Khi U.23 Việt Nam được trả lại đúng giá trị

ĐT U.23 Việt Nam tại Giải Bóng đá quốc tế U.23 2018 đã không còn sức hút mạnh như hồi đầu năm sau khi thầy trò HLV Park Hang-seo giành được ngôi Á quân U.23 Châu Á. Mọi trật tự đang dần được lặp lại.

U.23 Việt Nam tại Giải Giao hữu quốc tế U.23. Ảnh: H.A

U.23 chỉ được quan tâm

ĐT U.23 Việt Nam đang có sự góp mặt của 30 cầu thủ. Trong số này, có 18 cầu thủ từng giành ngôi Á quân Giải U.23 Châu Á, 8 cầu thủ mới và 4 cầu thủ ngoài độ tuổi U.23. Vì lực lượng U.23 làm nòng cốt nên đây vẫn là đội hình “dream team” từng tạo ra cơn sốt với bóng đá Việt Nam với sự hiện diện của đủ mặt anh tài. Đây là lực lượng tham dự Giải Bóng đá quốc tế U.23 nhằm chọn ra 20 cái tên tiêu biểu góp mặt ở ASIAD 18.

Thế nên, dù chỉ là giải đấu giao hữu ở cấp độ U.23, nhưng những người tổ chức đã tận dụng thương hiệu đang lên này đẩy giá vé lên cao. Nhiều người cho rằng đó là mức giá bất hợp lý khi còn cao hơn cả vòng bảng môn bóng đá nam ASIAD 18 và cao ngang với vòng bán kết AFF Cup 2018.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, U.23 Việt Nam đã không tạo ra được sức hút như tính toán. Chính điều này đã khiến cho cảnh mua bán vé vì thế kém nhộn nhịp. Trận đấu đầu tiên của ĐT U.23 Việt Nam - U.23 Palestine, khán giả đã không thể phủ kín sân Mỹ Đình. Lượng khán giả được xem là đông so với các trận giao hữu trước đây ở cấp độ ĐTQG trước đây. Thế nhưng lại vắng so với dự đoán từ hiệu ứng mà U.23 Việt Nam mang lại.

Cơn sốt U.23 đã thực sự đi qua? Câu trả lời là chưa. Bởi lẽ, từ khóa này vẫn được đông đảo bạn đọc tìm kiếm trên mạng. Có điều để bỏ vé vào sân theo dõi trận đấu và chứng minh tình yêu dành cho đội bóng, rõ ràng đã phân loại được một lượng CĐV cực lớn. Đấy mới là giá trị thật của U.23. Và đấy cũng là điều phản ánh đúng những gì mang một giải giao hữu đang tạo ra. U.23 Việt Nam vẫn được quan tâm, nhưng tuyệt nhiên không phải là sức hút.

Thầy trò ông Park nhẹ đầu

HLV Park Hang-seo từng hơn một lần thừa nhận rằng, sau chiến tích tại Thường Châu, ông và các học trò đang nhận nhiều áp lực đến từ người hâm mộ. Bởi lẽ, sự quan tâm và kỳ vọng của người dân Việt Nam dành cho U.23 Việt Nam rất lớn khiến ông luôn mang tâm thế bước vào các giải đấu tiếp theo phải có thành tích, kể cả là giao hữu.

Đến đây, nhiều người sẽ nhớ đến một tiết lộ của cựu tuyển thủ Công Vinh trong cuốn tự truyện từng gây xôn xao của mình rằng: “VFF chưa bao giờ nổi tiếng bởi sự kiên nhẫn trong khi bệnh thành tích (dù chỉ là thành tích… giao hữu) là vấn đề thâm căn cố đế của bóng đá Việt Nam”.

Thực tế, giải giao hữu quốc tế U.23 là giải đấu mà HLV Park Hang-seo xác định nhằm chuẩn bị cho ASIAD 18. Thế nên ông chủ động giấu cả tên cầu thủ bằng cách tráo số áo, ông cũng có những thử nghiệm cả về chiến thuật và nhân sự ở từng trận đấu khác nhau.

Việc không phải đặt trong áp lực phải sử dụng cầu thủ nào đó khiến ông giảm tải được áp lực. Bên cạnh đó, các cầu thủ vì thế mà cũng dễ đá, dễ chơi hơn.

Khi được hỏi về mục tiêu của giải đấu giao hữu này, ông Park đã có những chia sẻ rất thẳng thắn rằng nếu xác định thành tích ở cả giải giao hữu như vậy sẽ rất khó khăn cho các cầu thủ, đặc biệt là về điểm rơi phong độ.

Thắng giao hữu hay thắng ASIAD, đó là vấn đề mà chắc chắn ông Park đã phải tính toán rất nhiều. Bởi đôi khi, kết quả ở một trận giao hữu cũng khiến tình yêu khán giả đảo chiều. Thế nên, khi U.23 được trở về đúng giá trị, những áp lực dành cho ông và các học trò cũng giảm đi.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/khi-u23-viet-nam-duoc-tra-lai-dung-gia-tri-623356.ldo