Khiếp đảm với loạt 'quy tắc làm dâu', cô vợ tuyên bố ly hôn sau vài câu nói của chồng

Trong nhà chồng Thương, con dâu phải làm hết tất cả mọi việc, dù cho chồng hay em chồng có rảnh rỗi cũng chẳng được mó tay vào giúp đỡ bất cứ chuyện gì.

Gia đình nào cũng có nề nếp, gia phong và cách sống riêng, không chỉ con cái trong nhà mà sau này khi có con dâu vào cửa, họ cũng phải tuân theo. Tuy nhiên, gia phong nề nếp cũng phải tùy thời, tùy hoàn cảnh. Nếu như chính những cái đó là sự đè nén, ép buộc thì chẳng mấy nàng dâu chịu đựng được.

Đôi lúc, chính những quy tắc gia đình khó khăn từ mẹ chồng khiến cho mâu thuẫn trong nhà tăng cao, đẩy hôn nhân của đôi trẻ đến hồi kết.

01

Sau 4 năm yêu nhau, Thương cũng kết hôn với Hoàng. Hai người yêu từ hồi còn là sinh viên, cùng nhau lập nghiệp và cuối cùng có thành quả, họ tính đến chuyện kết hôn.

Thương nghĩ rằng từ bây giờ cuộc đời của mình sẽ thảnh thơi, bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc. Thương xuất thân từ nông thôn lên phố. Hoàng lại là trai thành phố và đang sống với bố mẹ. Bởi vậy, sau khi cưới nhau, hai người đều biết rõ rằng họ sẽ sống cùng bố mẹ đẻ của Hoàng.

Khi còn yêu, bố mẹ Hoàng rất quý Thương. Hai bên đi lại thân thiết nhiều năm nên Thương cho rằng sẽ chẳng mâu thuẫn nào nảy sinh được nữa. Ai dè, hôm bước chân về nhà chồng, mẹ chồng đã xuất hiện và cho Thương biết rằng con dâu nhà này đều có những quy tắc riêng cần phải tuân theo. Đương nhiên, Thương cũng phải tiếp quản công việc nhà từ tay mẹ chồng.

Thương biết rằng con dâu làm việc nhà là điều quá bình thường. Thế nhưng những gì xảy ra sau đó khiến Thương choáng váng.

Việc giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa đều do một tay Thương phải làm. Chồng và em chồng - con trai dù có nhàn rỗi cũng không được giúp gì. Đặc biệt, quần áo trong nhà Thương cũng phải giặt, đồ của mẹ chồng thì phải giặt tay.

Đưa ra quy định trong nhà là điều chẳng ai phản đối nhưng nếu những điều đó "nhắm thẳng" đến con dâu thì rõ ràng gia đình này đang góp một tay phá hỏng hạnh phúc đôi trẻ.

02

Mẹ chồng là người làm tất cả công việc nhà trước đó, bà không đi làm, hơn 30 năm làm nội trợ. Thương thì khác, công việc kinh doanh của chồng, từ nguồn hàng đến sổ sách một tay cô lo. Nếu mà nói ai vất vả hơn trong công việc thì đương nhiên là Thương rồi.

Mẹ chồng không quan tâm đến điều đó. Bà cho rằng phụ nữ nên làm tốt công việc nhà hơn cái gọi là sự nghiệp bên ngoài. Đã vậy, khi Thương làm việc nhà bà đều xét nét và kiểm tra kĩ càng.

Quần áo của bà phải giặt tay, một vài món đồ của em chồng phải giặt riêng, đồ của chồng cũng phải phân loại.

Một lần, Thương quá mệt mỏi nên cho đồ cùng màu vào máy giặt vì kiểm tra qua tất cả đều không vấn đề gì khi giặt mấy. Mẹ chồng bất thình lình xuất hiện nói thẳng: "Có mấy bộ đồ mà cũng cho vào máy giặt, con không thấy tốn nước à?".

Dù rất bực bội nhưng Thương không muốn đối đầu với mẹ chồng. Dù bận rộn đến đâu, công việc kinh doanh vào ngày cao điểm hay như thế nào thì chuyện nấu nướng, giặt giũ và công việc nhà vẫn đến tay Thương. Thậm chí những người trong nhà này vô trách nhiệm và ỷ lại đến mức bát đũa ăn buổi trưa vẫn để nguyên cho tối con dâu rửa.

Theo quan niệm của mẹ chồng bây giờ bà đã có con dâu, cần đến tuổi nghỉ ngơi, nếu không thì tốn tiền cưới dâu vào cửa làm gì.

Khi Thương nói đến chuyện thuê người giúp việc, bà đứng lên mắng mỏ và cho rằng Thương thừa tiền thì đưa bà giữ hộ, đừng thấy làm ăn được mà bắt đầu tiêu hoang. Công việc kinh doanh bận rộn, việc nhà cái gì cũng đến tay khiến Thương mệt mỏi, stress vô cùng.

Đôi lúc, điều khiến cho mối quan hệ hôn nhân xuất hiện vết rạn lại xuất phát từ những điều nhỏ bé, không ai nghĩ tới.

03

Chán nản với việc vừa đảm đương chuyện bên ngoài vừa làm hết việc nhà, Thương nhờ chồng giúp đỡ. Tuy nhiên, chồng Thương vốn vô cùng gia trưởng lại được nuôi dạy trong môi trường đó từ nhỏ đến lớn nên đương nhiên không đồng ý.

Hai vợ chồng có hàng loạt màn cãi vã từ chuyện Hoàng chẳng nhúng tay vào giúp vợ bất cứ chuyện gì. Cho dù Thương đầu tắt mặt tối vội vàng nấu cơm thì Hoàng vẫn thoải mái nằm chơi game, mặc kệ nhà cửa bừa bộn.

Đến lúc Thương quá chán nản và đề nghị chồng ra ở riêng: "Hai vợ chồng mình dọn ra ngoài được không, nếu tiếp tục như thế này em phát điên mất".

Hoàng tỏ ra rất sửng sốt trước đề nghị của vợ. Anh nói thẳng: "Có vợ nào như em không? Làm bao nhiêu việc nhà mà em than vãn từ hôm cưới đến bây giờ? Vợ là phải chu toàn hết công việc gia đình, phụng dưỡng bố mẹ chồng.

Em nghĩ gì mà đòi ra thuê nhà, em giàu đến thế à? Phụ nữ mà không biết tiết kiệm. Mẹ anh làm 30 năm không kêu than, em được mấy tháng mà đã như thế hay lười biếng như thế này mới là mặt thật của em".

Những lời chồng nói khiến Thương chán nản đến cùng cực, người đàn ông không yêu thương, thấu hiểu, giúp đỡ vợ thì thôi lại còn quay lại cho là cô biếng nhác. Thương tức tối nói lại: "Anh xem có ai chu toàn như em, thức khuya dậy sớm cơm nước ngày 3 bữa cho cả nhà.

Quần áo cũng em giặt, nhà em dọn. Ra ngoài em còn công việc, kinh doanh. Anh nên tự nhìn nhận lại mình đi, anh đã bao giờ giúp đỡ gì cho vợ chưa hay áp đặt hoàn toàn suy nghĩ rằng là phụ nữ phải làm hết tất cả việc nhà".

Chồng Thương không có ý thay đổi, lại càng mắng mỏ cho là cô hư hỏng, biếng nhác, làm ít kể công thì nhiều. Cuối cùng, Thương đã quyết định ly hôn.

Vậy mới nói, trong mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, người chồng góp vai trò rất quan trọng. Họ phải là cầu nối để giúp cả hai bên thấu hiểu nhau hơn, hòa hoãn quan hệ trong nhà. Nếu người đàn ông mù quáng bênh vực mẹ, cho rằng vợ luôn sai lầm thì chắc chắn mối quan hệ đó chẳng thể nào êm ấm.

An Thanh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/khiep-dam-voi-loat-quy-tac-lam-dau-co-vo-tuyen-bo-ly-hon-sau-vai-cau-noi-cua-chong-20201122154252233.htm