Mười năm hai tiếng 'vì dân'

Hơn mười năm trước, dư luận chấn động trước tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: 'doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước. Điều hành giá xăng dầu phải vì hàng chục triệu người dân'. Giờ đây, khi đã là Chủ tịch Quốc hội, cũng hai tiếng 'vì dân', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ đề này.

Thế nào cũng hạ?

Nhiều đại biểu trải qua các nhiệm kỳ Quốc hội (QH) có đúc kết rằng cứ mỗi khi Nghị trường diễn ra các phiên chất vấn về xăng dầu, là thế nào giá xăng dầu cũng hạ. Dù nhận xét này mang nhiều ẩn ý khác nhau nhưng điều có thể thấy ngay: QH luôn mang đến may mắn cho người dân. Và phiên chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chắc hẳn cũng là như vậy.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 16/3/2022.

Giá dầu thế giới cho đến ngày 17/3 đã rớt khỏi mốc 100USD/thùng sau hai tuần leo thang vượt ngưỡng 139 USD/thùng, mức giảm đến nay đã lên tới khoảng 40%. Diễn biến lao dốc này mang đến khả năng cao là giá xăng dầu trong nước sẽ giảm trong kỳ điều hành ngày 21/3 tới đây khi Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Giá xăng dầu có giảm hay không là tùy thuộc vào thị trường thế giới”.

Chứng minh cho việc điều hành giá xăng dầu nhất mực đều vì dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu lên thực tế từ đầu năm đến giờ thì giá xăng dầu thế giới có biên độ dao động tăng từ 40% cho đến 60%. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng dao động tăng từ 29% cho đến 40%. Có được mức độ tăng thấp hơn vì trích Quỹ Bình ổn xăng dầu bù từ 500 đồng cho đến 1.500 đồng/lít trong mỗi kỳ điều hành. Vào lúc Quỹ Bình ổn chỉ còn có trên dưới 600 tỷ đồng, thì có những doanh nghiệp nhập khẩu lớn đã âm quỹ này là rất lớn.

Nhiều giải pháp được cân nhắc để bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng Công thương nêu rõ quan điểm: “Âm quỹ thì chấp nhận phải ghi nợ, sau này giá xăng dầu xuống thì lại tiếp tục trích lập, lúc khó khăn thì bỏ ra mà dùng, các cụ ta nói phải "tích cốc phòng cơ". Đến giờ quỹ không còn nữa, hai Bộ Công thương, Tài chính đã có đề xuất với Chính phủ và Chính phủ cũng đề nghị với UBTQVH là cho giảm thuế môi trường. Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao, tôi nghĩ rằng phải tiếp tục nghiên cứu đến các loại thuế và phí khác”.

Chưa dừng lại ở đó, ông Diên tiếp tục: “hết công cụ thuế, phí rồi mà giá vẫn cao khi thế giới tăng cao thì giá trong nước cũng không thể không cao, thì để kìm được giá, để giữ được chỉ số CPI, để giữ được ổn định cho nền kinh tế, để những đối tượng dễ bị tổn thương không khó khăn thêm, lúc bấy giờ các bộ, ngành chức năng, Chính phủ phải đề xuất với cấp có thẩm quyền dùng quỹ an sinh, quỹ bình ổn, hỗ trợ từ ngân sách đối với những đối tượng hoặc hỗ trợ từ ngân sách đối với chính sách thuế của những doanh nghiệp sử dụng rất nhiều xăng dầu. Không có cách nào khác!”.

Hé lộ mối nguy

Bộ trưởng Công thương còn đặt ra vấn đề rằng: “ta bỏ ra 350.000 tỷ đồng để phục hồi kinh tế thì tại sao không bỏ ra được một số tỷ, nếu trong tình huống đặc biệt, để cứu sinh kế hoặc hỗ trợ những đối tượng yếu thế”. Dù vậy, điều hành mặt hàng này vẫn còn các ẩn số mà tuyên bố hơn 10 năm trước của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ về “doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước”, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Phải có kịch bản chắc chắn

“Chính phủ cần xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cung cầu về giá và về xăng dầu trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào. Đấy là yêu cầu rất bức thiết đặt ra trong phiên chất vấn lần này. Phải có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn bằng kịch bản rất rõ ràng, vì cân đối năng lượng, nhất là xăng dầu là một việc hết sức hệ trọng đối với quốc kế dân sinh, đối với sản xuất kinh doanh, quốc phòng - an ninh, ổn định xã hội của chúng ta”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: “Bộ trưởng có nói rằng hiện nay nguồn cung của Việt Nam không thiếu, chúng ta sẽ tăng cường nhập khẩu. Như vậy nguồn cung này của chúng ta là dựa vào thị trường bên ngoài. Vậy vai trò của các nhà máy lọc dầu của chúng ta như thế nào”.

Bộ trưởng Công thương cho rằng câu hỏi của đại biểu đặt ra là rất đúng và nói: “đây cũng chính là ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung xăng dầu trong nước”. Là ẩn số, bởi theo Bộ trưởng Bộ Công thương, “chúng ta có lúc đã từng không có nhà máy lọc dầu nào mà đất nước cũng không thiếu xăng dầu. Các nước bên cạnh chúng ta cũng không có nhà máy lọc dầu mà vẫn không thiếu xăng dầu”.

Một ẩn số khác khiến đại biểu phải hỏi chất vấn đi chất vấn lại Bộ trưởng Công thương là về dự trữ xăng dầu. Mặc dù Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên quả quyết: “Chúng tôi dám chịu trách nhiệm trước QH về nguồn cung xăng dầu, không bao giờ thiếu, kể cả trong tình huống các nhà máy trong nước không bảo đảm được”, nhưng đại biểu vẫn đề nghị làm rõ căn cứ cho quả quyết này: đó là các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có dự trữ đúng với quy định của pháp luật không? Theo các đại biểu, phải đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh về kinh tế. Nếu để xảy ra tình trạng không có xăng mà bán, lúc đấy không chỉ giá cả leo thang mà sản xuất kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Và thực tế đáng ngại đã hé lộ trong trả lời của Bộ trưởng Công thương: “chỉ có đủ lượng dự trữ khoảng 5 đến 7 ngày vì chưa có hệ thống kho riêng nên phải giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối, trong khi các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc hay không thì thật sự đây là một ẩn số”.

Không khoan nhượng

Vào những năm 2011 - 2012, giá dầu trên thế giới cũng lên đến 120 - 130 USD/thùng. Thời kỳ bấy giờ, thị trường xăng dầu trong nước được coi là lĩnh vực cực kỳ nhậy cảm, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự tung tự tác với mỗi lần tăng giá đều rất bí hiểm và thường là “đánh úp” người dân. Khi đó, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trong một cuộc họp về điều hành giá xăng dầu với sự tham gia đông đủ các doanh nghiệp “cộm cán” mặt hàng này, đã tuyên bố: “doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước. Điều hành giá xăng dầu phải vì hàng chục triệu người dân”.

Tuyên bố này của ông Vương Đình Huệ đã như một tiếng nổ lớn khiến nhiều người lo ngại ông trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm lợi ích kinh doanh xăng dầu. Vượt qua tất cả, luôn với tinh thần không khoan nhượng, sau khi rời Bộ Tài chính vào năm 2013, trong gần 10 năm, ông lần lượt nắm các vị trí quan trọng: Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và hiện là Chủ tịch Quốc hội.

Giờ đây, khi ngồi trên ghế chủ tọa ở diễn đàn Quốc hội chất vấn về câu chuyện giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận “đanh thép”: Trong điều kiện tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là nguồn cung trong nước đang gặp những khó khăn do vướng mắc và những bất cập trong vận hành một số các dự án, các nhà máy sản xuất, chế biến xăng dầu, cần có những giải pháp tổng thể, căn cơ để kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, bảo đảm an ninh năng lượng ngay từ trong nước. Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh.

Tinh thần không khoan nhượng này cũng được nhìn thấy rất rõ ở Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ông Tô Lâm cho biết, riêng vụ việc buôn lậu xăng dầu ở Đồng Nai, chỉ mới kết thúc điều tra giai đoạn 1 mà đã bắt và xử lý 100 bị can, trong đó có cả những đối tượng liên quan đến quân đội, hải quan; đã tạm giữ 2,5 triệu lít xăng, kê biên tạm giữ 16 tàu thủy và nhiều phương tiện khác, tạm giữ tiền mặt là 212 tỷ đồng, gần 300.000 USD và phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỷ, tạm giữ 51 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều tài sản nhà có giá trị khác. Hiện vụ án này đang được tiếp tục mở rộng điều tra giai đoạn 2.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/muoi-nam-hai-tieng-vi-dan-101976.html