Kho báu vô giá của bảo tàng cổ nhất Sài Gòn

Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh là nơi đang lưu giữ một 'kho báu' cổ xưa đồ sộ, là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai muốn khám phá về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.

Tọa lạc trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh là bảo tàng lâu đời nhất và sở hữu bộ sưu tập cổ vật lớn nhất ở TP HCM.

Tọa lạc trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh là bảo tàng lâu đời nhất và sở hữu bộ sưu tập cổ vật lớn nhất ở TP HCM.

Lịch sử Bảo tàng bắt đầu vào năm 1927, khi Hội Nghiên cứu Đông Dương mua lại bộ sưu tập gồm hàng nghìn cổ vật của nhà sưu tầm quá cổ Holbé. Để có chỗ gìn giữ và trưng bày, Hội đã đề nghị với chính quyền cho xây dựng một bảo tàng.

Thuận theo đề nghị này, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Pacha Da Lagos. Bảo tàng đã khánh thành ngày 1/1/1929.

Tòa nhà bảo tàng do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế và được hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon xây dựng theo lối kiến trúc Đông Dương cách tân (Styleindochinois), là một công trình kiến trúc thuộc địa độc đáo của Sài Gòn xưa.

Điểm nhấn trong kiến trúc bảo tàng là phần trung tâm có một khối bát giác, gợi nhớ quan niệm về bát quái của Kinh Dịch phương Đông. Trên khối bát giác là hai tầng mái lợp ngói ống, có gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu...

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, Bảo tàng Pacha Da Lagos được đổi tên là Gia Định Bảo tàng viện. Đền năm 1956, cơ sở này đổi tên Bảo tàng là Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam.

Sau ngày 30/4/1975, Bảo tàng được chính quyền Cách mạng tiếp quản. Năm 1979, ngành chức năng cho đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đổi lại là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2013 đổi lại tên Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh như quyết định năm 1979.

Buổi đầu, Bảo tàng Pacha Da Lagos chỉ có 2.893 cổ vật, chủ yếu là bộ sưu tập của Holbé. Ngày nay, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu trên 30.000 hiện vật, về quy mô chỉ đứng sau Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội.

Bảo tàng có hai phần trưng bày chính. Phần 1 là lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử (cách nay khoảng 500.000 năm) cho đến hết thời nhà Nguyễn (1945). Phần 2 là trưng bày chuyên đề về văn hóa miền Nam Việt Nam và một số nước châu Á.

Trong số các hiện vật của Bảo tàng, đồ sộ nhất là bộ sưu tập súng thần công và đại bác thế kỷ 18 – thế kỷ 19, với hàng chục cỗ súng thuộc nhiều kiểu mẫu khác nhau.

Hiện vật gây ấn tượng đặc biệt là xác ướp của một nữ quý tộc Việt có niên đại 2 thế kỷ, được các nhà khảo cổ học phát hiện năm 1994 trong một ngôi mộ cổ song táng (hai quan tài) tại xóm Củi (phường 8, Q. 5, TP. HCM).

Khu trưng bày văn hóa Chăm Pa, văn hóa Óc Eo... quy tụ nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị mỹ thuật hàng đầu của các nền văn hóa từng thịnh vượng ở miền Nam Việt Nam.

Trên 10 hiện vật của Bảo tàng thuộc hai nền văn hóa Chăm Pa và Óc Eo đã được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam, như tượng Phật Đồng Dương, tượng Nữ Thần Durga, tượng Phật Sơn Thọ...

Có thể nói, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh là nơi đang lưu giữ một “kho báu” cổ xưa đồ sộ, là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai muốn khám phá về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.

Nghe ca khúc Việt nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kho-bau-vo-gia-cua-bao-tang-co-nhat-sai-gon-1389672.html