Khó gỡ nút thắt lãi suất

(baodautu.vn) Theo một số chuyên gia phân tích kinh tế và lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, triển vọng giảm lãi suất trong thời gian tới là khá xa vời.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7% trong năm nay có thể đạt được, song mặt bằng lãi suất hiện vẫn khá cao. So với mức lạm phát kỳ vọng cho năm nay là 7%, lãi suất tiền gửi bình quân ngân hàng đang áp dụng hiện là 11%/năm, nếu trừ lạm phát, lãi suất đã thực dương là 4%... Nhưng việc giảm chi phí đầu vào trong lúc này là khó thực hiện, bởi áp lực các quy định về chính sách mới đang dần “đè” nặng lên nhà băng, đặc biệt là với Thông tư 13/2010/TT – NHNN, nếu không điều chỉnh một số quy định như Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kiến nghị. Do đó, cạnh tranh huy động vốn dự báo còn gay gắt hơn trong thời gian tới. Lãi suất tiết kiệm tiền đồng được dự báo khó giảm, ngược lại, khả năng còn tăng lên trước các áp lực mới. Và thực tế, trong những ngày của tuần gần cuối tháng 9/2010, hầu hết các nhà băng đẩy mạnh khuyến mãi, sau khi đã để mức lãi suất đồng thuận cao nhất lên tới 11,2%/năm đối với tiền gửi VND được áp dụng cho hầu hết các kỳ hạn hiện nay. Thậm chí, một số nơi còn đưa ra những thỏa thuận “ngầm” với khách hàng. Lãi suất thực từ đó có thể đạt 12 – 12,5%/năm, cao hơn so với mức đồng thuận. Các ngân hàng nhỏ dù đã cạnh tranh, nhưng khó có thể thu hút được nguồn vốn từ thị trường một (huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế) để đáp ứng vốn giá rẻ cho doanh nghiệp. Trong khi đó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô tại TP.HCM cho biết, dù vốn khả dụng đang dư thừa, song không thể giảm lãi suất đầu vào, bởi nếu giảm lãi suất, tiền gửi sẽ chạy sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn và việc giảm tiếp lãi suất cho vay là rất khó. Những ngân hàng lớn thừa vốn lúc này lại không thể kinh doanh qua thị trường liên ngân hàng như trước, do quy định khống chế tỷ lệ các ngân hàng không được sử dụng quá 20% vốn trên thị trường này làm vốn tín dụng. Khó tăng trưởng được dư nợ tín dụng, nhiều ngân hàng thừa vốn tìm đến trái phiếu chính phủ. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khi mua trái phiếu chính phủ, mức thặng dư dù thấp, nhưng đảm bảo an toàn. Vì thế, các nhà băng sẽ chọn phương án mua trái phiếu chính phủ, thay vì bằng mọi cách đẩy mạnh vốn cho vay ra nền kinh tế. Do đó, theo đánh giá của ông Nghĩa, triển vọng giảm lãi suất còn xa vời. Đồng thời, theo ông Nghĩa, nếu không sớm bỏ các rào cản hành chính cũng như xem xét để giảm lãi suất trái phiếu chính phủ, sẽ khó gỡ “nút thắt” về lãi suất, dẫn đến vốn ngân hàng cho vay ra kinh tế bị hạn chế. Thực tế, trước áp lực lãi vay thỏa thuận còn cao như hiện nay, không ít doanh nghiệp đã và đang chọn giải pháp phát hành trái phiếu huy động vốn, với lãi suất tới 14 – 16%/năm. Chẳng hạn như Tổng công ty Sông Đà vừa phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 15%/năm trong năm đầu tiên và thả nổi trong các năm tiếp theo… Tuy nhiên, hệ quả khi các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu được TSKH Võ Đại Lược (Trung tâm kinh tế châu Á Thái Bình Dương) dự báo là, nợ xấu gia tăng, vì doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao sẽ rất khó kinh doanh. Theo đánh giá của ông Lược, so với các trung tâm kinh tế thế giới hiện nay, lãi suất (cả huy động và cho vay) mà các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng là quá cao. Thêm vào đó, các quy định về chính sách tiền tệ mới đưa ra sẽ khiến mặt bằng lãi suất khó có thể giảm như mong đợi. Đây chính là “nút thắt” không chỉ đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, mà còn là “nút thắt” cho đà tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettaichinhnganhang/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/taichinhnganhang/nganhanglaisuat/516469137f00000101ba27cda1b3f6f0