Khi trường đại học 'bắt tay' cùng doanh nghiệp sản xuất tảo xoắn

Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và và phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025.

Qua lễ ký kết, đại diện Công ty TNHH Mediworld và Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn khai thác tiềm năng các nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tiễn.

Nhận thấy được những giá trị của tảo Spirulina, Học viện nông nghiệp Việt Nam đã giao nhiệm vụ “Chọn tạo giống vi tảo Spirulina platensis để phát triển nuôi ở quy mô công nghiệp” cho PGS.TS. Nguyễn Đức Bách và nhóm nghiên cứu.

Sau quá trình chọn lọc dòng, khảo nghiệm và phân tích, đến tháng 4/2018, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được chủng giống tảo xoắn Spirulina platensis VNUA03. Chủng giống vi tảo này đã được công nhận tại Hội đồng cấp cơ sở và được chuyển tiếp lên Hội đồng công nhận giống cấp Bộ.

Công nghệ sinh học vi tảo bao gồm nhiều công đoạn từ sàng lọc chủng giống vi tảo, nhân giống các cấp sau đó nhân sinh khối ở quy mô lớn trong các hệ thống kín photobioreactor (PBR) hoặc các bể raceway có cánh khuấy đặt trong nhà lưới khép kín.

Sinh khối tảo sau khi thu có thể được sử dụng trực tiếp dưới dạng sản phẩm tảo tươi (bảo quản đông lạnh) hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp tạo nguyên liệu để phát triển các sản phẩm dạng viên nang, viên nén hoặc làm nguyên liệu để tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học ứng dụng trong dược phẩm làm thuốc chữa bệnh hoặc hóa mỹ phẩm.

Trong số các loài vi tảo nuôi ở quy mô công nghiệp, tảo xoắn Spirulina platensis được nuôi sớm nhất ở nhiều quy mô công nghệ khác nhau. Tảo có thể được nuôi ở quy mô nhỏ trong các bình nhựa hoặc quy mô lớn trong các bể raceway làm bằng xi măng hay composite hoặc trong các trong hệ thống kín photobioreactor.

Được biết, PGS.TS Nguyễn Đức Bách và nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học vi tảo (khoa Công nghệ sinh học) đã phân lập và tuyển chọn được nhiều chủng giống tảo xoắn Spirulina platensis và nhiều chủng giống vi tảo khác có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện nuôi khác nhau và phù hợp để nhân rộng sản xuất ở quy mô lớn.

Với hệ thống nhân giống kín (photobioreactor) được kiểm soát chặt chẽ các điều kiện dinh dưỡng, ánh sáng, pH và nhiệt độ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học vi tảo có khả năng nhân nhiều loại chủng giống vi tảo ở quy mô lớn với độ thuần khiết 100% và không bị nhiễm tạp. Với điều kiện và năng lực hiện nay, Trung tâm có khả năng cung cấp giống tảo cho các đơn vị ở quy mô 5000 lít/lần giao giống.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Bách, Trưởng Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khoa Công nghệ sinh học luôn thực hiện phương châm đào tạo kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu theo định hướng công nghệ. Cụ thể là các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm sẽ được thử nghiệm triển khai ở quy mô pilot sau đó đánh giá, điều chỉnh và áp dụng các quy trinh kỹ thuật và công nghệ để tối ưu cho phép mở rộng sản xuất ở quy mô công nghiệp.

“Chúng tôi cũng có nhiều thuận lợi khi thực hiện đề tài nghiên cứu trên là do Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết để kết nối giữa giai đoạn nghiên cứu ở phòng thí nghiệm và mở rộng thử nghiệm ở quy mô pilot. Với sự tham gia của nhiều cơ quan và tổ chức hỗ trợ, cho đến nay chúng tôi đã kép kín được chặng đường từ nghiên cứu đến sản xuất và tạo sản phẩm thương mại”.

Trước yêu cầu đặt ra sản xuất nông nghiệp phải chủ động trước các biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích canh tác, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xác định Công nghệ sinh học vi tảo là một trong những hướng đi phù hợp với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài sự ủng hộ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhóm nghiên cứu cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ Bộ KHCN, các Sở đã hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng chủ động tìm kiếm và xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ và sử dụng kết quả nghiên cứu để phát triển sản phẩm thương mại.

“Chúng tôi cũng xác định đây mới chỉ là một kết quả thành công bước đầu trong một chặng đường dài. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng là một nguồn động viên cho nhóm nghiên cứu của chúng tôi rất nhiều bởi vì tảo xoắn Spirulina là một sản phẩm tốt và cần thiết cho cuộc sống”.

Hệ thống nuôi vi tảo xoắn Spirulina plantensis trong bể raceway sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED để điều khiển sinh trưởng và thành phần các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học

Hệ thống nuôi vi tảo xoắn Spirulina plantensis trong bể raceway sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED để điều khiển sinh trưởng và thành phần các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học

Được biết, để nuôi trồng vi tảo xoắn Spirulina trong điều kiện tốt nhất và đạt giá trị thương phẩm cao nhất, bên cạnh đội ngũ nhà khoa học giàu kinh nghiệm và tận tâm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với các phòng thí nghiệm trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ cao, hệ thống nhân giống khép kín, hệ thống bể raceway quy mô lớn, ứng dụng công nghệ 4.0 như cảm biến ánh sáng, cảm biến nhiệt độ, vòi phun nước làm mát tự động…

Theo đó, hệ thống nuôi vi tảo xoắn Spirulina plantensis trong bể raceway sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED để điều khiển sinh trưởng và thành phần các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học.

Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học Vi tảo còn nghiên cứu và lưu giữ hơn 50 loài vi tảo với hàng trăm chủng giống khác nhau. Trong đó có nhiều loại tiềm năng có thể đưa vào ứng dụng và khai thác ở dạng thương phẩm, điển hình chính là vi tảo Spirulina Platensis.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Công ty TNHH Mediworld và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều thể hiện mong muốn với sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác này sẽ đánh dấu những bước phát triển mới của cả hai bên.

Từ đó khai thác tiềm năng về nguồn nhân lực, kinh nghiệm giảng dạy cũng như các nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng nguồn năng lực, hiệu quả nghiên cứu khoa học và tiềm năng phát triển ứng dụng sản phẩm công nghệ cao trong thời đại 4.0 hiện nay.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/khi-truong-dai-hoc-bat-tay-cung-doanh-nghiep-san-xuat-tao-xoan-spirulina-263864.html