Khó đạt mục tiêu về nước sạch

58% người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị  thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 24-7. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, khó đạt được mục tiêu về cấp nước và vệ sinh trường học và mục tiêu số dân được cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế vào năm 2015.

Dự kiến hết năm 2014, 86% người dân nông thôn Lào Cai được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ảnh: N.B

Mới có 42% người dân nông thôn được dùng nước sạch

Theo ước tính của Bộ NN - PTNT, đến cuối năm 2014, tỉ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) ước đạt 84%. Tuy nhiên, tỉ lệ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế chỉ đạt khoảng 42%. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu HVS ước đạt 62,5%, tỉ lệ trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu HVS ước đạt 96%, tương tự, đối với trường học, tỉ lệ này là 90%. Các kết quả này đều thấp hơn mục tiêu quốc gia đề ra.

Kết quả đạt được của các vùng miền cho thấy, tỉ lệ đạt thấp tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc (cấp nước 80% và vệ sinh 50%), Bắc Trung bộ (cấp nước 75% và vệ sinh 54%), Tây Nguyên (cấp nước 80% và vệ sinh 50%). Đây là những vùng có tỉ lệ cao về người nghèo, dân tộc thiểu số.

Hiện, toàn quốc có khoảng 15.093 công trình cấp nước tập trung với các mô hình, quản lý khác nhau. Trong số đó, chỉ có 35% công trình hoạt động bền vững, 38% công trình hoạt động bình thường và 27% công trình hoạt động kém hoặc không hoạt động.

Mức độ bền vững của các công trình ở các vùng miền là khác nhau. Tỉ lệ công trình hoạt động kém và không hoạt động chủ yếu ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc (30%), Bắc Trung bộ (40%), Nam Trung bộ (36%) và Tây Nguyên (41%). Đồng thời, các công trình hoạt động kém hiệu quả chủ yếu thuộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa từ nhiều nguồn vốn đầu tư có quy mô nhỏ, từ 30-100 hộ do UBND xã và cộng đồng quản lý.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho nước sạch

Phân tích nguyên nhân khiến cho chương trình chưa đạt được mục tiêu về nước sạch, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, ngoài việc chưa kịp thời điều chỉnh cơ chế chính sách, còn do việc huy động các nguồn vốn để thực hiện chương trình chưa đảm bảo theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2012-2014 ước chỉ đạt 75,6% so với Quyết định 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thắng đánh giá: "Cách tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận người dân vẫn mang tính áp đặt. Điều đó dẫn đến người dân không tích cực tham gia quản lý và vận hành công trình, hệ thống cấp nước. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường còn triển khai chậm, đầu tư của khu vực tư nhân còn hạn chế, sự tham gia của người dân ở một số địa phương chưa hiệu quả, nước sạch chưa thực sự trở thành hàng hóa".

Thực tế cho thấy, các địa phương làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư cho nước sạch có tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch cao hơn bình quân toàn quốc. Có thể kể đến các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Bình Định, Quảng Trị.

Tại Thái Bình, để thu hút đầu tư tư nhân cho lĩnh vực nước sạch, UBND tỉnh này có chính sách, quy chế rất rõ ràng, minh bạch. Địa phương này cũng quy hoạch lại toàn bộ hệ thống công trình nước sạch trên địa bàn, đưa nước sạch là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng, tỉnh Thái Bình còn hỗ trợ kinh phí dựa trên kết quả công suất sản xuất nước sạch. Cụ thể, cứ 1m3 nước hỗ trợ 3 triệu đồng và 2 triệu đồng/m3 đối với công trình nâng cấp. Cùng với đó, tỉnh Thái Bình hỗ trợ 3-5 năm lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Kết quả, sau 2 năm ban hành chính sách, cơ chế khuyến khích, Thái Bình thu hút được 24 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng 29 công trình nước sạch với tổng vốn 1.700 tỷ đồng. 100% xã có doanh nghiệp đăng ký cấp nước sạch cho nông dân. Thái Bình phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 100% xã, dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch.

Từ thực tế đó, để đạt mục tiêu đề ra, ngoài nguồn vốn ngân sách, các địa phương cần có chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. "Mỗi tỉnh cần có chính sách riêng, phù hợp với đặc điểm địa phương mình nhưng phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận" - Ông Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính bền vững của các công trình, cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt với các dự án do cộng đồng quản lý. Đảm bảo tạo cơ hội thuận lợi và bình đẳng để người dân được hưởng lợi và tham gia một cách tích cực, chủ động vào các hoạt động của chương trình từ khâu xây dựng kế hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và giám sát đánh giá. Có như vậy, người dân mới thực sự coi những công trình cấp nước sạch là của mình, từ đó có ý thức tham gia, bảo vệ và duy tu các công trình này.

Bích Nguyên - Thùy Linh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kho-dat-muc-tieu-ve-nuoc-sach/