Kho báu trong mộ cổ: Tài sản tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân

Trong số di vật của Thống chế Thoại Ngọc Hầu và phu nhân phát hiện tại An Giang, có rất nhiều trang sức, đồ gốm và cả những vật phẩm bang giao giữa VN và các nước Đông Nam Á.

Lọ vôi bằng vàng (Campuchia) (trái) và Bình nước thơm (Thái Lan) - Ảnh: L.C.T

Gốm sứ Trung Quốc

Gốm sứ có số lượng lớn, chủ yếu là loại đồ dùng trong ẩm thực khá đa dạng từ màu men, kiểu dáng, hoa văn trang trí cho đến loại hình, xuất phát từ nhiều trung tâm sản xuất nổi tiếng của Trung Quốc từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.

Gốm sứ do Cảnh Đức trấn sản xuất bao gồm các vật dụng: muỗng hình xuồng vẽ loan phượng, sen liễu, hoa mai; đĩa vẽ hoa lá dây, bát vẽ hoa lá dây, lân hí cầu, giáo tử, cúc, phượng, trúc bướm, dơi, ong, chim phi minh túc thực (bay, hót, bái, ăn), phong cảnh; thố (tiềm) có nắp vẽ hoa dây… Gốm sứ do tỉnh Phúc Kiến sản xuất là loại chung uống trà hoặc uống rượu men trắng. Ấm trà đất nung do tỉnh Giang Tô sản xuất… Ngoài ra còn có gốm của nhà thuốc Đồng Nhân Đường (Bắc Kinh), loại lọ hít men trắng viết chữ Hán xanh.

Ông bà Thoại Ngọc Hầu có đầy đủ các vật dùng cho sinh hoạt đời thường trong mộ, trong đó nhiều nhất là đồ dùng cho việc ăn trầu và uống trà, tuy nhiên số lượng phần ăn trầu thì bà nhỉnh hơn (18/10), uống rượu ông nhỉnh hơn (19/14), nhưng có 1 chai rượu Tây duy nhất thì nó lại nằm bên phía mộ bà. Đồ dùng uống trà ông bà bằng nhau về số lượng nhưng ông lại hơn 1 cái ấm đất nung…

Quý kim của gia đình thống chế

Trong mộ ông, những người khai quật phát hiện 5 thoi bạc, mỗi thoi nặng 10 lạng, 5 thoi bạc nặng 1 lạng/thoi, 2 thoi vàng, mỗi thoi nặng 10 lạng. Phần mộ bà có 10 thoi bạc, mỗi thoi nặng 10 lạng, 33 thoi bạc nặng từ 1/4 lạng, nửa lạng đến 1 lạng, 2 thoi vàng, mỗi thoi nặng 10 lạng. Tiền vàng và bạc trong di vật của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân có giá trị khá lớn.

Theo quy luật thì đồ tùy táng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tài sản thực có, vì vậy có thể dự đoán là Thoại Ngọc Hầu còn để lại cho con cháu một số lượng tài sản đáng kể. Đây là lần đầu tiên ở VN phát hiện một khối lượng đồ tùy táng bằng vàng bạc lớn như vậy. Cuộc khai quật đã thu được kết quả về giá trị kinh tế của cổ vật bằng vàng bạc, vừa quý giá về khối lượng quý kim, vừa quý giá về loại hình mà từ trước đến nay chưa có ai biết đến, chưa có ai công bố và trong thực tế chưa từng xuất hiện trên thị trường cổ vật. Đáng chú ý là những thoi bạc nhỏ 1/4 lạng, nửa lạng lại đóng dấu niên hiệu vua Nguyễn, còn các thoi lớn có giá trị 5 lạng, 10 lạng lại không có niên hiệu.

4 thoi vàng di vật của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân đã mô tả trên không có những dấu hiệu như những thoi vàng thời Minh Mạng nên có thể không được đúc vào đầu thời Nguyễn, về kích thước hơi khác nhau: thỏi vàng của ông bà Thoại Ngọc Hầu dài hơn nhưng ốm hơn, vì vậy hình dạng rất khác nhau, có khả năng nó không được đúc bởi triều Nguyễn mà có niên đại sớm hơn khoảng giữa thế kỷ 18.

Trong phần mộ của ông cũng có một số đồ trang sức cá nhân bằng vàng: một đôi bông tai cuống hình chữ S duỗi, mặt là một gương sen kết từ những sợi vàng mỏng manh, trông rất duyên dáng. Đây là loại vàng 7 tuổi rưỡi. Ông còn được sở hữu 4 chiếc vòng tay bằng vàng trơn mặt cắt tròn, trên thân vòng có khía mỏng, được chia thành hai cặp, mỗi cặp có đường kính lần lượt: 6,5 cm và 6,8 cm. Có lẽ đây là kỷ vật của 2 người vợ mà ông đã lưu giữ: bà thứ Trương Thị Miệt và bà chánh Châu Thị Tế.

Bà Châu Thị Tế không chỉ có trang sức cá nhân nhiều hơn ông mà còn có những vật dụng bằng vàng khác. Về trang sức trên người, bà sở hữu 6 chiếc nhẫn vàng cẩn đá quý chế tác cực kỳ tinh xảo, đều là vàng 9 tuổi. Một cặp vòng tay bằng vàng, 2 cặp bông tai, bộ trâm cài đầu 10 cái, đầu trâm làm bằng vàng 8 tuổi, cây gài bằng bạc trong đó có 4 chiếc đã mất cây gài chỉ còn lại phần đầu.

Theo nhà kim hoàn Vũ Kim Lộc thì đây là bộ trang sức rất độc đáo còn khá nguyên vẹn, mang đậm ảnh hưởng kiểu chế tác của thời các chúa Nguyễn và những nghệ nhân làm ra nó thuộc Nội Kim Tượng Cục tại kinh đô Huế. Bộ trang sức này có giá trị không những trong việc làm rõ phục sức của nữ quan quý tộc thời Nguyễn mà còn góp phần vào nghiên cứu lịch sử nghề kim hoàn cổ VN.

Vật phẩm bang giao

Nhóm di vật gồm các loại hình vàng, bạc, đá quý, gốm sứ, đồ đồng có nguồn gốc từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Campuchia.

Đây là những vật phẩm do Quốc vương Campuchia biếu tặng trong những lần Thoại Ngọc Hầu được giao nhiệm vụ làm Bảo hộ quốc gia hàng chục năm trời.

Nhiều hiện vật kim loại vàng, đá ngọc tìm thấy trong kho báu Thoại Ngọc Hầu tạo tác tinh xảo, đề tài và mô típ trang trí mang tính điển hình văn hóa của hai quốc gia Thái Lan và Campuchia. Nhiều di vật là độc bản, quý hiếm mà ngay cả một số bảo tàng lớn ở Thái Lan và Campuchia hiện nay cũng không có.

Trong số các di vật quý này, tiêu biểu có bình vôi hình tháp tròn bằng vàng do Campuchia chế tác và một con dao bằng ngà voi nạm vàng nhưng vì lưỡi dao bằng sắt nên đã bị mục nát. Bên mộ ông cũng có một bình vôi hình dạng và chiều cao tương tự nhưng bằng bạc.

Lương Chánh Tòng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/kho-bau-trong-mo-co-tai-san-tuy-tang-cua-thoai-ngoc-hau-va-phu-nhan-638155.html