Kho bạc Nhà nước giữ vững vai trò trụ cột của ngành Tài chính

Thời gian qua, công tác thi đua và khen thưởng chính là động lực để toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 21/8 tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức tại Hội nghị Đại biểu điển hình tiên tiến hệ thống Kho bạc Nhà nước lần thứ V.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, trong thời gian qua cấp ủy Đảng, lãnh đạo KBNN các cấp đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhận thức đầy đủ về vị trí vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động toàn hệ thống KBNN.

Việc tổ chức tốt công tác thi đua và khen thưởng đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo nên không khí sôi nổi trong toàn hệ thống, tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động của hệ thống KBNN nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo lãnh đạo KBNN, trong giai đoạn 2015-2020, KBNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm là quản lý quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN), phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp chính quyền trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Theo đó, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổ chức thu NSNN góp phần hoàn thành dự toán thu được giao. KBNN cũng đã tham mưu để Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý thu nộp NSNN qua KBNN theo thẩm quyền nhằm cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế.

Cùng với cải cách về quản lý thu NSNN, trong giai đoạn năm 2016-2020, hệ thống KBNN đã có nhiều đổi mới trong công tác kiểm soát chi NSNN, thực hiện cải cách thủ tục hành chính thông qua việc rà soát, hoàn thiện các cơ chế, quy trình thủ tục kiểm soát cam kết chi, kiểm soát chi NSNN.

Đáng chú ý, đối với chi đầu tư đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi từ 7 ngày xuống còn 1 - 3 ngày làm việc, yêu cầu đối với hồ sơ đề nghị thanh toán được cải cách nhằm giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán.

Còn đối với các chi thường xuyên NSNN, KBNN đã thực hiện kiểm soát chi NSNN theo rủi ro căn cứ giá trị của các khoản chi, qua đó đã kiểm soát được 99% tổng giá trị chi; kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi đối với cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời thực hiện quy trình kiểm soát chi một cửa, thực hiện chi tiêu NSNN qua thẻ tín dụng đối với các khoản chi nhỏ lẻ, triển khai ứng dụng di động nhằm nâng cao khả năng tương tác, trao đổi thông tin giữa KBNN với các đơn vị giao dịch (như tình hình xử lý hồ sơ, biến động số dư tài khoản,…).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đánh giá phong trào thi đua yêu nước 5 năm 2016 - 2020 của hệ thống KBNN đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Các phong trào thi đua được chuẩn bị kỹ lưỡng từ mục tiêu, nội dung cho đến cách thức tổ chức thực hiện. Đồng thời, KBNN đã chú trọng tổ chức đan xen các phong trào thi đua, kết hợp giữa phong trào thi đua thường xuyên, định kỳ với các phong trào thi đua theo chuyên đề. Nội dung thi đua luôn gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tình hình kinh tế - xã hội trong nước dự kiến vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính ngân sách của từng địa phương và cả nước.

Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng với hệ thống KBNN, một trong những trụ cột quan trọng của ngành Tài chính, nên cần phải thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể và tổ chức thực hiện, quyết liệt nhằm đưa hệ thống KBNN phát triển lên một tầm cao mới.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn lưa ý, hệ thống KBNN cần “nhìn xa nghĩ lớn, hành động quyết liệt và phải thực hiện từ những việc nhỏ nhất”, để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn tới. KBNN cần phát huy tinh thần thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, làm tốt công tác tổng kết, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, để công tác thi đua khen thưởng thực sự trở thành động lực của sự phát triển; tránh phô trương, hình thức, tổ chức không có hiệu quả.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn bày tỏ tin tưởng, với sự nỗ lực, đoàn kết nhất trí của toàn thể công chức, viên chức KBNN, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy một cách sáng tạo các truyền thống tốt đẹp của 30 năm xây dựng và phát triển để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước; đồng thời, phát triển hệ thống KBNN lên một tầm cao mới, sớm hình thành kho bạc số trong thời gian tới.

Với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống, từ năm 2015 đến nay, thành tích của các đơn vị và cá nhân trong hệ thống KBNN, đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, kết quả như sau:
- Huân chương Lao động hạng Nhất: 17 tập thể và 3 cá nhân.
- Huân chương Lao động hạng Nhì: 7 tập thể và 57 cá nhân.
- Huân chương Lao động hạng Ba: 26 tập thể và 170 cá nhân.
- Cờ Thi đua của Chính phủ: 23 tập thể.
- Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 01 cá nhân.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 93 tập thể và 627 cá nhân.
- Cờ thi đua của Bộ Tài chính: 179 tập thể.
- Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính: 762 cá nhân.
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính: 1401 tập thể và 5690 cá nhân.
- Ngoài ra nhiều tập thể, cá nhân cũng được các bộ, ban ngành, địa phương tặng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương các loại.

Minh Phương

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/kho-bac-nha-nuoc-giu-vung-vai-tro-tru-cot-cua-nganh-tai-chinh-562056.html