Khi trường chuẩn quốc gia 'rớt chuẩn' - Bài 1: Muôn kiểu khó khăn

Đã từng được công nhận trường chuẩn quốc gia (CQG), nhưng hàng loạt trường học ở Hà Nội có nguy cơ 'rớt chuẩn' bởi cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.

Đây là bài toán khiến ngành giáo dục lo lắng, quận, huyện “đau đầu” tìm hướng giải quyết để đạt chỉ tiêu TP giao.

Nếu như nội thành thiếu quỹ đất để cải tạo, mở rộng và xây mới trường học, thì ngoại thành lại thiếu kinh phí đầu tư cho trường học. Tỷ lệ trường đạt CQG tại Hà Nội có sự chênh lệch khá lớn giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Chênh lệch cao giữa các quận, huyện
Giáo dục Thủ đô đã có nhiều bước tiến mới, nhìn về công tác xây dựng trường CQG 20 năm qua cho thấy, tỷ lệ trường đạt CQG ngày càng cao. Nếu như năm 1998, toàn TP chỉ có 6 trường tiểu học (TH) đầu tiên được công nhận đạt CQG, đến năm 2017, đã nâng lên 1.260/2.576 trường đạt chuẩn ở tất cả các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT, trong đó, khối công lập đạt tỷ lệ 57,8% (1.225/2.119 trường).

Một tiết học của học sinh trường THCS Dân Hòa, Thanh Oai - Hà Nội. Ảnh: Trung Đức

Một tiết học của học sinh trường THCS Dân Hòa, Thanh Oai - Hà Nội. Ảnh: Trung Đức

So với tỷ lệ chung của cả nước, Hà Nội đã có bước đột phá mạnh mẽ trong xây dựng trường CQG. Tuy nhiên, số lượng trường chuẩn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Đặc biệt có sự chênh lệch lớn giữa các quận, huyện. Cụ thể, quận Long Biên có 92,5% (62/67) trường đạt CQG, quận Bắc Từ Liêm 84,6% (33/39 trường),... Trong khi đó, nhiều quận, huyện lại có tỷ lệ trường đạt CQG thấp, thậm chí không đạt chỉ tiêu đề ra, như quận Ba Đình chỉ có 46,9% (23/49 trường đạt CQG), huyện Phú Xuyên 27,3% (24/88)... Nguyên nhân được đưa ra là do quỹ đất tại các quận nội thành rất hạn chế, gây khó khăn cho việc xây dựng trường đạt CQG. Các huyện ngoại thành có diện tích đất rộng, nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn thu hạn chế, dân cư ở không tập trung gây trở ngại đến việc xây dựng, quy hoạch mạng lưới trường học. Thêm vào đó, một số trường học được công nhận đạt CQG đã quá 5 năm, trải qua thời gian dài cơ sở vật chất bị xuống cấp, nhưng do chưa có kinh phí đầu tư dẫn đến nguy cơ “rớt chuẩn”.
Đơn cử như huyện Thường Tín, các trường được đầu tư xây dựng chỉ xây mới ở một số hạng mục, còn lại sửa chữa, nâng cấp các phòng cũ, do đó diện tích các phòng học phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đáp ứng đúng với yêu cầu hiện nay. Hay như huyện Ba Vì, so với tiêu chí trường CQG, hiện nay một số trường không đủ diện tích đất. Nhiều trường đã đạt chuẩn giai đoạn trước đến nay không đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,...
Mất chuẩn vì xuống cấp
Theo quy định, thời hạn công nhận trường CQG là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Sau khi hết thời hạn, các trường tự đánh giá, trình các cấp theo thẩm quyền để được kiểm tra. Khi các tiêu chí về CQG đều đạt thì trường sẽ được công nhận đạt CQG lần hai. Tuy nhiên, việc tái công nhận CQG ở các trường không hề đơn giản. Nhiều trường bị “vướng” các tiêu chí, nhất là tài chính, quỹ đất xây dựng trường. Thực tế tại trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) cho thấy, cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ sân trường trũng xuống, nền xi măng và gạch lát các lớp học cũng như bậc lên xuống cầu thang nứt vỡ. Diện tích các phòng học không đảm bảo, đa số chỉ khoảng 48m2, trong khi đúng chuẩn phải đạt 53m2...
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa Nguyễn Khắc Thành cho biết, toàn trường có 568 học sinh, lớp đông nhất 44 em. Trường được công nhận CQG từ năm 2008 theo chuẩn cũ của tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên, sau 5 năm (2008 – 2013) và đến nay trường vẫn trong tình trạng “nợ” tiêu chí, không đạt để được công nhân CQG lần hai. “Hiện tại, phòng máy tính, y tế không đảm bảo hoạt động vì thiếu diện tích. Trường thiếu phòng học chức năng, nhà thể chất... Các lớp học 100% đã cũ, trong đó 50% phòng học hết khấu hao do đã tồn tại 25 năm nay và hiện đang xuống cấp trầm trọng. Thiếu phòng học, trường phải dồn các bộ phận kế toán, thủ quỹ, y tế, văn thư... cùng làm việc với phòng hiệu trưởng. Theo ông Thành, trước những khó khăn trên, nhà trường đã báo cáo Phòng GD&ĐT và được huyện Thanh Oai đồng ý đầu tư, dự trù kinh phí khoảng 28 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp khu hiệu bộ. Dự kiến tháng 4/2018 dự án này sẽ khởi công.
Trường TH Thanh Văn (huyện Thanh Oai) cũng nằm trong diện “rớt chuẩn” do cơ sở vật chất xuống cấp, không có kinh phí để đầu tư sửa chữa. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho biết, trường được xây dựng trước những năm 1994, đã đạt chuẩn năm 2001. Thậm chí thừa tiêu chuẩn số mét vuông trên một học sinh. Tuy nhiên, đến nay trường TH Thanh Văn vẫn chưa được công nhận tái chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học. Hiện trường chỉ có 12 phòng học (11 phòng ở trường, 1 phòng khu lẻ) và 1 lớp học nhờ nhà dân. Trường thiếu hoàn toàn các phòng chức năng và 4 phòng học nên phải dồn hơn 40 học sinh/lớp, trong khi chuẩn là 35 em. Đáng lưu tâm hơn, trong số 11 lớp, có 8 lớp được xây dựng năm 1993, đến nay đang xuống cấp trầm trọng, hễ trời mưa là bị ngấm, dột. “Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của nhà trường. Chúng tôi dù rất muốn tổ chức bữa ăn bán trú và các hoạt động cho học sinh nhưng không thể làm được” – cô Quỳnh Hoa bộc bạch.

Hiện, Thanh Oai có 14 trường CQG (CQG từ 2009 về trước) đang chờ thẩm định công nhận lại. Trải qua thời gian dài sử dụng, các phòng học, phòng chức năng, thiết bị phục vụ dạy học đã xuống cấp. Nguồn kinh tế chủ yếu trông chờ vào nông nghiệp nên cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Do đó, khả năng huy động vốn từ Nhân dân rất thấp. Chúng tôi rất mong lãnh đạo các cấp, ngành hỗ trợ để Thanh Oai thực hiện các tiêu chí của các trường đã được công nhận đạt CQG từ trước năm 2009.
Ông Hoàng Quốc Đạt – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Oai

(Còn nữa)

Trung Anh – Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khi-truong-chuan-quoc-gia-rot-chuan-bai-1-muon-kieu-kho-khan-302894.html