Khi vốn hóa Apple vượt 1.000 tỉ đô, liệu bong bóng công nghệ có tái diễn?

Sự kiện giá trị vốn hóa của Apple chính thức vượt mốc 1.000 tỉ đô la Mỹ là cho một dấu hiệu cho thấy sự thống trị ngày càng lớn của gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon trên thị trường tài chính Phố Wall nhưng đồng thời đặt ra một câu hỏi: liệu điều này sẽ dẫn đến cơn bong bóng công nghệ mới?

Sự thống trị của ngành công nghệ có đáng lo?

Từ một công ty được thành lập tại ga-ra của bố mẹ người đồng sáng lập Apple Steve Jobs (phải), Apple đã tiến một bước dài khi vốn hóa vượt 1.000 tỉ đô dưới sự chèo lái của giám đốc điều hành Tim Cook. Ảnh: Business Today

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 30-7 đến 3-8, giá trị vốn hóa của hãng Apple, chủ thương hiệu iPhone, tăng vượt mốc 1.000 tỉ đô la Mỹ nhờ các kết quả kinh doanh tích cực của quí 2, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong chặng đường phát triển nhiều thăng trầm của “hãng quả táo cắn dở” này bao gồm lần suýt phá sản vào năm 1997 vì các khó khăn tài chính.

Trong khi đó, các công ty công nghệ khổng lồ khác của Mỹ cũng lần lượt chiếm các vị trị dẫn đầu còn lại trong danh sách những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới bao gồm Amazon (889 tỉ đô), Alphabet (856 tỉ đô), Microsoft (828 tỉ đô) và Facebook (513 tỉ đô).

Nếu kết hợp lại, giá trị của các công ty này chiếm khoảng 20% GDP của Mỹ và cao hơn hơn GDP của Đức.
Các cổ phiếu ngành công nghệ cũng đang chiếm 25% tổng giá trị của chỉ số S&P 500, nơi tập hợp cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ.

Vào cuối năm 1990, chỉ vài tháng trước khi bong bóng dot.com (cổ phiếu ngành công nghệ và Internet) phát nổ, giá trị vốn hóa của 5 công ty công nghệ có vốn hóa lớn nhất trên thị trường gồm Microsoft, General Electric, Cisco, Walmart và Intel chiếm 15,5% GDP của Mỹ, Russ Mould, giám đốc đầu tư của công ty AJ Bell, cho biết.

“Bất cứ ai sở hữu danh mục đầu tư có các cổ phiếu của nhóm công ty dẫn đầu thị trường này đều chịu tổn thương lớn khi bong bóng dot.com phát nổ. Họ tiếp tục mất tiền khi nắm giữ cổ phiếu của các công ty này trong một thập kỷ sau đó”, Mould nói.

Ông cho rằng nhóm công ty FAANG (viết tắt ký tự đầu của các công ty công nghệ Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google) sẽ không đối mặt với nguy cơ bong bóng tương tự.

Song ông cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu giả định một cách mù quáng rằng các công ty công nghệ khổng lồ sẽ tiếp tục kinh doanh có hiệu quả và sẵn sàng bỏ tiền ra để mua cổ phiếu của các công ty này với bất cứ giá nào.

Nate Thooft, một giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở công ty quản lý tài sản Manulife Asset Management cho biết không thiếu những phân tích dự báo tại sao cổ phiếu của nhóm FAANG sẽ tiếp tục tăng nhưng theo ông, nhà đầu tư khôn ngoan cần phải cắt giảm tỷ lệ sở hữu các cổ phiếu này để tránh rủi ro.

Khác gì với bong bóng dot.com 20 năm trước

Nguy cơ bong bóng giá cổ phiếu ngành công nghệ hiện nay là rất thấp vì chỉ số P/E chỉ là 18. Ảnh: Beta News

Các nhà đầu tư vào thời điểm trước khi bong bóng dot.com xảy ra đã ném tiền vào bất kỳ công ty khởi nghiệp nào có mở website dù không nắm rõ công ty đó kiếm lợi nhuận bằng cách nào.

“Hầu hết các công ty này không có lợi nhuận và cũng rất nhiều trong số này thậm chí còn chưa có có doanh thu, thế nhưng, họ vẫn bán cổ phần dựa vào các mức định giá rất cao”, Maris Ogg, giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở công ty Tower Bridge Advisors, nói.

Kể từ khi bong bóng dot.com phát nổ, các nhà đầu tư vốn mạo hiểm “cạch” luôn các công ty các khởi nghiệp công nghệ không thuyết phục họ được bằng các kế hoạch kinh doanh bảo đảm có lợi nhuận.

Theo Ogg, cú sụp đổ của thị trường dot.com cũng tạo ra “sự nghi ngờ lành mạnh” về các công ty công nghệ lớn.
Các nhà đầu tư bắt đầu tập trung trở lại vào các khía cạnh cơ bản của giá cổ phiếu, chẳng hạn như chỉ số P/E (giá cổ phiếu/lợi nhuận của một công ty), một thước đo đầu tư thường bị phớt lờ vào những năm đầu của thập niên 2000.

Chỉ số P/E hiện nay của Apple chỉ là 18 và các nhà phân tích dự báo, chỉ số này sẽ còn 15,7 trong 12 tháng tới, so với mức trung bình 16,5 của S&P 500. Trong khi đó, chỉ số P/E của Microsoft và Facebook lần lượt ở mức 27,7 và 24,6, cũng không phải là mức quá cao.

Vào năm 2000, chỉ số P/E của các công ty công nghệ đều cao ngất ngưỡng: 59, 179 và 126 lần lượt cho Microsoft, Cisco và Intel.

Hiện nay, cổ phiếu Amazon dường như là một ngoại lệ khi có chỉ số P/E lên đến 165, cao gấp nhiêu lần so với chỉ số P/E 18 của Apple, song người khổng lồ thương mại điện tử này đang thắng lợi khi tấn công vào các lĩnh vực kinh doanh mới và đang đầu tư mạnh mẽ để tạo ra những cuộc thay đổi lớn trong dài hạn ở những mảng kinh doanh mà tập đoàn này nhảy vào.

Một điểm khác biệt nữa là các gã khổng lồ công nghệ ngày nay không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ mà còn lấn sân sang các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, Amazon đã mở rộng kinh doanh sang mảng thực phẩm, dược phẩm, thậm chí cả truyền thông, giải trí.

Cổ phiếu Amazon chỉ cần tăng giá thêm 12% để giá trị vốn hóa của Amazon cán mốc 1.000 tỉ đô. Các nhà phân tích cho rằng giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ như Apple hay Amazon có thể trồi trụt nhưng quy mô vốn hóa của họ sẽ tiếp tục giữ ở các mức cao trong một thời gian dài nữa.

Rủi ro nào chờ các công ty công nghệ

Các công ty công nghệ khổng lồ như Google và Facebook đang trở thành những thế lực chi phối trên nhiều thị trường, khiến họ trở thành mục tiêu chính cho các quy định quản lý hoặc các khoản tiền phạt lớn thường là liên quan đến các hành vi vi phạm luật chống độc quyền. Các nguy cơ này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng hoặc gây tổn thương cho lợi nhuận của họ.

Chẳng hạn, hồi tháng 7, cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định xử phạt Google đến 5 tỉ đô la vì cho rằng Google đã lợi dụng hệ điều hành di động Android, đang chiếm 80% smartphone trên toàn cầu để buộc người tiêu dùng sử dụng công cụ tìm kiếm của họ, gây bất lợi cho các nhà cung cấp công cụ tìm kiếm và các nhà sản xuất ứng dụng khác. Các hãng sản xuất smartphone trang bị hệ điều hành Android cho sản phẩm của họ bị Google buộc phải cài đặt sẵn Chrome và Google Search để có thể được cấp quyền vào kho ứng dụng Google Play.

Maris Ogg, giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở công ty Tower Bridge Advisors, cho rằng các nhà đầu tư nên lưu ý cân bằng danh mục thường xuyên để tránh phụ thuộc quá lớn vào những cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh. Rốt cục, bất kỳ công ty công nghệ lớn cũng có thể bị một công ty khởi nghiệp non trẻ tiếm ngôi.

Russ Koesterich, giám đốc danh mục đầu tư ở công ty quản lý đầu tư BlackRock Global, nhận định các công ty công nghệ vẫn đều có thể tổn thương trước nguy cơ bị lật đổ bởi một công ty có tính sáng tạo hơn.

Ông dẫn ra một ví dụ nhãn tiền, đó là vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu năm 2009-2009, hãng điện thoại Nokia chiếm 45% thị trường diện thoại và dòng điện thoại iPhone chỉ mới ra đời một năm và Facebook cũng chỉ mới là doanh nghiệp non trẻ nhưng giờ đây Apple và Facebook là những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, còn cái tên Nokia đã lùi vào dĩ vãng.

(Theo AFP, WSJ)

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276612/khi-von-hoa-apple-vuot-1000-ti-do-lieu-bong-bong-cong-nghe-co-tai-dien.html