Kho báu giúp Nga miễn nhiễm trừng phạt: Ẩn ý lộ tin

Theo chuyên gia, Nga là quốc gia giàu tài nguyên nhất trên thế giới nhưng cái nhất ấy có trở thành động lực phát triển kinh tế không là chuyện khác.

Theo đánh giá của truyền thông Nga cho rằng, Moskva có thể vượt qua mọi lệnh trừng phạt của phương Tây nhờ "kho báu" khoáng sản có trữ lượng vào loại lớn nhất nhất thế giới, ước tính trị giá 75.000 tỷ USD.

Bình luận về thông tin này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), đã chỉ ra những lý do khẳng định việc này không hề dễ dàng cũng như những ẩn ý của truyền thông Nga khi đưa ra những thông tin trên.

Theo ông, Nga là quốc gia giàu tài nguyên nhất trên thế giới nhưng cái nhất có trở thành động lực để phát triển kinh tế hay không lại là chuyện khác.

"Không phải cứ có nhiều tài nguyên là nước Nga có thể thoát khỏi mọi khó khăn. Nền kinh tế Nga là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, nằm trong bức tranh toàn cầu hóa, không thể phát triển biệt lập như cách đây hàng thế kỷ. Không một quốc gia nào bị cô lập mà phát triển được. Bên cạnh đó, giàu tài nguyên là một chuyện nhưng có công nghệ để khai thác hay không lại là chuyện khác", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận xét.

Bên cạnh đó, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược cũng bày tỏ mối nghi hoặc khi truyền thông Nga đưa ra thông tin miễn nhiễm với lệnh bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây nhờ trữ lượng khoáng sản cực lớn.

"Tôi cho rằng chỉ 50% thông tin ấy là thật. Truyền thông Nga đưa ra thông tin ấy có hai mục đích: mục đích chính trị nội bộ và mục đích chính trị đối ngoại.

Một mặt, họ muốn động viên, yên lòng 145 triệu người Nga, để người dân ủng hộ chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Mặt khác, họ muốn làm nản lòng giới chính trị phương Tây, muốn nói với thế giới rằng những biện pháp bao vây, cấm vận mà Mỹ và phương Tây thực hiện không có giá trị gì với Nga.

Mà phải thừa nhận một sự thực rằng, suốt 4-5 năm đương đầu với lệnh bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây, nước Nga đã gồng mình lên và dù khó, dù khổ, không giàu có gì nhưng nước Nga vẫn tồn tại được.

Đặc biệt, năm 2015 là năm "khốn khổ" nhất của nước Nga, chịu nhiều sức ép từ bên ngoài nhưng rốt cục, đến năm 2018, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng 1,7% và dự báo đến năm 2019 tăng trưởng 2,5%", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.

Nga là quốc gia rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Trong ảnh là một mỏ kim cương khổng lồ của Nga

Nga là quốc gia rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Trong ảnh là một mỏ kim cương khổng lồ của Nga

Theo vị chuyên gia, tài nguyên khoáng sản chỉ giúp cho nước Nga giải quyết vấn đề sinh tồn mà không giàu có, thịnh vượng, phát triển được bởi thời đại ngày nay đã khác. Nga không thể miễn nhiễm với lệnh cấm vận dù những năm qua, Moskva đã vượt lên rất giỏi.

Chừng nào Mỹ và phương Tây còn bao vây, cấm vận, trừng phạt thì nước Nga không thể phát triển được, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói. Cũng vì lẽ đó mà cách làm của Nga trong những năm qua là "liệu cơm gắp mắm".

Chẳng hạn, Mỹ đầu tư cho ngân sách quốc phòng 750 tỷ USD thì chính quyền của Tổng thống Putin chỉ chi 70 tỷ USD nhưng tập trung vào công nghệ cao để vượt Mỹ một số lĩnh vực.

"Số bom nguyên tử của Nga ít hơn, tên lửa đạn đạo, máy bay ít hơn Mỹ... nhưng Nga có một số át chủ bài mà Mỹ không đua với họ được. Nhờ đó Nga có thể tồn tại ung dung.

Dĩ nhiên, Nga không thể thoát được sự phụ thuộc vào tài nguyên và tôi cho rằng cũng không nên nghĩ đến chuyện thoát, vấn đề là khai thác tài nguyên thế nào.

Vấn đề trọng tâm của Nga hiện nay là đối ngoại, gỡ dần lệnh bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây. Thế nên, dù Mỹ làm gì thì ông Putin vẫn mở rộng cánh cửa đối thoại với nước này", ông nói.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn khách quan mà Tổng thống Putin gặp phải khi lèo lái nước Nga vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Đó là lãnh thổ Nga quá rộng, trong khi dân số chỉ chừng 145 triệu dân, chính quyền của ông Putin phải giăng quân bảo vệ đường biên giới dài tới 30.000km. Trong 145 triệu dân Nga có tới 20 triệu người Hồi giáo, đa dân tộc rất phức tạp.

Bên cạnh đó, di sản của 70 năm Xô Viết để lại chủ yếu là ngành công nghiệp nặng. Một nền kinh tế khổng lồ giống như con bạch tuộc kém linh hoạt, hàng hóa tiêu dùng không được quan tâm, cạnh tranh thị trường kém, giờ chuyển sang nền kinh tế công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn là cực kỳ khó khăn và cần nhiều tiền.

"Vì thế, giới chính trị và truyền thông phương Tây thường yêu cầu Nga phải có sự thay đổi mạnh mẽ về chính trị nhưng họ quên mất rằng nước Nga vượt qua được những khó khăn của lệnh bao vây, cấm vận là nhờ có sự lèo lái tài tình của chính quyền Putin.

Không ít ý kiến ở phương Tây cho rằng ông Putin độc tài, tham quyền cố vị nhưng độc tài cũng có cái hay của nó. Lịch sử mách bảo những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nhiều quốc gia phát triển đều có dấu ấn của nhà độc tài.

Vấn đề của Nga không phải là sự thay đổi mạnh mẽ về chính trị mà là phải thoát khỏi chiếc dây thòng lọng bao vây, cấm vận và nước Nga sẽ vẫn có cách.

Điều gây tiếc nuối nhất ở Nga hiện nay là trong giai đoạn 2005-2010 khi giá dầu ở mức cao, nước Nga giàu có, giới cầm quyền ở Nga đã không quan tâm đúng mức đến thay đổi mô hình phát triển kinh tế. Nếu như giai đoạn ấy họ làm được thì khi bị bao vây, cấm vận hệ quả nước Nga phải gánh chịu sẽ đỡ nghiêm trọng hơn nhiều", Thiếu tướng Lê Văn Cương kết luận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/kho-bau-giup-nga-mien-nhiem-trung-phat-an-y-lo-tin-3372375/