Khinh hạm Israel có thể chặn mọi tên lửa chống hạm Syria?

Dù là dòng chiến hạm cỡ nhỏ nhưng Israel trang bị cho Sa'ar 6 hệ thống phòng thủ cực mạnh có thể chặn đứng được tên lửa chống hạm mạnh nhất Syria.

Khinh hạm lớp Sa’ar 6 được Công ty ThyssenKrupp Marine Systems đóng mới dựa trên mẫu tàu tuần tra, hộ vệ hạng nhẹ German MEKO 100 của Đức. Tàu được tăng cường khả năng tấn công so với lớp Sa’ar 5. Thân tàu được thiết kế giảm thiểu tiết diện để chống phản xạ radar cũng như giảm phát hồng ngoại.

Tàu có chiều dài có 90m, chiều rộng 13,2m, chiều cao 21,5m. Dù có kích thước khá khiêm tốn nhưng Sa’ar 6 được trang bị hệ thống vũ khí khá mạnh, trong đó có hệ thống phòng thủ Barak 8.

Theo giới thiệu của Israel, Barak 8 ra đời được xem là một trong những giải pháp của Israel nhằm đối phó với "sát thủ diệt hạm" siêu thanh P-800 Yakhont có trong biên chế của Hải quân Syria.

Nhà sản xuất IAI của Israel miêu tả Barak 8 là hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tầm xa, tiến tiến với đặc điểm chính gồm: tầm bắn xa; trang bị đầu tự dẫn radar chủ động; phóng thẳng đứng; tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc.

Barak 8 được thiết kế để đối phó với nhiều mối nguy hiểm trên không giống như: tên lửa hành trình chống tàu, máy bay có người lái và không người lái. Đạn tên lửa Barak 8 dài 4,5m, đường kính thân 0,54m và sải cánh 0,94m và trọng lượng 275kg với đầu nổ 60kg.

Đạn được trang bị 2 tầng động cơ đẩy không khói, cho phép đạt tầm bắn tối đa 70km, độ cao diệt mục tiêu 16km, tốc độ hành trình Mach 2, giúp đánh chặn mục tiêu cơ động cao. Đạn tên lửa có thể tăng tầm đánh chặn mục tiêu nếu lắp thêm động cơ đẩy tăng cường.

Về phương thức dẫn đường, sau khi phóng tên lửa liên tục cập nhật thông tin dữ liệu mục tiêu từ tàu phóng qua kênh liên kết để hiệu chỉnh đường bay, ở pha cuối tên lửa sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động để tự tìm – diệt mục tiêu mà không cần sự can thiệp từ tàu phóng.

Với khả năng của Barak 8 thì việc Israel tin rằng vũ khí có thể chặn đứng được đòn đánh của tên lửa P-800 Yakhont của Syria là hoàn toàn có lý. Nhưng đó là dựa trên lý thuyết, bởi đạn tên lửa Yakhont có tốc độ siêu thanh cộng với quỹ đạo bay không thể đoán trước.

Đặc biệt, vũ khí này có thể bay chỉ cách mặt biển trên 5m - đây là trần bay có thể thách thức bất kỳ hệ thống phòng thủ trên hạm nào dù đó là Barak 8. Và có thể đây là lý do khiến Israel buộc phải phát động cuộc tấn công vào kho chứa tên lửa Yakhont của Syria hồi đầu năm 2013. Vụ tấn công đã phá hủy khoảng 50 quả tên lửa Yakhont. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/khinh-ham-israel-co-the-chan-moi-ten-lua-chong-ham-syria-3380095/