Khó có khả năng leo thang quân sự giữa Mỹ và Iran

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang nhanh sau thông tin Mỹ triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay, một hệ thống tên lửa đất đối không cùng một phi đội máy bay ném bom tới Trung Đông và Iran tuyên bố sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh hiện giờ đã trở thành một mục tiêu.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, bất chấp những tuyên bố đã được đưa ra, hai bên sẽ không có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh quân sự.

Hôm 6-5, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông đã phê chuẩn việc triển khai hệ thống phòng thủ Patriot, Hàng không Mẫu hạm USS Abraham Lincoln, máy bay oanh tạc B-52 tới các vùng biển gần Iran để đáp trả “những dấu hiệu thể hiện một mối đe dọa hiện hữu từ các lực lượng thân chế độ Iran”.

Cùng với đó là lời kêu gọi “chế độ Iran chấm dứt mọi sự khiêu khích. Chúng tôi sẽ bắt chế độ Iran phải trả giá cho bất cứ hành động tấn công nào nhằm vào các lực lượng hay các lợi ích của Mỹ”.

Thông tin này xuất hiện từ trước đó, tối 5-5, khi ông John Bolton, cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phát biểu rằng động thái này là “một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn gửi tới chế độ Iran rằng mọi hành động tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ hay của các đồng minh của Mỹ đều sẽ phải hứng chịu sức mạnh không khoan nhượng”.

Iran tuyên bố coi tàu sân bay Mỹ ở khu vực là một mục tiêu. Ảnh: Getty Images

Iran tuyên bố coi tàu sân bay Mỹ ở khu vực là một mục tiêu. Ảnh: Getty Images

Ông nói thêm: “Mỹ không muốn chiến tranh với chế độ Iran, nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị đầy đủ để đáp trả mọi sự tấn công, dù là từ các lực lượng ủy nhiệm, Lực lượng Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran (IRGC), hay các lực lượng quân sự thông thường của chế độ Iran”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du không được thông báo trước tới Iraq ngày 7-5, chỉ một ngày ngay sau khi ông tuyên bố: “Hành động leo thang căng thẳng có thể đang diễn ra, và do đó chúng tôi đang tiến hành tất cả những động thái thích hợp, cả từ khía cạnh an ninh, cũng như (để đảm bảo)... tổng thống có nhiều lựa chọn trong trường hợp có điều gì đó thực sự xảy ra”.

Đây là những điều đằng sau hồi trống giục chiến: Mỹ đang siết chặt “đinh vít” bằng các lệnh trừng phạt hiệu quả về dầu mỏ chống lại Tehran, và nếu “đường sinh mệnh” dầu mỏ của Iran bị cắt đứt trong khi nền kinh tế của nước này vốn đã rất suy yếu, thì Tehran có thể phản công bằng một cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào các lực lượng rải rác của Mỹ tại các khu vực ở Iraq hiện đang bị Iran chi phối. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn đó sẽ là một cuộc chiến rất lớn - cuộc chiến có thể nhanh chóng leo thang thành một xung đột với rất nhiều bạo lực và tốn kém hơn nhiều so với hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh giữa Mỹ và Iraq cách đây nhiều thập kỷ.

Về phía Iran, các nhà lãnh đạo nước này gọi hành động của Mỹ là chiến tranh tâm lý và coi đó là một hành động khiêu khích, nhằm lôi kéo đất nước của họ vào một cuộc xung đột quân sự. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói ông không tin là Tổng thống Donald Trump muốn chiến tranh với Iran, mà là một “nhóm B”, gồm Cố vấn John Bolton, một nhân vật chống Iran, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang cố kích động người đứng đầu Nhà Trắng bước vào một cuộc xung đột với Tehran.

Ông Amirali Hajizadeh, người đứng đầu lực lượng hàng không vũ trụ của IRGC, thì tuyên bố, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh thường được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Iran, nhưng hiện giờ điều đó đã trở thành một mục tiêu.

Ông nói: “Một tàu sân bay với ít nhất 40-50 máy bay và khoảng 6.000 người trước đây được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng đối vơi chúng tôi, và giờ đây nó trở thành một mục tiêu, còn các mối đe dọa đã chuyển thành cơ hội”. Quan chức IRGC cũng khẳng định: “Nếu Mỹ có bất cứ động thái nào, chúng tôi sẽ nhằm thẳng vào đầu họ”.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, đất nước của ông sẽ tiếp tục làm giàu uranium ở mức cao và tuyên bố, đình chỉ bán uranium làm giàu và dư thừa nước nặng, nếu các bên ký kết thỏa thuận này không đáp ứng các cam kết bảo vệ ngành dầu mỏ và ngân hàng ở Iran trong vòng 60 ngày. Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Rouhani kêu gọi sự thống nhất, đoàn kết giữa các phe phái chính trị, để vượt qua các điều kiện mà ông nói khó khăn hơn trong cuộc chiến năm 1980 với Iraq.

Ông cũng cho biết, không thể loại trừ một cuộc đối đầu quân sự. Iran cũng triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hành trình trên những chiếc thuyền nhỏ của IRGC ở vùng Vịnh. Iran cũng bác bỏ các thông tin tình báo và các cáo buộc của Mỹ rằng, nước này đang có kế hoạch tấn công các căn cứ, cơ sở và đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Iran cho rằng, đó là các thông tin sai lầm tương tự như những gì đã xảy ra ở Iraq năm 2003, đồng thời phủ nhận đã bật đèn xanh cho các đặc vụ và đồng minh trong khu vực để tấn công lực lượng Mỹ.

Dư luận khu vực thực sự lo lắng căng thẳng giữa Mỹ và Iran có khả năng leo thang xung đột quân sự rất cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, với các tuyên bố của Mỹ và Iran, hai bên không có khả năng tiến hành chiến tranh quân sự, bất chấp những tuyên bố của cả hai bên về khả năng chiến tranh.

Mỹ sẽ không tấn công quân sự bởi cuộc bầu cử tổng thống mới ở Mỹ năm 2020 đang cận kề và ông Donald Trump không muốn thất bại hoặc mất điểm trước cử tri. Còn với Iran, quốc gia đang chịu nhiều khủng hoảng về kinh tế, xã hội nên sẽ không tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự và sẽ không đóng eo biển Hormuz để tránh đối đầu với các nước trên thế giới.

Dù cuộc chiến chưa xảy ra, nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế các nước khu vực. Và dù không muốn chiến tranh bởi không có người chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng song song với đó, các quốc gia vùng Vịnh đã chủ động có các kế hoạch phòng thủ, nhất các các nước có cơ sở, lợi ích của Mỹ ở đó.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/kho-co-kha-nang-leo-thang-quan-su-giua-my-va-iran-544933/