Khiêu vũ không cần mở mắt

Không nhìn thấy ánh sáng, nhưng những học viên ở lớp khiêu vũ thể thao miễn phí dành cho người khiếm thị của thầy Tô Văn Hòa vẫn thong dong nghe tiếng đàn, tiếng nhạc, chân lướt nhịp nhàng theo từng giai điệu… Nếu chỉ nhìn thoáng qua, không ai biết đó là những người khiếm thị.

Lớp khiêu vũ thể thao miễn phí của thầy Hòa nằm trên tầng 2, nhà 49 của Hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội. Đó là một căn phòng nhỏ bé, không đáp ứng đủ điều kiện vật chất của một phòng tập dancesport. Thầy luôn đến sớm 15 phút để sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị âm thanh. “Nhà thầy Hòa ở tít trong Hà Đông, xa chỗ tập lắm. Nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, thầy không bỏ buổi nào và không bao giờ đến muộn,” chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, cũng là lớp trưởng lớp khiêu vũ, nhận xét về thầy giáo của mình.

Đúng 8h sáng, lớp học bắt đầu. Trước khi dạy, thầy Hòa luôn dành khoảng 5 phút để trao đổi trước với mọi người về bài nhảy cũ và các động tác mới. Sau khi trao đổi xong, thầy bắt đầu hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết các bước nhảy cho từng học viên một. Theo thầy, để dạy khiêu vũ cho người khiếm thị, khó nhất là phải dành thời gian nói chuyện và chia sẻ với từng người. Có khi cả một buổi học, các học viên chỉ tập đi tập lại 1 hoặc 2 động tác. “Dạy cho người bình thường đã khó rồi, thì dạy cho người khiếm thị phải nói là rất khó, khó vô vàn! Vì thế tôi và các anh chị em không thể vội vàng được,” thầy Hòa cho biết.

Học sinh lớp thầy Hòa không chỉ tập trung ở quận Đống Đa. Nhiều người ở những quận huyện xa xôi như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì vẫn kiên trì bắt xe ôm, hoặc đi xe buýt tới lớp đều đặn mỗi sáng thứ 4 và thứ 6. Qua bầu không khí gần gũi trong buổi tập, tôi cảm nhận được mối quan hệ thân thiết giữa các học viên. Người thành thạo hướng dẫn cho người mới tập, người còn một chút thị lực hướng dẫn cho người đã khiếm thị hoàn toàn… Lớp học luôn dầy ắp tiếng cười và niềm vui. Tuy không thể nhìn thấy bạn nhảy, họ cảm nhận được tâm hồn của nhau qua từng vũ điệu. Mỗi khi âm nhạc vang lên, các đôi nhảy lại “phiêu” hết mình cùng giai điệu một cách tự tin, đam mê không khác gì những vũ công bình thường.

Theo chị Hà, dancesport là môn thể thao dựa vào âm nhạc để tập luyện, làm cho mọi người hứng thú, yêu đời hơn khi tập. Không chỉ vậy, xét về mặt thể chất, dancesport rất có ích cho lưng, cổ và cột sống. Chị Hà cho biết, đa số người khiếm thị thường có thói quen cúi lưng xuống khi đứng hoặc ngồi. Nhưng sau khi tập khiêu vũ thể thao, chị và các học viên khác đều đã đứng thẳng. Khả năng đi lại, thăng bằng cũng cải thiện rất đáng kể.

“Ban đầu mọi người chỉ tập với mục đích giao lưu là chính, còn có một số bạn không nghĩ rằng mình không thể khiêu vũ được. Nhưng càng tập càng yêu thích và đam mê hơn. Đã xác định theo đuổi bộ môn này rồi nên anh sẽ cố gắng hết sức” - anh Quang, một học viên lâu năm của lớp tâm sự.

Trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện những lớp học tương tự như yoga cho người khiếm thị, nhảy zumba dành cho người khiếm thị… Nhưng đưa người khiếm thị đi biểu diễn tại một giải đấu quốc tế là một điều phi thường. Tính đến thời điểm hiện tại, thầy Hòa là người duy nhất làm được điều đó. Năm 2019, thầy đã đưa học viên tới biểu diễn tại Giải vô địch Khiêu vũ thể thao Quốc tế, được tổ chức tại Hà Nội. Giải đấu này thuộc hệ thống dancesport thế giới, và đó là lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai tổ chức.

“Để xin một hạng mục biểu diễn cho người khiếm thị tại một giải đấu quốc tế là rất khó. Nhưng rất may mắn là lần này Việt Nam đăng cai, Trưởng ban Tổ chức lại là thầy. Khi anh xin 1 hạng mục cho học sinh của mình, thầy vui vẻ đáp lại: “Hòa làm được chẳng nhẽ thầy không làm được!”. Và đó là lần đầu tiên hình ảnh “người khiếm thị Việt Nam được đưa ra thế giới qua bộ môn dancesport,” thầy Hòa tự hào kể lại.

Bước từ phòng tập nhỏ bé, thiếu thốn ra sân chơi quốc tế là một thay đổi quá lớn với các “vũ công” lớp thầy Hòa. Lo lắng, áp lực là điều không thể tránh khỏi. Chị Hà tâm sự: “Sợ, run và áp lực lắm em ạ! Đây là lần đầu người khiếm thị được khiêu vũ tại một giải đấu quốc tế, nên mọi người quan sát mình kỹ hơn người bình thường nhiều! Mình lại còn không biết người ta đang nhìn mình thế nào nữa chứ!”

Nhưng khi âm nhạc nổi lên, các học viên thăng hoa hết mình vì màu cờ sắc áo dân tộc. Thậm chí, vũ điệu của họ còn có phần nhẹ nhàng, thanh thoát hơn thường ngày, bởi được cả khán giả lẫn các thí sinh khác cổ vũ nồng nhiệt. Anh Quang bồi hồi nhớ lại: “Với người bình thường, khán giả cổ vũ 1 thì với mình, khán giả cổ vũ 10. Cảm giác lúc nghe những tiếng hò reo, vỗ tay tán thưởng nó tuyệt vời lắm em ạ!”.

Tất cả đã cùng nhau tạo nên những khoảnh khắc phi thường trước sự chứng kiến của gần 700 vận động viên trong và ngoài nước. Thầy Hòa xúc động: “Nhìn các vũ công của mình đưa hình ảnh người khuyết tật Việt Nam ra thế giới, chứng minh rằng họ không hề thua kém gì người bình thường, tôi hạnh phúc vô cùng!”.

Lớp dancesport miễn phí của thầy Hòa đã sắp tròn 2 năm tuổi. Từ lúc bắt đầu cho đến nay, thầy luôn giữ vững quan điểm không nhận tiền hỗ trợ của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Thầy cho rằng học viên mới là người cần được hỗ trợ chi phí, bởi hầu hết người khiếm thị đều có hoàn cảnh rất khó khăn do thu nhập ít ỏi. Đối với họ, chi phí đi lại đã là cả một vấn đề.

“Có đúng một lần tôi phải nhận tiền hỗ trợ từ một tổ chức bên Nhật. Họ muốn hỗ trợ tôi tiền phí đi lại trong 10 buổi, nhưng lại liên hệ qua chị Hà lớp trưởng chứ không nói gì với tôi. Khi mình biết thì tiền đã chuyển về rồi. Sau lần đó, tôi đã làm rõ quan điểm rằng, lớp sẽ chỉ nhận tiền hỗ trợ nếu số tiền đó dành cho các học viên,” thầy Hòa trầm ngâm.

Anh Quang chia sẻ, các thành viên rất mong muốn được tập luyện trên sàn gỗ, dù chỉ 1 tháng 1 lần cũng được. Bởi phòng tập hiện tại của họ là sàn gạch, còn có một số viên gạch đã bị bong, rất dễ bị vấp ngã. Diện tích phòng tập khá nhỏ, các học viên lại không thể nhìn được nên thường xuyên va vào nhau. Hơn nữa, tập ở sàn gỗ cũng là cách để học viên làm quen với điều kiện thi đấu. Đi tập 2 buổi 1 tuần đã rất khó khăn, bỏ tiền ra thuê sàn gỗ là điều quá sức với họ.

Bên cạnh đó, thầy Hòa đã mời một số giáo viên cùng mình tham gia, nhưng họ có vẻ chưa nhiệt tình lắm. Thầy quan niệm, để làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng cần sự tự giác, chứ không thể thúc ép người khác phải làm. Vì vậy, suốt 2 năm qua, mỗi sáng thứ 4 và thứ 6, vẫn chỉ có một mình thầy Hòa đến lớp bằng tất cả sự tận tụy, cần mẫn của một người thầy có cái tâm sáng.

Hỗ trợ về vật chất sẽ khiến cuộc sống của người khiếm thị bớt khó khăn đi rất nhiều. Nhưng đó mới chỉ là một chiến lược ngắn hạn. Để thực sự phát triển được cộng đồng người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung, họ cần phải tự đứng trên đôi chân của mình. Cần phải có nhiều lớp học tương tự xuất hiện, và học viên giữa các lớp được kết nối với nhau để cộng đồng người khuyết tật trở nên lớn mạnh hơn.

Thầy Hòa khẳng định: “Sự ủng hộ của xã hội là một điều rất đáng trân trọng. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải giúp đỡ người khuyết tật mở rộng, phát triển cộng đồng của mình vững mạnh hơn để một ngày họ có thể tự lo được cho cuộc sống của mình. Đó mới là điều mà tôi muốn làm cho họ”.

Trên cương vị Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, chị Hà cũng có chung quan điểm với người thầy của mình. Theo chị, chính quyền nên tạo điều kiện cho những lớp học nâng cao thể chất và tinh thần cho người khuyết tật được phát triển. Khỏe mạnh và tự tin hơn, họ có thể tự hỗ trợ cho chính cộng đồng của mình mà không phụ thuộc vào người khác. Khi đó, người khuyết tật sẽ đóng góp được cho xã hội như một người bình thường.

Để hiện thực hóa mong muốn của mình, thầy Hòa đang ấp ủ một dự định lớn lao: tổ chức giải dancesport dành riêng cho người khiếm thị vào năm sau. Dự định của thầy được gia đình, đồng nghiệp và bạn bè hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, thầy tâm sự, hiện tại mới chỉ có 1, 2 nhà tài trợ nhỏ nên mọi thứ vẫn đang dừng ở kế hoạch.

“Tôi rất muốn chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng, người khiếm thị có ích cho xã hội như thế nào. Họ không phải là gánh nặng của xã hội, mà còn có khả năng đóng góp cho xã hội không thua kém những người khỏe mạnh,” thầy Hòa lạc quan.

Bài: Việt Khôi

Thiết kế: Mẫn San

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/khieu-vu-khong-can-mo-mat-post100641.html