Khích lệ sáng tạo nghệ thuật

Đa dạng nội dung và loại hình truyền tải, hàng trăm tác phẩm dự thi 'Cuộc vận động sáng tạo văn học, nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội' đã thực sự tạo nên phong trào sáng tạo nghệ thuật đầy sôi nổi, hấp dẫn.

Cuộc thi này cũng khích lệ nhiệt huyết của các thế hệ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, để cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, góp phần củng cố, phát triển nền văn học, nghệ thuật Thủ đô lên tầm cao mới.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống có nhiều tác phẩm dự thi “Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Nội dung phong phú, thể hiện đa dạng

Được phát động từ tháng 12-2019, “Cuộc vận động sáng tạo văn học, nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội” là một trong những hoạt động điểm nhấn, được tổ chức “dài hơi” dành cho các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, những người yêu thích văn học, nghệ thuật và mọi công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Với chủ đề mở, gợi nhiều đề tài hấp dẫn, kích thích tư duy sáng tạo, kể từ khi phát động, cuộc vận động đã thực sự tạo nên một “làn sóng” hưởng ứng sôi nổi trong các thế hệ văn nghệ sĩ và nhân dân, với đa dạng nội dung và “ngôn ngữ” thể hiện.

Theo Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - đơn vị thường trực cuộc vận động) Nguyễn Văn Trực, tại vòng sơ khảo, cuộc vận động nhận được 317 tác phẩm dự thi, thể hiện ở nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, như: Âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian... Bên cạnh mảng tác phẩm phản ánh các nội dung về lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi mang tầm khái quát mới, như: Hoa lửa (âm nhạc), Sự tích các thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội (văn nghệ dân gian), Đài nghiên Tháp Bút chưa sờn (điện ảnh)..., cuộc vận động còn thu hút nhiều bài dự thi lấy cảm hứng từ chính cuộc sống đời thường.

Có thể kể đến tác phẩm kịch “Lâu đài của em” của tác giả Trần Trí Trắc phản ánh cuộc sống mưu sinh chật vật của một gia đình, với nhiều thế hệ làm nghệ thuật truyền thống. Ở đó, người nghệ sĩ sau những giờ phút thăng hoa với nghệ thuật, phải đối diện với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. “Có một thực tế là gu thưởng thức nghệ thuật của công chúng đã ít nhiều thay đổi, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống mất dần khán giả. Những người làm nghệ thuật phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách để giữ được sự đam mê và di sản văn hóa của cha ông để lại”, tác giả Trần Trí Trắc bày tỏ.

Ở lĩnh vực âm nhạc, một trong những tác phẩm dự thi được đánh giá cao là ca khúc “Hà Nội có cầu Long Biên” có giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc của tác giả Nguyễn Bá Môn dành cho một biểu tượng văn hóa, “chứng nhân” lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Theo tác giả Nguyễn Bá Môn, có rất nhiều đề tài sáng tác từ lịch sử đến đương đại để người nghệ sĩ sáng tạo, song cốt yếu vẫn là những rung động, cảm xúc thực sự đọng lại trong tác phẩm, lan tỏa tới người nghe.

Khích lệ, khơi nguồn sáng tạo

Từ 317 tác phẩm, Ban tổ chức đã chọn được 68 tác phẩm vào vòng chung khảo, đồng thời thành lập 7 hội đồng xét chọn, thuộc 7 lĩnh vực sáng tác nghệ thuật để tổ chức chấm và xét giải. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, các tác phẩm được lựa chọn đều bảo đảm các tiêu chí sáng tác trên tinh thần đổi mới, sáng tạo từ phương thức tiếp cận tới cách thể hiện; phản ánh chân thật, sâu sắc, toàn diện hiện thực Thủ đô và đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Đặc biệt, các tác phẩm đã nêu bật được giá trị truyền thống lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình; vị thế, vai trò của Thủ đô đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Từ các tác phẩm nêu trên, Ban tổ chức đã chọn được 55 tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật để trao 5 giải A, 14 giải B, 21 giải C, 15 giải Khuyến khích tại lễ tổng kết, dự kiến diễn ra vào ngày 28-12-2020”, ông Tô Văn Động thông tin thêm.

Tham gia Ban tổ chức cuộc vận động từ những ngày đầu, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội cho rằng, cuộc vận động đã thật sự khơi nguồn sáng tạo cho giới văn nghệ sĩ cũng như quần chúng nhân dân, với nhiều góc nhìn và cách thể hiện khác nhau, phản ánh sinh động nét đẹp của thành phố thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Sự tham gia nhiệt tình của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên, không chỉ khích lệ nhiệt huyết, góp phần tạo nên đợt sinh hoạt sáng tạo nghệ thuật sôi nổi, mà còn mang đến nhiều khởi sắc cho đời sống văn hóa của người dân Thủ đô.

“Các cơ quan liên quan cần phổ biến những tác phẩm được đánh giá cao từ cuộc vận động tại những sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sân khấu của Thủ đô trong thời gian tới, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm một cách hiệu quả nhất”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm kiến nghị.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/987071/khich-le-sang-tao-nghe-thuat