'Kho báu' của thầy

Có lẽ chẳng ai 'dị' như thầy Sung. Đó là bởi, thầy có trong tay một 'khó báu' là hàng chục sơ đồ… nhà của tất cả học sinh mà ông làm chủ nhiệm. Cứ hễ rảnh rỗi, thầy lại đến nhà từng đứa vừa như hỏi thăm, vừa như để 'kiểm tra'.

Chính vì thế, những lứa học trò trước khi vào tay thầy “nhào nặn”, dù là những học sinh nghịch như quỷ sứ và sợ học, lười học thì rồi cuối cùng cũng đã tỉnh ngộ để rồi đạt được ước mơ trên con đường học tập của mình.

Theo chân anh bạn về quê thăm thầy, rỉ rả ngồi trò chuyện với ông - thầy giáo Bùi Tiến Sung một chiều mưa trong ngôi nhà nằm sau lùm tre cuối làng ở thị trấn Vũ Thư (Thái Bình), tôi thực sự thấy xúc động trước tình cảm của một người thầy dành cho các thế hệ học sinh của mình.

“Cứu Net” từ 15 phút đầu giờ…

Lớp của anh bạn tôi tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1994, và đã có tới 50/53 bạn thi đỗ đại học ngay sau đó. Vậy mà hồi 2 năm đầu lớp 10 và 11, tuy là lớp chọn nhưng mải chơi, học hành chểnh mảng, kết quả tồi tệ và hầu như chẳng ai xác định gì cho tương lai.

Thế rồi, nhà trường đã giao cho thày Sung làm chủ nhiệm để “cứu Net” vào năm cuối cấp.

Nhận nhiệm vụ, việc đầu tiên ông làm là yêu cầu học sinh phải vào lớp đủ 15 phút trước giờ bắt đầu tiết học thứ nhất mỗi ngày. Bình thường vào giờ ấy, bọn chúng tôi đứa thì còn ăn sáng hoặc mải chạy nhảy nô đùa ngoài sân, đứa thì đang quen đến trường sát giờ… Giờ phải vào bàn ngồi mà vẫn nghe tiếng hò hét của các bạn lớp khác thì làm sao không ấm ức?!.

Những chia sẻ đầu tiên của thầy với học sinh là sự thẳng thắn nhưng đầy khích lệ: Các em đừng nghĩ rằng mình TỐI, mà quan trọng là mình sẽ SÁNG lúc nào thôi. Không tự phấn đấu thì đồng nghĩa với chết thôi, và chuyện đó chẳng có liên quan gì đến việc dạy học của thày cả!

Những buổi 15 phút sau đó, thầy dành để chữa bài và kiểm tra bài, hướng dẫn cách lập kế hoạch học tập một cách nghiêm túc, rành mạch, rõ ràng. Cách thầy cầm phấn viết trên bảng danh mục từng bài học cực kỳ chuẩn chỉnh: số 1 là gì, số 2 phải làm sao – tất cả đều thẳng hàng tăm tắp, học sinh như nhìn thấy rõ hơn, xác định rõ hơn việc mình phải làm. Như anh bạn tôi đã cảm thán rằng: Cả một đời không bao giờ quên một điều, đó là thày không có nhiều thời gian nhưng vẫn bền bỉ rèn học sinh như vậy mỗi ngày.

Sau vài lần cho kiểm tra và thi thử, ông thẳng thắn nêu nhận định: Lớp này nhiều lắm cũng chỉ 20 đứa đỗ đại học! Thậm chí có lần sau khi đội tuyển của lớp thi trượt một kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh về, ông tức quá mắng yêu và tuyên bố: “Chúng mày mà đỗ đại học thì tao bỏ nghề giáo viên!”

Từ đó, cả lớp bảo nhau nỗ lực học tập hơn. Những lần thi thử sau đó, thầy thu thập kết quả điểm và kịp thời “khủng bố” học sinh ngay: Điểm này còn xa với thi đại học lắm nhé! Đã học để đi thi phải luôn xác định mục đích rõ ràng. Ông chia sẻ với tôi rằng, đến khi các em thi thật lại đạt điểm cao, có thể vì lúc tổ chức ôn luyện tôi thường cho đề khó hơn, và nhờ các thày chấm điểm thật khắt khe.

Thày Sung bắt đầu áp dụng “15 phút” từ khóa học trước đó. Vì cũng là lớp chọn nên ngoài 40 em thi vào, cộng thêm số được gửi gắm thành ra sĩ số lên tới 65, vậy mà đi thi đại học ngay năm đầu tiên đã đỗ tới 60 em. Thời điểm đó, chính vì nhiều người nói vào nói ra: Ông làm chủ nhiệm lớp chọn thì làm gì mà kết quả chả tốt, thày Sung đã đề nghị nhà trường: Thế thì đưa tôi 1 lớp bán công đi xem sao. Vậy là nhà trường vừa như tín nhiệm, vừa như thách thức giao thày Sung “cứu Net” tiếp 1 lớp cuối cấp khác - thay cho cô giáo chủ nhiệm cũ vốn tuổi đời và nghề còn non trẻ. Ông làm chủ nhiệm Lớp B4, mà mọi người vẫn gọi chại đi thành Lớp “bê bối”. Kết quả là cả 55 học sinh trong lớp đều thi đỗ tốt nghiệp cấp 3, số thi vào được ĐH-CĐ ngay năm đầu tiên đạt tỷ lệ rất khá.

Thầy giáo

Tận tâm với học trò

“Thời trước vất vả khó khăn lắm, nghề giáo viên cực nhọc luôn. Nhưng tôi xác định, mình đã làm cái nghề này rồi, với đồng tiền nhà nước cho thế thì phải làm đúng theo quy định của nhà nước thôi”. Ông bộc bạch vậy, và bắt đầu sử dụng tối đa thời gian để bám lớp, bám trường.

Bất cứ lúc nào nếu không có giờ dạy, thày Sung đều tranh thủ đứng ngoài lớp theo dõi. Thấy hiện tượng sao nhãng gì trong lớp là hôm sau ông điều trị ngay, vì vậy mà không có thày cô nào kêu ca gì.

Điều “dị” nhất ở thầy có lẽ là việc năm nào làm chủ nhiệm ông cũng vẽ sơ đồ nhà tất cả các học sinh của lớp. Khi có thời gian là ông đến vừa để hỏi thăm, vừa như là đi kiểm tra vậy, lúc có điều kiện thì kéo cả cậu lớp trưởng đi cùng. Vậy nên chẳng ai dám nói dối, vì sợ bị thày giáo “bắt mạch”. Nhà học sinh nào trong lớp thày Sung cũng đến ít nhất 1 lần, thế nên thầy hiểu rất rõ hoàn cảnh từng đứa. Vì thế, đứa nào nhà ở xa mà đến muộn trong ngày mưa gió thì được thầy châm trước.

Ông thường động viên các em: Phải có tri thức. Học cao lên xong rồi muốn làm gì thì làm. Giờ còn đang tuổi thì cố mà học. Học đến khi nào không học được nữa thì hẵng thôi, sau này chuyện làm cái gì thì tùy theo khả năng của mình. “Mình khích tướng vậy nên chúng nó hăng hái học hành lắm, lao vào học khủng khiếp, chứ không nói thế thì các ông ý chỉ mải chơi thôi” - ông nói.

Nhắc lại một kỷ niệm hội lớp 20 năm ra trường, ông đã căn dặn riêng 10 em theo nghề giáo viên rằng: Các ngành khác thì tôi không biết, chứ nghề giáo viên thì phải sống trung thực thẳng thắn, đừng vì đồng tiền mà đánh mất mình đi. Các anh chị có tài năng thì cứ làm, dạy thêm bên ngoài cũng được, rồi sẽ có tiền mà trang trải cuộc sống. Đừng nạt nộ và vòi vĩnh học sinh, mất phẩm chất lắm, nghe nó không đáng tình người!

*

* *

Chia tay thầy Sung dọc lối cỏ quê, ông bảo, năm nào cũng được gặp lại các trò thì vui rồi, chỉ biết động viên chúng nó luôn chân cứng đá mềm, làm tốt việc và chú ý chăm sóc nuôi dạy bọn trẻ con thôi.

Quang Thuấn

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/kho-bau-cua-thay-619881/