Khiếu nại, tố cáo về đất đai 'vẫn cao' do lợi dụng chính sách Nhà nước trong thu hồi đất

Ngày 14.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Các báo cáo cũng như các phát biểu tại hội trường đều cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn phức tạp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (Ảnh: QH)

Khiếu nại đất đai "vẫn cao như các năm trước"

Theo báo cáo giải quyết khiếu nại tố cáo của Chính phủ, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư cũng như số vụ việc. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên trung ương khiếu kiện gia tăng. Theo đó, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%, số vụ tăng 4,7%.

Cũng theo báo cáo này, các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm 61,8% tổng số đơn; trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.

Tương tự, trong số 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi tới các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH thì khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai “vẫn cao như các năm trước”, chiếm 70%.

Vạch ra rồi... để đó?

Vì đâu mà năm nào số lượng đơn thư, số vụ khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai cũng nhiều, ngày càng nhiều vụ khiếu kiện đông người, bức xúc gia tăng?

Trả lời câu hỏi này, nhiều đại biểu cũng thống nhất với nhận định của Chính phủ là “Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém; Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất ở một số nơi không phù hợp với quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện; còn có tình trạng lạm dụng quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng; phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, thiếu công khai, minh bạch”…

Nhiều ĐB cho rằng, Chính phủ nhận định như vậy là rất đúng bản chất, đặc biệt trong thời gian gần đây, khi Luật Đất đai 2013 đã quy định nếu thu hồi đất vì mục đích kinh doanh bất động sản thì phải thực hiện quy trình thỏa thuận với người dân theo hướng tiệm cận giá trị thị trường.

Vậy nhưng thực tế nhiều nơi, dựa vào cơ chế Nhà nước thu hồi đất, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho DN thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt, DN phân lô bán nền với giá cao gây nhiều bức xúc, khiếu kiện.

Từ thực tế này, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, đất của người dân Nhà nước thu hồi để làm hạ tầng đô thị, khu dân cư, cần có cơ chế giá hợp lý, có sự thỏa thuận về giá với dân.

Góp ý để giải quyết tình trạng này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) và nhiều ĐB khác yêu cầu cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai.

Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, đúng pháp luật và bảo đảm người bị thu hồi đất có đời sống ổn định bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là “chưa bảm đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp”.

Xuân Hùng - Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/khieu-nai-to-cao-ve-dat-dai-van-cao-do-loi-dung-chinh-sach-nha-nuoc-trong-thu-hoi-dat-641398.ldo