Khí tượng thủy văn: Ngành 'kén' thí sinh?

Thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu có thể gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất. Do đó, công tác dự báo đối với ngành Khí tượng thủy văn ngày càng trở nên quan trọng.

Sinh viên thực hành quan trắc tại trạm khí tượng Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Sinh viên thực hành quan trắc tại trạm khí tượng Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu có thể gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất. Do đó, công tác dự báo đối với ngành Khí tượng thủy văn ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, công tác này được đào tạo như thế nào? TS Nguyễn Quang Hưng - Phó Trưởng khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) có những chia sẻ trên Báo Giáo dục và Thời đại.

Không nhiều cơ sở đào tạo

- Diễn biến bất thường của thời tiết mới thấy công tác dự báo quan trọng. Theo ông, một số hiện tượng thời tiết diễn ra ở miền Trung trong những ngày qua liệu có thể dự báo chính xác?

- Đầu tiên phải khẳng định, trong công tác dự báo thì thiên tai là dạng khó của khó vì nó luôn biến động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Qua theo dõi đợt mưa lũ vừa qua, tôi thấy tất cả các thông tin dự báo hiện nay đều được Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cụ thể là Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia chịu trách nhiệm và cung cấp đầy đủ hàng ngày; đồng thời cảnh báo thiên tai để truyền tải thông tin đến người dân.

Các nhận định sớm từ đầu năm đã đưa ra cảnh báo xu thế mưa, bão lũ sẽ dồn dập vào những tháng cuối năm, đặc biệt là khu vực miền Trung. Khi mùa bão bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11, các cơ quan đều có lịch cụ thể tăng cường theo dõi và dự báo thiên tai. Đối với các hiện tượng thời tiết vừa rồi xảy ra tại khu vực miền Trung, các thông tin dự báo đều được đưa ra khá chính xác và cập nhật liên tục. Đây cũng là những kết quả của việc đầu tư vươn tầm quốc tế của ngành Khí tượng thủy văn nói chung và của các anh chị em làm công tác dự báo nói riêng.

- Vậy ngành Khí tượng thủy văn được đào tạo như thế nào trong trường đại học?

- Nếu xét trên toàn quốc, ngành Khí tượng thủy văn không nhiều cơ sở đào tạo, có thể kể đến Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với thời gian thành lập 65 năm và có 25 năm đào tạo chuyên sâu; Trường ĐH Thủy lợi với một số ngành như: Thủy văn và Tài nguyên nước; Trường ĐH Tài nguyên Môi trường (Hà Nội); Trường ĐH Tài nguyên Môi trường (TP Hồ Chí Minh), và một số ít các khoa của các trường ĐH khác.

Có thể nói một trong những nơi đào tạo chính thống và có bề dày thành tích là Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, với số lượng lớn sinh viên, thạc sĩ và tiến sĩ đã tốt nghiệp hiện đang công tác trong các đơn vị ngành dọc Khí tượng Thủy văn. Khoa chia ra ba ngành đào tạo chính là: Khí tượng và Khí hậu học; Khoa học và Công nghệ Biển; Tài nguyên và Môi trường nước.

Sinh viên được đào tạo để trở thành các nghiên cứu viên, dự báo viên, hay các chuyên viên trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, công tác tại các đơn vị thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng hay tại các công ty tư vấn thiết kế xây dựng, Tổng Công ty Điện lực và các công ty con…

Sinh viên trong giờ học thực hành về dự báo thời tiết. Ảnh: NVCC

Phải có đam mê

- Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành này vẫn chưa được thí sinh “mặn mà”. Liệu đây có phải là ngành “kén” thí sinh?

- Ngành đào tạo Khí tượng thủy văn không hề “kén” thí sinh. Tất nhiên, nhân sự công tác trong ngành dọc Khí tượng thủy văn sẽ có những yêu cầu cụ thể, nhưng để đến được với ngành, trước hết phải có đam mê. Thời gian gần đây, đúng là công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khoảng 2 năm nay. Hiện tại, khoa đang có hơn 100 sinh viên theo học. Riêng năm nay, ngành Khí tượng tuyển được 9 thí sinh, Hải dương học tuyển được 5 sinh viên và Tài nguyên nước có 10 sinh viên nhập học. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, tuyển sinh ngành dọc Khí tượng thủy văn thì Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH quốc gia Hà Nội) là ổn định nhất, một số cơ sở đào tạo khác tuyển sinh rất khó, thậm chí là không có sinh viên theo học, hoặc nếu có thì điểm đầu vào rất thấp.

Qua một thời gian tìm hiểu, chúng tôi thấy chủ yếu là do hiểu biết thực sự về ngành còn giới hạn, thông tin về ngành như: Nội dung đào tạo, vị trí việc làm chưa lan tỏa đến các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh; do đó cơ sở đào tạo và thí sinh chưa gặp nhau. Điều này đang được khắc phục với nhiều biện pháp, trong đó về phía các cơ sở đào tạo đang nỗ lực, xác định trách nhiệm giảng viên không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức, mà còn có nhiệm vụ lan tỏa thông tin, truyền cảm hứng ngành nghề, đào tạo kiến thức cơ bản kết hợp với thực hành thực tế.

- Cơ hội việc làm và nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành này như thế nào, thưa ông?

- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói chung và Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học nói riêng luôn tự hào vì có một mạng lưới đối tác là các nhà tuyển dụng rất đông đảo và phối hợp chặt chẽ. Về đào tạo, khoa luôn cập nhật chương trình đào tạo ở mức nhỏ từng năm và cập nhật lớn sau 4 - 5 năm đào tạo. Trong đó, chính các ý kiến phản hồi của các nhà tuyển dụng là một phần bắt buộc để nhà trường điều chỉnh chương trình.

- Xin cảm ơn ông!

“Hàng năm, khoa luôn có các đợt thực tập thực tế cho sinh viên tại chính các đơn vị tuyển dụng như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, các đài khí tượng thủy văn tỉnh, các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, do đó, sinh viên và nhà tuyển dụng luôn nắm rõ các thông tin từ hai phía. Hiện tại khoa đang được các nhà tuyển dụng cung cấp học bổng đầu vào. Theo đó, học bổng ưu đãi gồm 1 suất 100 triệu, 2 suất học bổng 65 triệu và 4 suất học bổng 40 triệu”. - TS Nguyễn Quang Hưng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khi-tuong-thuy-van-nganh-ken-thi-sinh-p6irGTtGg.html