Khó hiểu nguyên nhân Mỹ cho LCS mang Harpoon

Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ (NAVSEA) ngày 2/8 cho biết, tàu chiến mới nhất USS Charleston (LCS-18) đã hoàn thành tất cả các thử nghiệm tại Vịnh Mexico.

Báo cáo của NAVSEA cho biết, việc hoàn thành thử nghiệm được coi là cột mốc quan trọng bởi điều đó đồng nghĩa với việc con tàu đã đủ điều kiện để được đưa vào trang bị chính thức trong Hải quân Mỹ.

Giám đốc Chương trình LCS Taylor, Mike Taylor cho biết: "Những cuộc thử nghiệm đã cho thấy sức mạnh và độ tin cậy của con tàu. Tôi rất mong được ăn mừng với thủy thủ đoàn của USS Charleston khi chiếc tàu được giao cho Hải quân Mỹ trước khi kết thúc mùa Hè này".

Tàu USS Charleston mang theo tên lửa Harpoon Block IC.

Dù tuyên bố USS Charleston đã hoàn thành tất cả các cuộc thử nghiệm nhưng vị đại diện của NAVSEA không cho biết, con tàu được tích hợp loại tên lửa chống hạm nào. Tuy nhiên, theo hình ảnh được công bố cho thấy, tên lửa nội địa Harpoon Block IC đã được trang bị cho tàu thay vì NSM của Na Uy.

Thông tin này khá bất ngờ bởi trước đó, Hải quân Mỹ tuyên bố họ đã thất bại trong việc tích hợp tên lửa Harpoon Block IC lên tàu chiến LCS. Trong cuộc thử nghiệm hồi cuối năm 2016, một chiếc LCS đã mất tín hiệu với tên lửa Harpoon Block IC ngay sau khi được phóng đi.

Vụ phóng này được thực hiện trong khuôn khổ cuộc cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) gần Hawaii. Mục tiêu của cuộc tấn công là tàu chiến lớp Oliver Hazard Perry USS Crommelin vốn đã được cho ngừng hoạt động, nằm cách vị trí tàu LCS Coronado khoảng 37 km.

Scott Larson, sĩ quan chỉ huy tàu LCS cho biết: "Tên lửa được phóng đi khỏi tàu theo đúng kế hoạch. Tên lửa trông có vẻ không gặp phải trục trặc gì về động cơ nhưng chúng tôi đã mất tín hiệu radar khi tên lửa bay ở tầm thấp".

Và điều đặc biệt là trước khi tàu LCS có thử nghiệm thất bại với Harpoon, Hải quân Mỹ đã âm thầm quyết định trao cho Boeing bản hợp đồng để tích hợp tên lửa chống hạm Harpoon Block IC lên tàu tuần duyên (LCS) của lực lượng này.

Cùng với việc tích hợp tên lửa Harpoon, nền tảng quan trọng nhất của gói nâng cấp này là hệ thống kiểm soát vũ khí mở rộng (AHWCS) dành riêng cho loại tên lửa chống hạm này. Theo đó, một cụm ống phóng tên lửa Harpoon không rõ số lượng sẽ được gắn phía trước boong tàu LCS ngay sau tháp pháo Mk 110 57mm của nó, và quan trọng là cụm ống phóng này có thể được tháo bỏ khi cần thiết.

Từ sau khi thử nghiệm thất bại với Harpoon đến nay, thông tin về gói nâng cấp tàu chiến LCS với tên lửa chống hạm Harpoon không được Hải quân Mỹ nhắc đến. Chính vì vậy đã xuất hiện đồn đoàn rằng Mỹ đã thất bại với chương trình này.

Tuy nhiên, việc tàu chiến USS Charleston xuất hiện với tên lửa Harpoon đã chấm dứt mọi đồn đoán và không rõ vì sao, tên lửa Harpoon lại được tin dùng trong khi đó số phận của NSM trên tàu LCS không thấy Hải quân Mỹ nhắc đến.

Được biết, Harpoon là mẫu tên lửa chống hạm tiêu chuẩn có tuổi thọ lâu đời nhất của Hải quân Mỹ, nó được đưa vào trang bị từ những năm 1970 và được sử dụng cho tới nay với nhiều biến thể khác nhau. Trọng lượng của mỗi tên lửa Harpoon chỉ khoảng 691kg được trang bị đầu đạn nặng 221kg với tầm bắn hiệu quả lên tới 124km và có vận tốc di chuyển 864km/h.

Clip USS Coronado phóng tên lửa Harpoon

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/kho-hieu-nguyen-nhan-my-cho-lcs-mang-harpoon-3363000/