Khó đoán phản ứng của Nga khi Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Các chuyên gia cho rằng việc hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO giúp củng cố an ninh cho khối nhưng đồng thời cũng dẫn đến những bất ổn không chỉ trong khu vực mà còn ở Bắc Cực.

Trao đổi với Zing, ông Stefan Wolff - giáo sư về An ninh Quốc tế tại Đại học Birmingham của Vương quốc Anh - nhận định quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ khiến hai nước này cảm thấy an toàn hơn.

Trong khi đó, phó giáo sư Hakon Lunde Saxi - chuyên gia tại Đại học Quốc phòng Na Uy - nói động thái trên sẽ tăng cường an ninh ở Bắc Âu.

“Điều này sẽ loại bỏ mọi nghi ngờ hoặc trạng thái lấp lửng, đồng thời nâng cao khả năng răn đe của NATO khi tuyến phòng thủ của khu vực trở nên đáng tin cậy hơn”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, châu Âu sẽ ngày càng chia rẽ sâu sắc và sự chia rẽ này “ăn sâu” đến mức khó có thể thay đổi, theo giáo sư Wolff. NATO luôn nói mình liên minh phòng thủ, trong khi Nga coi sự mở rộng của NATO là mối đe dọa.

“Về lâu dài, trật tự an ninh mới này của châu Âu sẽ ổn định và trở thành một kiểu bình thường mới”, ông cho hay.

 Phó giáo sư Hakon Lunde Saxi từ Đại học Quốc phòng Na Uy. Ảnh: forsvaret.no.

Phó giáo sư Hakon Lunde Saxi từ Đại học Quốc phòng Na Uy. Ảnh: forsvaret.no.

Các chuyên gia cũng cho rằng những quốc gia trung lập khác ở châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định thay đổi lập trường của Phần Lan và Thụy Điển.

“Hầu hết quốc gia trung lập về mặt quân sự nhưng không trung lập về chính trị. Và khả năng cao họ vẫn sẽ giữ nguyên lập trường này”, tiến sĩ Alistair Shepherd - giảng viên cấp về an ninh châu Âu tại Đại học Aberystwyth, xứ Wales, Vương quốc Anh - nói với Zing.

Giống như hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan, nhiều quốc gia châu Âu lựa chọn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) bởi cơ hội phát triển kinh tế và hội nhập chính trị. Tuy nhiên, một số nước lựa chọn đứng ngoài NATO nhằm tránh cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, theo AP.

Hôm 18/5, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO.

Ông Lunde Saxi cho rằng có khả năng Nga sẽ đáp trả bằng cách tăng cường lực lượng dọc theo biên giới Phần Lan, cùng các biện pháp hỗn hợp (hybrid means) như chính trị, ngoại giao, tuyên truyền… Tuy vậy, các chuyên gia cho biết dù có bất ổn và thêm căng thẳng, khả năng xảy ra hành động quân sự giống như tại Ukraine là rất thấp.

Thành viên quân đội Na Uy tham gia cuộc tập trận mang tên "Phản ứng Lạnh 2022" (Cold Response 2022), quy tụ khoảng 30.000 quân từ các nước thành viên NATO cũng như Phần Lan và Thụy Điển. Ảnh: Reuters.

Lập trường giữ vững

Tại châu Âu, nhiều quốc gia đưa quy chế trung lập vào hiến pháp, hoặc tuyên bố trung lập trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga. Trong số này có các thành viên EU như Áo, Ireland, Cộng hòa Cyprus, Malta. Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng là quốc gia trung lập đứng ngoài cả NATO và EU.

“Châu Âu hiện không còn nhiều quốc gia trung lập”, giáo sư Stefan Wolff nhận định, đặc biệt đề cập tới Áo, Thụy Sĩ và Ireland.

Theo ông Wolff, Áo và Ireland đã là một phần của EU và đang tham gia vào Chính sách quốc phòng và đối ngoại chung của EU. Hai nước này cũng được bảo vệ bởi điều khoản phòng vệ lẫn nhau trong Hiệp ước Lisbon.

“Điều khoản này không thể tương đương với Điều 5 của NATO (tấn công một nước nghĩa là tấn công tất cả thành viên - PV). Nhưng vị trí địa lý của 2 nước này không tạo ra áp lực lớn như Phần Lan và Thụy Điển, và đó là thứ quyết định có gia nhập NATO hay không”, giáo sư từ Đại học Birmingham nói.

Giáo sư Stefan Wolff từ Đại học Birmingham. Ảnh: Twitter/@stefwolff.

Ông cho rằng Thụy Sĩ thậm chí còn tách biệt hơn nữa. “Nước này có truyền thống trung lập lâu đời nhất trong lịch sử. Do đó, tôi nghĩ sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào tại quốc gia này trong tương lai gần”, ông Wolff cho hay.

Giáo sư Shepherd đến từ Đại học Aberystwyth cũng có nhận định tương tự. Ông cho rằng các nước này chỉ trung lập về mặt quân sự chứ không trung lập về mặt chính trị, và đây vẫn sẽ là lập trường xuyên suốt của họ.

“Các nước như Ireland và Áo - với tư cách là thành viên của EU - ủng hộ hành động của liên minh trong việc hỗ trợ Ukraine. Ngay cả Thụy Sĩ - vốn là quốc gia trung lập nhất ở châu Âu - cũng đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU dù trước đây họ hiếm khi làm vậy”, ông Shepherd nói.

Ông chỉ ra cả Áo, Malta và Cyprus đều không có kế hoạch chính thức thay đổi lập trường trung lập quân sự. Trong khi đó, ông nói ở Ireland, các phương tiện truyền thông, giới học giả, giới tinh hoa, giới lập pháp và thậm chí cả công chúng vẫn đang thảo luận ý nghĩa chính xác của cụm “trung lập”, đặc biệt là vấn đề Ireland viện trợ cho Ukraine.

Tiến sĩ cũng lưu ý có dấu hiệu cho thấy việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO làm dấy lên cuộc thảo luận mới về tư cách thành viên NATO của Ireland, mặc dù đa số trong các đảng phái chính trị và công chúng không ủng hộ điều này.

Giáo sư Wolff cho hay ông mong chờ xem Uzbekistan và Turkmenistan - hai quốc gia trung lập ở Trung Á - sẽ phản ứng như thế nào.

“Hai quốc gia này có thể sẽ cảm nhận sức ép, ví dụ như tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), hoặc đối với Turkmenistan là tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)”, ông kết luận.

Quan điểm khó đổi giữa Nga và NATO

Trước quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, giáo sư Stefan Wolff nhận định khó để dự đoán phản ứng tiếp theo của Nga. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết Moscow sẽ không hành động quân sự giống như ở Ukraine, dù cho căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa thể xoa dịu.

“Trong khi phương Tây nói rằng đây là động thái phòng thủ, đối với Nga, việc Phần Lan cùng Thụy Điển gia nhập NATO là một trong những hành động xâm phạm hơn nữa của phương Tây và làm suy giảm an ninh của nước này”, theo ông Wolff.

Bản đồ các quốc gia thành viên NATO. Đồ họa: Guardian.

Tiến sĩ Alistair Shepherd cũng cho biết Moscow đã nhận được điều ngược lại với những gì họ mong muốn liên quan đến vấn đề NATO sau “chiến dịch quân sự” vào Ukraine.

Một lý do Nga viện dẫn cho hành động quân sự này là lo ngại sự mở rộng của NATO. Moscow muốn chấm dứt sự mở rộng của NATO và thậm chí đảo ngược nó bằng cách thúc đẩy NATO rút quân khỏi các quốc gia thành viên đã tham gia khối này kể từ năm 1997. Tuy nhiên, Nga đã nhận được điều ngược lại với việc Thụy Điển và Phần Lan lên kế hoạch chính thức trở thành thành viên khối.

“Quan điểm của hai bên trong vấn đề này không có điểm chung”, ông Wolff nói. “Trong trường hợp hai bên không thể đối thoại thực chất, những quan điểm này khó thay đổi trong một sớm một chiều”.

Nga đã cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan về những hậu quả quân sự - chính trị, tuyên bố họ sẽ phải "tái cân bằng tình hình" ở biên giới phía tây, đồng thời đe dọa tái bố trí vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, theo ông Shepherd, Nga đã có vũ khí hạt nhân ở xung quanh bán đảo Kola tại phía bắc Phần Lan và họ đã sử dụng mối đe dọa này trước đó bằng cách đặt tên lửa ở Kaliningrad. Vì vậy, đây không phải là một mối đe dọa hoặc chiến thuật mới.

“Tuy nhiên, Nga có khả năng làm gia tăng các thách thức trên không - trên biển đối với không phận - lãnh hải của Thụy Điển và Phần Lan”, ông nói.

Nguy cơ đối với an ninh châu Âu

Các chuyên gia nhận định động thái mới này sẽ không khiến cuộc xung đột ở Ukraine lan sang Bắc Âu.

“Nga không có khả năng triển khai bất cứ hoạt động quân sự nào vì đang tập trung giành quyền kiểm soát miền Đông và miền Nam Ukraine”, ông Shepherd cho biết.

“Những cam kết đảm bảo an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan bởi các quốc gia như Anh và Mỹ cũng sẽ ngăn chặn Moscow có bất kỳ hành động quân sự nào trước khi hai quốc gia này chính thức gia nhập NATO”, ông nói thêm.

Tiến sĩ Alistair Shepherd là giảng viên cấp về an ninh châu Âu tại Đại học Aberystwyth. Ảnh: Twitter/@al_shepherd.

Tuy nhiên, giáo sư Wolff cảnh báo về “khả năng xảy ra nhiều bất ổn hơn, đặc biệt là ở khu vực biển Baltic nơi lực lượng Nga hiện diện tương đối nhiều”. Ngoài ra, bất ổn có thể xảy ra ở các nước có dân tộc Nga và cộng đồng nói tiếng Nga lớn như Estonia và Latvia (cả hai nước đều là thành viên của EU và NATO), ông cho hay.

“Lực lượng NATO cũng áp sát gần biên giới Nga hơn nữa và tăng diện tích ‘tiếp xúc trực tiếp’. Điều này dẫn đến khả năng làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng”, ông nói.

Biên giới trên đất liền của NATO với Nga sẽ tăng hơn gấp đôi nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập liên minh. NATO hiện có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.215 km với các quốc gia thành viên. Khi Phần Lan gia nhập NATO, con số này sẽ tăng lên 2.600 km.

Ngoài ra, ông Shepherd cho rằng việc gia nhập NATO của hai nước cũng sẽ phải đối mặt thách thức khi vấp phải sự phản đối đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara từng tuyên bố Phần Lan và Thụy Điển đều có sự hiện diện của nhóm người Kurd (như PKK và YPG), và muốn các quốc gia này dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí.

Dù vậy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ không để Thổ Nhĩ Kỳ chặn tư cách thành viên của hai nước này.

“Có thể một thỏa thuận sẽ được ký kết, theo đó Thụy Điển và Phần Lan nhắc lại các nhóm này là tổ chức khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm đối với một số hoạt động mua bán vũ khí”, ông cho biết. “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với sức ép chấp thuận hai nước này tham gia là rất lớn, đặc biệt là trước Mỹ”.

Ngoại trưởng các quốc gia thành viên NATO tại cuộc họp hôm 15/5 ở Berlin. Ảnh: Reuters.

Phần Lan, Thụy Điển tăng giá trị an ninh cho NATO

Ông Shepherd cho rằng nhìn chung, việc hai quốc gia này gia nhập giúp tăng thêm giá trị cho NATO và an ninh của khối, thay vì làm suy yếu khối này.

“NATO sẽ có thêm hai quốc gia thành viên mạnh, đáp ứng các yêu cầu về chính trị, quân sự và kinh tế”, ông nói. “Cả hai là quốc gia dân chủ, có năng lực quân sự tiên tiến phù hợp với tiêu chuẩn NATO và có đủ nguồn lực để đóng góp vào ngân sách NATO”.

Điều này cũng giúp NATO dễ dàng bảo vệ các quốc gia Baltic hơn vì sẽ không còn sự băn khoăn về việc sử dụng không phận của Thụy Điển để gửi binh sĩ hoặc tiếp tế cho các quốc gia Baltic.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Shepherd nhận định Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp khối này tăng cường hiện diện ở Bắc Cực.

Trong nhiều năm, các tuyến đường vận chuyển và nguồn dự trữ năng lượng ở Bắc Cực đã trở thành tâm điểm tranh luận ở nhiều quốc gia. Giờ đây, với nguy cơ thay đổi trật tự địa chính trị sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, sự cạnh tranh về chủ quyền và tài nguyên ở Bắc Cực đang ngày càng gay gắt.

“Sau khi hai nước này gia nhập NATO, Nga là thành viên duy nhất không thuộc NATO trong Hội đồng Bắc Cực”, ông nói. “Việc tất cả thành viên còn lại của Hội đồng Bắc Cực quyết định tẩy chay bất kỳ cuộc họp nào ở Nga (khi nước này giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực 2021-2023) cũng có khả năng gây bất ổn cho khu vực Bắc Cực”.

Ukraine tung video phá hủy cầu ở Luhansk Đoạn video do Vệ binh Quốc gia Ukraine công bố hôm 18/5, được Guardian xác định là ở cầu Borova, nối Severodonetsk và Lysychansk với thành phố Rubizhne, thuộc vùng Luhansk.

Minh An - Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-doan-phan-ung-cua-nga-khi-thuy-dien-phan-lan-gia-nhap-nato-post1318080.html