Khó càng thêm khó!

Dù đã có mặt tại hơn 160 quốc gia với đa dạng các mặt hàng nông sản, thủy sản, nhưng sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các hàng rào kỹ thuật ngày càng siết chặt...

Tại hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Văn Tốn cho biết, nông sản của Việt Nam xuất khẩu hằng năm nhìn chung ổn định, nhưng giá trị thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh nông sản bị các thương lái chi phối. Thực tế, tỷ lệ vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào khâu chế biến mới chú trọng vào buôn bán nguyên liệu thô nên khó đáp ứng được thị trường tiêu thụ ngày càng đa dạng, khó tính, làm giảm khả năng cạnh tranh.

Rào cản kỹ thuật gây thêm khó khăn cho nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Đặng Kim Sơn nhận định, hình thức giao dịch nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phổ biến là mua bán tự do. Việc mua bán hàng hóa thông qua ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân chưa phổ biến. Hình thức mua bán giao dịch qua chợ đầu mối, trung tâm giao dịch còn rất ít mà phần lớn thực hiện thông qua kênh truyền thống là các chợ - nơi kiểm soát chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo khiến nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn chật vật tìm chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do đa số cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương còn nhỏ lẻ, nên việc đáp ứng các điều kiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường còn khó khăn. Mặt khác, sản phẩm nông sản, thủy sản của ta ngày càng phải đối mặt với yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới, nhất là các nước phát triển thuộc Liên minh Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... về rào cản kỹ thuật, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên đã khó lại càng thêm khó.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Văn Tốn cho rằng, các địa phương cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gắn với đổi mới tổ chức sản xuất, đồng thời chủ động xây dựng các mô hình sản xuất sạch, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, những sản phẩm có lợi thế riêng để xây dựng thương hiệu cho từng vùng, từng địa phương. Nhà nước cần đổi mới đầu tư cho khoa học, công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN& PTNT) Đào Văn Hồ cho rằng, các doanh nghiệp cần phát triển sản xuất dựa trên phương thức kinh doanh hiện đại theo cơ chế thị trường, sắp xếp, mở rộng thị trường trong nước gắn với thị trường ngoài nước, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, với mức giá có lợi cho người nông dân và DN để thu lợi nhuận cao. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Về lâu dài, Nhà nước cần xây dựng chính sách tiêu thụ nông sản gắn với các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đồng thời đẩy mạnh thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin về cam kết thương mại song phương, đa phương, trong đó nêu rõ những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp và người dân biết để có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường...

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855138/kho-cang-them-kho