Khiêu dâm trong thể thao, hiểu sao cho đúng?

Chuyên gia pháp lý, tâm lý... đòi hỏi cần phải làm rõ thế nào là khiêu dâm trong hoạt động tập luyện, thi đấu thể thao.

Ngày 1-8 Nghị định 46/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao chính thức có hiệu lực. Song ngay từ những ngày đầu được áp dụng, nghị định trên đã gây nên làn sóng tranh luận khi đưa ra quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng bài tập, môn tập thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy.

PLO xin được giới thiệu một số ý kiến của chuyên gia pháp lý, chuyên gia tâm lý về vấn đề này.

Khiêu dâm trong thể thao còn mơ hồ

Điều 7 của Nghị định 46/2019 quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng bài tập, môn tập thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nhưng thế nào là bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện, thi đấu được gọi là khiêu dâm thì không ai được biết. Thậm chí Bộ VH-TT&DL, đơn vị trực tiếp xây dựng Nghị định 46, cũng chưa đưa ra định nghĩa pháp lý cho từ khiêu dâm trong thể thao.

Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có định nghĩa khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.

Còn theo Điều 3 Thông tư 09/2010 (đã hết hiệu lực) của Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết thi hành một số quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa thì khiêu dâm được định nghĩa là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khiêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam.

Nhiều chuyên gia lo lắng những động tác khiêu vũ gắn kết thân thể của vận động viên nam, nữ có thể bị xem là khiêu dâm.

Nhiều chuyên gia lo lắng những động tác khiêu vũ gắn kết thân thể của vận động viên nam, nữ có thể bị xem là khiêu dâm.

Từ các quy định trên cho thấy thuật ngữ khiêu dâm được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau trong nội hàm pháp lý của từng lĩnh vực khác nhau. Như dẫn chứng nêu ra ở trên cho thấy hành vi khiêu dâm trong lĩnh vực văn hóa đã từng được hiểu khác với hành vi khiêu dâm trong hoạt động mại dâm.

Vì vậy, chúng ta không thể đồng nhất khái niệm khiêu dâm trong hoạt động mại dâm với khiêu dâm trong luyện tập, thi đấu thể thao. Vì thế không thể lấy khái niệm khiêu dâm trong hoạt động mại dâm hiện nay ở Nghị định 178/2004 để xử phạt cho hành vi khiêu dâm trong lĩnh vực thể thao được.

Thiết nghĩ khi Bộ VH-TT&DL một khi đã đưa ra chế tài xử phạt với các hành vi tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy thì cần phải giải thích rõ thế nào là hành vi khiêu dâm, đồi trụy. Sự mơ hồ về khái niệm khiêu dâm trong Nghị định 46/2019 có thể dẫn đến nhiều tranh cãi về sau, khó cho cơ quan xử lý và cho cả người bị xử lý.

Bởi sự mơ hồ nêu trên rất dễ dẫn đến việc có thể một bài tập, một động tác thể thao sẽ bị xử phạt dưới con mắt cảm tính của cơ quan chức năng, mặc dù trong mắt người làm nghệ thuật hành động đó không phải là khiêu dâm. Bên cạnh đó, mỗi bộ môn thể thao đều có những động tác, tư thế, cách trình diễn đặc thù. Vì vậy, nếu muốn nói đó là khiêu dâm thì cần phải có một hội đồng chuyên trách, am hiểu thẩm định.

Mặt khác, nếu xử phạt một vận động viên có hành vi khiêu dâm, đồi trụy thì cần xem xét đến ý chí, mục đích, động cơ của cá nhân đó, có cố ý thực hiện động tác với mục đích khiêu dâm hay không? Đối với những vận động viên chân chính, họ phải tập trung tất cả trí lực khi thi đấu thì lấy đâu ra ý nghĩ khiêu dâm.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cần bổ sung sớm khái niệm khiêu dâm trong thể thao

Khiêu dâm có thể thực hiện thông qua động tác, cử chỉ, cũng có thể thực hiện thông qua âm thanh, trang phục. Nếu như vậy thì rất nhiều môn thể thao với trang phục gợi cảm (bơi lội, sport aerobic, trượt băng nghệ thuật) sẽ có nguy cơ bị xử phạt rất cao.

Bên cạnh đó, những môn thể thao có vũ đạo gợi cảm, đôi bạn diễn phải thể hiện sự gắn kết cao về hình thể (như dance sport, khiêu vũ nghệ thuật, belly dance, body building) sẽ có thể cùng chung số phận trên.

Rất nhiều môn thể thao với trang phục gợi cảm có nguy cơ bị xử phạt.

Do đó, sự cần thiết bây giờ là phải tạo ra cách hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất xoay quanh vấn đề luyện tập, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm.

Công việc này thiết nghĩ không đơn giản nhưng cần phải làm ngay, phải có hướng dẫn cụ thể thế nào là luyện tập, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm.

TS Cao Vũ Minh,Trường ĐH Luật TP.HCM

TRÚC PHƯƠNG-MINH CHUNG ghi

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/khieu-dam-trong-the-thao-hieu-the-nao-cho-dung-849674.html