Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh liên thông dữ liệu

Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Kho bạc Nhà nước hướng đến đẩy mạnh liên kết, liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và từng bước chia sẻ dữ liệu mở…

Đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc tại KBNN được xử lý trên môi trường mạng. Nguồn: ITN

Đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc tại KBNN được xử lý trên môi trường mạng. Nguồn: ITN

Bộ Tài chính vừa phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Kho bạc Nhà nước (KBNN), phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó đề ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể cho việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các đơn vị giao dịch.

Xử lý toàn bộ công việc trên môi trường mạng

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn bộ hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN trong công tác quản lý quỹ ngân sách, quản lý ngân quỹ và tổng kế toán nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tới nghiệp vụ KBNN. Từng bước mở, chia sẻ dữ liệu nhưng vẫn bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Đồng thời, có hệ thống quản lý định danh điện tử hướng tới định danh số để hướng tới 100% giao dịch thu, chi ngân sách giữa cá nhân, đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN thực hiện qua môi trường điện tử. 100% các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ giao dịch đi qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt từ 95% trở lên.

Bên cạnh đó, KBNN sẽ thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhận dạng thông minh và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ cốt lõi. Phát triển phương thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý quỹ ngân sách, ngân quỹ, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.

Trong nội bộ, thời gian tới, 100% hồ sơ công việc tại KBNN được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 90% hồ sơ công việc giữa các cơ quan nhà nước xử lý trên môi trường mạng. Các chứng từ trong quá trình giao dịch liên quan tới các nghiệp vụ của KBNN sẽ được lưu trữ điện tử.

Hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến

Để đạt các mục tiêu trên, giai đoạn 2021 - 2025 KBNN cần phải phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; phát triển dữ liệu, phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó, Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý KBNN tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ và tiện ích cho khách hàng giao dịch qua đa kênh như web, mobile. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ công trực tuyến kho bạc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Mở rộng triển khai kết nối hệ thống Kế toán hành chính sự nghiệp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến để điện tử hóa đầy đủ và liên thông giữa đơn vị giao dịch và KBNN.

Đồng thời, phát triển các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của KBNN theo kiến trúc công nghệ thông tin của KBNN giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, hướng tới Kho bạc số có sự kết nối và chia sẻ thông tin với các hệ thống dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.

Trong bối cảnh biên chế ngày càng giảm nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng, để đáp ứng yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử; Kho bạc điện tử hướng tới Kho bạc số đòi hỏi có nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, Bộ Tài chính đặt nhiệm vụ cho KBNN trong giai đoạn phát triển mới phải đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin.

Hồng Loan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoat-dong-bo-nganh/kho-bac-nha-nuoc-day-manh-lien-thong-du-lieu-i292638/