Kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu: Khó khăn đã được 'thông' dần, nhưng chưa hẳn hết gian nan

Việc Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đến ngày 15/8/2025 theo kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước là một trong những thông điệp tích cực cho ngành ngân hàng trong việc tiếp tục duy trì cơ sở pháp lý đủ mạnh để thực hiện việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới. Tuy đây sẽ là một yếu tố thuận, nhưng không phải mọi gian nan đã hết, bởi nợ xấu vẫn luôn là vấn đề khó giải quyết, nhất là sau những ảnh hưởng từ Covid-19 trong 2 năm qua.

Tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (Nghị quyết số 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Nợ xấu đang là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng.

Cụ thể, Nghị quyết 47 của Chính phủ đề cập nội dung việc thông qua để trình Quốc hội dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42, đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước rà soát kỹ lưỡng nội dung, hồ sơ trình Quốc hội theo quy định, bảo đảm tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các Thành viên Chính phủ, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

Nghị quyết 47 được ban hành có thể coi là một tín hiệu tích cực cho giới ngân hàng, bởi theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết số 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Đánh giá về những chuyển biến sau gần 5 năm qua kể từ khi Nghị quyết số 42 ra đời, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, rất nhiều tổ chức tín dụng và khách hàng của họ dựa trên cơ sở Nghị quyết số 42 đã tự thỏa thuận để xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản bảo đảm, chuyển giao tài sản bảo đảm, cho nên Nghị quyết số 42 đã có tác động tốt.

Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các biện pháp, chính sách tại Nghị quyết số 42 đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức, các cơ quan hữu quan với tổ chức tín dụng trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần thúc đẩy việc xử lý nợ xấu được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Những trở ngại, thách thức vẫn còn

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu không gia hạn Nghị quyết số 42 có thể sẽ xảy ra tình trạng nợ xấu mới chồng nợ xấu cũ. Tổ chức tín dụng nếu không có Nghị quyết số 42 cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn vì khách hàng chây ỳ trả nợ, quá trình xử lý nợ kéo dài (vì không còn được thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo, không được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn tại tòa, khó chuyển nhượng các dự án chưa có giấy chứng nhận…).

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng đánh giá rằng, ngay cả khi Nghị quyết số 42 được cho phép kéo dài thì các ngân hàng cũng không thể chủ quan, bởi điều này cũng không có nghĩa con đường phía trước cho công tác xử lý nợ xấu đã hoàn toàn phẳng phiu bởi những trở ngại, thách thức khác cũng vẫn còn.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, mặc dù thời gian qua các ngân hàng đã nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, nhưng không thể chủ quan bởi bao phủ nợ xấu chưa tính đến các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý, các khoản nợ xấu tiềm ẩn từ nợ tái cơ cấu và khả năng chuyển các khoản nợ từ nhóm 1,2 thành nợ xấu do điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi trong thời gian tới (tỷ lệ nợ xấu gộp cao gấp 3,8 lần tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2021).

Ngoài ra, Nghị quyết số 42 thực tế cũng không phải là phép màu để có thể giải quyết được mọi vấn đề, bởi ngay cả khi Nghị quyết số 42 vẫn còn hiệu lực thì việc xử lý nợ xấu vẫn có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn. Chẳng hạn, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, thì từ giai đoạn 2020 - 2021 tốc độ xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại. Trong đó, việc xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng trả nợ giảm (năm 2020 giảm 12,98 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 75,8% năm 2019) do dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng. Đồng thời, việc xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản đảm bảo bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế cần thời gian để phục hồi.

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định về dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/keo-dai-thi-diem-xu-ly-no-xau-kho-khan-da-duoc-thong-dan-nhung-chua-han-het-gian-nan-102873.html