Khinh khí cầu Trung Quốc khiến nước Mỹ chia rẽ

Khinh khí cầu Washington cáo buộc là thiết bị do thám của Bắc Kinh không chỉ thổi bùng căng thẳng giữa hai bên mà còn khiến nội bộ Mỹ chia rẽ về cách ứng phó.

Căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc khởi đầu khi một vệt sáng xuất hiện trên bầu trời quần đảo Aleutian, thuộc tiểu bang Alaska, thứ sau đó được xác định là một khinh khí cầu.

Thiết bị của Trung Quốc di chuyển vào Canada và sau đó đi vào vùng trời các bang Idaho và Montana của Mỹ. Lúc này, sự xuất hiện của vật thể lạ gây ra những lo ngại cho giới chức Mỹ.

Đến thời điểm bị không lực Mỹ bắn hạ hôm 4/2 trên vùng trời Myrtle Beach, bang South Carolina, khí cầu đã khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc, đồng thời mở ra tranh cãi chính trị mới giữa Washington và Bắc Kinh.

Hành trình của khí cầu Trung Quốc

Hành trình trên đất Mỹ của khí cầu mà Washington cáo buộc mang theo các thiết bị do thám bắt đầu từ hôm 28/1. Nơi đầu tiên mà khí cầu này xâm nhập là quần đảo Aleutian, quần đảo có khoảng 8.000 dân sinh sống, theo New York Times.

Đến đầu tuần qua, khí cầu đi vào không phận phía Tây của Canada. Trong tuyên bố phát đi hôm 2/2, Bộ Quốc phòng Canada cho biết đang giám sát chặt chẽ đường đi của khinh khí cầu, khẳng định sẽ bảo đảm không để vụ việc tương tự xảy ra.

Sau khi rời Canada, khí cầu một lần nữa đi vào không phận Mỹ tại khu vực phía Bắc tiểu bang Idaho và Montana trong sự giám sát của quân đội Mỹ. Lần này, khí cầu có thể quan sát được bằng mắt thường, các nhân chứng cho biết.

Hôm 2/2, người dân tại Billings, Montana bắt đầu quan sát được vật thể màu trắng trên bầu trời, đây chính là khinh khí cầu của Trung Quốc. Giới chức Mỹ đóng cửa sân bay tại Billings nhưng không giải thích lý do.

 Khí cầu của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Khí cầu của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Một ngày sau, giới chức quân sự Mỹ cho biết họ đã giám sát "khí cầu do thám" của Trung Quốc trong nhiều ngày.

Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố vụ việc khí cầu do thám bay vào không phận Mỹ là hành động xâm phạm chủ quyền, vì vậy ông sẽ hoãn chuyến thăm Bắc Kinh.

Phản ứng trước cáo buộc của Washington, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định khí cầu chỉ là thiết bị dân sự "phục vụ mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học". Bắc Kinh cho biết gió lớn đã khiến khí cầu đi chệch đường di chuyển dự kiến của nó.

Tuy vậy, phát biểu trước báo chí tại Lầu Năm Góc, chuẩn tướng Không quân Mỹ Patrick Ryder cho rằng khinh khí cầu Trung Quốc có khả năng chuyển hướng bay. Ông Ryder từ chối nói thêm về dạng động cơ mà khinh khí cầu sử dụng hay phía điều khiển thiết bị này tại Trung Quốc, theo CNN.

Ngày 3/2, khí cầu bay tới khu vực Đông Bắc tiểu bang Kansas. Đến 4/2, khi cầu đi vào tiểu bang Missouri, bay qua những khu vực nông trường rộng lớn ở khu vực trung tâm nước Mỹ và trở thành đề tài bàn tán rộng rãi của người dân xứ cờ hoa.

Có phải khí cầu do thám?

Tại Mỹ, sự tức giận bắt đầu dâng lên, với hoài nghi hàng loạt địa điểm giá trị cao đang bị Trung Quốc công khai do thám như các căn cứ quân sự, khu vực nhạy cảm và đông dân cư.

Thống đốc Missouri Mike Parson chỉ trích chính phủ liên bang đã không thông tin về vật thể lạ trên bầu trời cho chính quyền tiểu bang. Thống đốc Parson yêu cầu Washington lập tức có hành động.

Ông Parson không phải người duy nhất. Các nghị sĩ bang Missouri và Montana, các nghị sĩ đảng Cộng hòa, cho rằng quân đội Mỹ đáng lẽ phải bắn hạ khí cầu ngay khi nó xâm phạm không phận Mỹ.

Tuy vậy, Nhà Trắng cho biết khí cầu có kích thước lớn bằng ba lần chiếc xe bus, vì thế nếu bắn rơi tại khu vực đông dân cư, mảnh vỡ từ khí cầu có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Quan điểm về cách xử lý khí cầu gây chia rẽ giữa hai đảng. Đảng Cộng hòa cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden thể hiện sự yếu đuối khi chậm trễ phá hủy khí cầu, trong khi phe Dân chủ bảo vệ cách làm của Nhà Trắng.

Một số ý kiến hoài nghi liệu khí cầu có thực sự là thiết bị do thám của Trung Quốc hay không, bởi thiết bị này dường như đã hết thời trong kỷ nguyên việc do thám có thể được thực hiện bằng vệ tinh.

Khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. Ảnh: BBC.

Theo Reuters, Tổng thống Biden đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu hôm 1/2. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện chiến dịch này trên mặt nước để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất từ độ cao hàng nghìn mét.

Washington cuối cùng chấp nhận để khí cầu bay gần như dọc đất nước, qua hai bang North và South Carolina. Đến 4/2, khi khí cầu bay vào Đại Tây Dương, máy bay chiến đấu của không quân Mỹ đã bắn hạ thiết bị này bằng tên lửa tại Myrtle Beach.

Vụ bắn hạ diễn ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay ở South Carolina - bao gồm Wilmington, Myrtle Beach và Charleston - do vấn đề "an ninh quốc gia".

Sau khi khí cầu bị bắn rơi, chính phủ Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Washington hành động thái quá và "vi phạm thông lệ quốc tế". Bắc Kinh tiếp tục khẳng định khí cầu là một thiết bị nghiên cứu khí tượng.

Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Trung Quốc đã sử dụng khí cầu để "do thám các địa điểm chiến lược" của Mỹ.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khinh-khi-cau-trung-quoc-khien-nuoc-my-chia-re-post1399108.html