Khó khăn bủa vây

Khó khăn đang bủa vây các nền kinh tế Ðông - Nam Á khi liên tiếp các 'tin dữ' về suy giảm tăng trưởng được công bố những ngày gần đây. Sự suy giảm của kinh tế Ðông - Nam Á cũng phản ánh những thách thức nghiêm trọng của kinh tế toàn cầu.

Khó khăn đang bủa vây các nền kinh tế Ðông - Nam Á khi liên tiếp các "tin dữ" về suy giảm tăng trưởng được công bố những ngày gần đây. Sự suy giảm của kinh tế Ðông - Nam Á cũng phản ánh những thách thức nghiêm trọng của kinh tế toàn cầu.

Các nền kinh tế Ðông - Nam Á đang suy giảm tăng trưởng ở mức chưa từng thấy trong nhiều năm qua. "Thủ phạm" chính đẩy nền kinh tế khu vực vốn năng động và tăng trưởng khá trong nhiều thập kỷ này lâm cảnh khó khăn chính là đại dịch Covid-19. Liên tiếp các "tin dữ" về suy giảm tăng trưởng kinh tế đã được chính phủ các nước Ðông - Nam Á và giới truyền thông công bố những ngày gần đây. Hội đồng Kinh tế và phát triển xã hội quốc gia (NESDC) của Thái-lan ngày 17-8 cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái-lan đã giảm 12,2% so với năm ngoái. NESDC cũng dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế của Thái-lan trong năm 2020 sẽ suy giảm từ 7,3% đến 7,8% so với mức dự báo giảm 5% đến 6% đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp là 1,95% và có thêm khoảng 1,8 triệu người lao động đối diện nguy cơ mất việc làm.

Ngân hàng Trung ương Ma-lai-xi-a vừa cho biết, GDP của Ma-lai-xi-a sụt giảm 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ðây là mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Dự báo GDP của Ma-lai-xi-a sẽ sụt giảm từ 4% đến 6% trong năm nay. Trong khi đó, theo Ngân hàng Trung ương Ma-lai-xi-a, các biện pháp hạn chế, bao gồm việc đóng cửa các doanh nghiệp và người dân phải ở trong nhà, đã gây ra những cú sốc về nhu cầu và cung ứng, khi các biện pháp kiểm soát biên giới trên toàn cầu tác động nặng nề tới lĩnh vực du lịch.

Trước đó, các nền kinh tế lớn khác của khu vực như Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin cũng đã đón nhận những thống kê tiêu cực về tăng trưởng kinh tế. "Bức tranh kinh tế" của Xin-ga-po đã bị bao phủ bởi gam mầu xám xịt khi Bộ Công thương Xin-ga-po cho biết GDP quý II-2020 của nước này ở mức -13,2%. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 của "quốc đảo sư tử" có thể sẽ ở mức -7% tới -5%. Tại In-đô-nê-xi-a, cơ quan thống kê của nước này cho biết kinh tế In-đô-nê-xi-a sụt giảm 5,3% trong quý II - 2020. Ðây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn nhất khu vực Ðông - Nam Á này giảm sút kể từ quý I - 1999. Trong khi đó, tình hình kinh tế Phi-li-pin cũng u ám khi trong quý II năm nay, kinh tế nước này đã giảm tới 16,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Các nền kinh tế khác của khu vực Ðông - Nam Á như Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma cũng suy giảm tăng trưởng và đối mặt nhiều khó khăn, trong bối cảnh các lĩnh vực then chốt như du lịch, hàng không, xuất khẩu bị đình trệ và áp lực tài chính, an sinh xã hội gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Du lịch Cam-pu-chia, tính đến tháng 7 vừa qua, 3.135 cơ sở kinh doanh trong ngành du lịch của nước này phải đóng cửa, dẫn tới hơn 110.000 lao động bị mất việc làm. Cam-pu-chia dự kiến nước này sẽ phải mất bảy năm để hồi phục ngành du lịch. Trong khi đó, tại Lào các thách thức cân đối vĩ mô đang gia tăng, tăng trưởng kinh tế yếu hơn do tác động của đại dịch đối với lĩnh vực sản xuất và du lịch.

Ngoài tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, một số nền kinh tế Ðông - Nam Á còn đối mặt nhiều khó khăn kinh tế khác như lĩnh vực hạ tầng, logistics yếu kém, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoạt động xuất khẩu chịu sức ép do đồng nội tệ tăng giá. Bên cạnh đó, môi trường khu vực, quốc tế không thuận lợi cho phát triển của các nền kinh tế Ðông - Nam Á khi tâm lý chống toàn cầu hóa, ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; tình hình bất ổn an ninh khu vực và biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế...

Đông - Nam Á vốn là khu vực phát triển năng động, là "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế thế giới và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều năm qua. Bởi vậy, việc tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế năng động này suy giảm mạnh cho thấy kinh tế toàn cầu đang đối mặt thách thức vô cùng nghiêm trọng. Các số liệu thống kê đáng lo ngại nêu trên còn là "hồi chuông cảnh báo" rằng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 với các nền kinh tế khu vực kéo dài hơn nhiều so với những dự báo trước đây. Thực tế này đòi hỏi trong thời gian tới, các nền kinh tế Ðông - Nam Á phải tăng cường hơn nữa liên kết và có kế hoạch chung dài hạn hơn trong "cuộc chiến" thực hiện mục tiêu kép là khống chế đại dịch và chống suy thoái kinh tế.

BÌNH YÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/kho-khan-bua-vay-613303/