng suy thoái liên tiếp thứ 80, thời kỳ suy thoái dài nhất kể từ năm 1945, do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến sản xuất giảm sút và gây thiệt hại lớn đối với tài chính hộ gia đình. Cường quốc kinh tế của châu Phi đối mặt khó khăn chồng chất.

Báo cáo kinh tế quý II của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB - ngân hàng trung ương) cho biết, kể từ khi bắt đầu thực hiện phong tỏa toàn quốc cấp độ 5 (mức cao nhất) hồi cuối tháng 3, các hoạt động kinh tế của Nam Phi gần như bị đình trệ, sản lượng giảm sâu, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, nhiều doanh nghiệp bị phá sản và hàng triệu lao động mất việc làm. Giá cổ phiếu giảm mạnh do giao dịch hoảng loạn trước những quan ngại về đại dịch đã ảnh hưởng lớn đối với giá trị tài sản của các hộ gia đình ở nước này. Chỉ số chứng khoán chính của Nam Phi giảm 22% trong quý II năm 2020, mức giảm sâu nhất kể từ quý III năm 1998. Dòng vốn đầu tư ra bên ngoài tăng vọt lên mức kỷ lục 5,85 tỷ USD, hệ quả từ tình trạng bán tháo nợ và chứng khoán, cũng như việc mua lại trái phiếu chính phủ phát hành quốc tế trị giá 1,6 tỷ USD.

Trong quý đầu thực hiện phong tỏa, tài chính hộ gia đình ở Nam Phi bị tác động tiêu cực. Giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình giảm còn 330% thu nhập danh nghĩa sau thuế, so với mức 360% của quý IV năm 2019. Tài chính hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và thu nhập của người lao động giảm, nhất là trong các ngành không thiết yếu, trong khi việc thanh toán các khoản vay đến hạn vẫn tiếp diễn. Khoảng ba triệu người ở Nam Phi đã mất việc làm trong tháng 4 và một phần ba số người lao động có thu nhập chưa được trả lương tháng 2 do bị mất việc hoặc sa thải. Thu nhập danh nghĩa trung bình của người lao động giảm còn 4,1% trong năm 2019 (năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-4 năm trước đến ngày 31-3 năm sau) từ mức 4,9% năm trước đó, mức thấp nhất kể từ năm 1970.

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, nền kinh tế lớn thứ hai châu Phi (sau Ni-giê-ri-a) hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) dự báo, kinh tế Nam Phi có thể tăng trưởng âm tới 6,9% trong năm 2020. Trên thực tế, ngay cả trước đại dịch, kinh tế Nam Phi đã gặp khó khăn triền miên trong nhiều năm. Hồi tháng 4 vừa qua, S&P cùng hai hãng xếp hạng tín dụng khác là Moody và Fitch từng xếp hạng tín dụng của Nam Phi xuống mức không đáng đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế do S&P dự báo vẫn còn khả quan hơn so với dự báo do Bộ trưởng Tài chính Nam Phi đưa ra, theo đó nhận định rằng, kinh tế Nam Phi sẽ tăng trưởng âm 7,2% trong năm 2020, mức sụt giảm sâu nhất trong 90 năm qua kể từ thời kỳ Ðại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

Với thâm hụt ngân sách dự kiến khoảng 15% GDP và mức nợ khoảng 81,8% GDP năm 2020, Nam Phi buộc phải đề nghị các thể chế tài chính quốc tế cung cấp các khoản vay ưu đãi và hy vọng sẽ huy động được bảy tỷ USD. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã phê duyệt khoản vay trong Chương trình hỗ trợ khẩn cấp trị giá một tỷ USD giúp Nam Phi đối phó đại dịch. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xem xét yêu cầu gói hỗ trợ tài chính trị giá 4,2 tỷ USD của Nam Phi. Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã phê duyệt cho Nam Phi khoản vay trị giá khoảng 300 triệu USD để phòng, chống đại dịch và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho phục hồi kinh tế.

Nền kinh tế vốn mong manh của Nam Phi đã bị đại dịch Covid-19 giáng một đòn mạnh. “Ðất nước cầu vồng” đứng trước nhiều thách thức trong phục hồi kinh tế, khi nguồn thu ngân sách giảm nghiêm trọng và nợ công tiếp tục tăng cao.

Hà Lâm

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/kho-khan-chong-chat-o-nam-phi-613968/