Khi trẻ nhỏ vướng vòng tai họa do người lớn

Đã không ít trẻ nhỏ nuốt dị vật hay ngộ độc, tàn phế vì thói quen tùy tiện, luộm thuộm, bất cẩn và thiếu suy nghĩ của người lớn.

Chiếc đinh ở ngang đốt sống lưng L2 - L3 bé 9 tuổi ở Quảng Ninh.

Bé trai 9 tuổi, ở TP. Móng Cái, Quảng Ninh nuốt một đinh sắt, tuy chưa đau bụng và nôn, chưa đi ngoài nhưng gia đình cho đi BV sản - nhi Quảng Ninh ngay ngày 13.6. Chụp X-quang thấy hình ảnh đinh sắt ở ngang đốt sống lưng 2 - 3, tương ứng đoạn II - III của tá tràng (có 4 đoạn).

Chỉ định mổ tá tràng lấy dị vật. Do mặt sau tá tràng sát với hai thận và tuyến thượng thận, niệu quản phải, tĩnh mạch chủ dưới, động mạch chủ bụng; mặt trước sát gan, dạ dày qua một khoang trung gian rất hẹp giữa các lá mạc treo ruột (gọi là hậu cung mạc nối) nên việc lấy đinh khá khó khăn. Đinh được lấy ra và may là bé chưa tổn thương ruột.

Tháng 5, bé Nguyễn Thị Th, 2 tuổi, ở Sơn La, nhặt được chiếc đinh ghim giấy bằng sắt có đế nhựa, liền cho vào miệng và đinh ghim trôi tuột xuống nhưng quái ác là nó lọt vào khí quản làm bé ho sặc sụa, khạc ra máu, nôn liên tục... Bệnh viện Nhi TƯ phải nội soi lấy đinh ghim.

Tháng 3, BV huyện Bảo Thắng, Lào Cai tiếp nhận cháu gái 10 tuổi, ở huyện Bắc Hà liên tục nôn mửa, đau bụng, hoảng sợ. Bé ngậm đinh nhọn (để thông đầu lọ keo dán 502), bất đồ bị ho, sặc và đinh trôi xuống thực quản. Film X-quang xác định dị vật nằm trong dạ dày. Chỉ định nội soi dạ dày ống mềm để gắp dị vật. Do dị vật to, trẻ nôn ọe nhiều nên công việc khó khăn, cuối cùng đinh được lấy ra.

Bé Dương Minh Q, 7 tuổi, ở Hà Nội bị đồng xèng mắc ở thực quản, nuốt vướng, đau, không ăn, uống được. BS Lê Thanh Chương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi TƯ nói hằng năm viện phải xử lý cấp cứu nhiều trẻ dị vật đường hô hấp, tiêu hóa, có tuần 4 - 5 ca, thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo, bi sắt, đồ ăn, nắp bút bi...

Đặc biệt các vật nhọn như đinh, vít sắt, đinh ghim... đe dọa chọc thủng thực quản hay khí, phế quản nguy hiểm tính mạng. Nếu xử lý muộn dị vật gây nhiễm trùng hoặc tạo ổ mủ... Mỗi năm BV Nhi đồng 1, TPHCM cấp cứu vài chục ca uống, ăn phải chất gây hại, trong đó khoảng 15 - 20 ca bỏng đường tiêu hóa. BV Bạch Mai không tháng nào không có trẻ cấp cứu, nhiều nhất là trẻ 2 - 5 tuổi... và tai nạn này đang gia tăng cả nước!?

Có nhiều “cạm bẫy” trẻ

Tháng 5, trong lúc cha mẹ vắng nhà, bé V.B.N, 11 tuổi, ở Kỳ Sơn, Nghệ An và các bạn rủ nhau uống rượu. Bạn thách đố nên N đã uống hết khoảng hơn một lít rượu, khi nhập viện ngộ độc đã rất nguy kịch.

Bé Phạm M.H, 14 tháng tuổi, ở Hưng Yên uống dầu Parafin, ho sặc sụa, tím tái. BV tỉnh phải đặt nội khí quản và chuyển ngay BV Nhi TƯ. Tình trạng viêm phổi nguy kịch đến mức thở máy không cải thiện được suy hô hấp, lại thêm suy tuần hoàn và đa tạng, phải chỉ định hỗ trợ máy thở cao tần, bơm surfactant (chất ở mặt trong phế nang, cực kỳ quan trọng cho trao đổi oxy và cacbonic, mọi chất vào phế nang đều làm mất tác dụng của surfactant) và lọc máu liên tục... nhưng bé vẫn xấu đi nhanh chóng, phải đặt máy tim phổi nhân tạo (EMCO) mới cứu được sau một tuần chống chọi với thần chết.

Cháu Hỏa Minh T, 16 tháng tuổi, thấy chai dầu thắp đèn dưới gầm bàn thờ liền vớ lấy uống rồi ho sặc sụa, khó thở, tím tái. Khi đến BV tỉnh Tuyên Quang, đã tím tái toàn thân, khó thở, nguy kịch. Gia đình nói chai dầu thắp để ở đó từ lâu và chẳng ai nghĩ đến cất nó đi, dù bé đang lẫm chẫm đi và có thể vớ bất kỳ thứ gì cầm được. Dầu có màu vàng đựng trong chai nhựa rất kích thích mắt con trẻ.

Tương tự, cháu P.P.T, 3 tuổi, ở Hà Nội viêm phổi nặng do uống dầu hỏa. Có nhiều trẻ uống phải dầu hỏa do thói quen tùy tiện của người lớn: Bé Trương Công B. D, 17 tháng tuổi, ở Hà Tĩnh phải về Hà Nội cấp cứu; bé Nguyễn Thị Bích Nga, 16 tháng tuổi, ở Hà Nội, nhập viện Bạch Mai cấp cứu; bé L.M.T, 29 tháng tuổi, cấp cứu ở Long An...

Có đợt trong 2 tuần, BV Bạch Mai, Hà Nội cấp cứu 3 ca uống dầu hỏa: Bé gái 3 tuổi và bé trai 4 tuổi, ở Hà Nội; bé trai 4 tuổi ở Nam Định. Bé K, 19 tháng tuổi, ở Hậu Giang, uống dầu hỏa trong chai nhựa, để cạnh vách nhà, đã qua đời ở BV nhi đồng Cần Thơ... Khi uống phải dầu hỏa, hơi dầu vào phổi gây tổn thương phế nang rất nặng, sẽ viêm phổi sau 24 - 48h và nhanh chóng suy hô hấp.

Có rất nhiều chất gây hại thành “cạm bẫy” trẻ do chỗ để hay vỏ chai, lọ đựng. Ở Tuyên Quang, cháu Nguyễn Anh V, 5 tuổi, sang hàng xóm chơi, thấy chai C2 để dưới gầm bàn, đã uống hết khoảng nửa chai... rượu, rồi đỏ mặt, nôn, co giật...

Còn ba anh em ruột là Lý Văn T, 5 tuổi; Lý Thị P, 4 tuổi; Lý Ngọc S, 2 tuổi, ở Tuyên quang, uống thuốc diệt cỏ cha mẹ đựng trong chai CocaCola!

Cháu L.B.V, 2 tuổi, ở Cao Bằng uống thuốc diệt cỏ Paraquat, đến BV nhi TƯ đã khó thở, suy hô hấp; nôn nhiều, đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa. Paraquat gây bỏng đường tiêu hóa, hôn mê, phù não; tử vong do phù phổi, chảy máu não, suy đa tạng (gan, thận, tim, tụy...) trong vài giờ đến vài ngày.

Ở TP. Đồng Hới, Quảng Bình, ông nội cho cháu trai 1 tuổi uống dầu tràm do mẹ đựng vào lọ nhãn siro ho. Cháu lơ mơ, nôn, bụng chướng, hơi thở sặc mùi dầu tràm... Dầu tràm có thể gây ngừng tim, ngừng thở làm tử vong.

Bé Phạm Thị Mai L, 5 tuổi, ở Đồng Tháp, uống phải nước tro tàu (có sút hoặc potat ăn da, nồng độ thấp, dùng khi làm bánh trung thu, bánh ú, bánh tro...). Phải đặt xông liên tục 3 tuần để chống dính nhưng rút xông lòng thực quản vẫn co hẹp. Qua 4 tháng điều trị, 4 lần nong thực quản nhưng xuất viện ít ngày bé lại không nuốt được... và phải sau hơn một năm mới tiên lượng được!

Đi học về khát nước, cháu Dương Phúc Q, 7 tuổi, ở Quảng Ninh, uống “nước” có axit sulfuric để trước sân. Sau điều trị vẫn ăn vào là nôn, đau thượng vị, thể trạng suy kiệt dần...; phải cắt 2/3 dạ dày để loại bỏ vùng loét và phòng ung thư hóa. Bé Võ Văn T, 3 tuổi, ở Rạch Giá, Kiên Giang uống chai axít nhặt trong đống ve chai...

Nghe bé khóc thét, mẹ chạy lại thấy miệng bé sùi bọt! Thực quản của bé teo nhỏ do bỏng nặng toàn bộ. Phải phẫu thuật làm “thực quản” nhân tạo bằng 25cm ruột già. Cháu phải lưu ống xông dạ dày 6 tháng để “ăn” và nong đoạn thực quản teo hẹp, phải qua hai cuộc phẫu thuật và khám thường xuyên sau này để theo dõi... Gia cảnh thì quá khó khăn, bố làm phụ hồ, mẹ mua bán ve chai, anh cháu phải nghỉ học vào viện trông em...!

Bé M, 3 tuổi, ở Hòa Bình và 4 cháu mẫu giáo ở một trường mầm non Hưng Yên ăn bột thông cống (sút hoặc potat ăn da) vì tưởng là đường, làm bỏng thực quản, dạ dày... Bé Huỳnh Khải Đ, 4 tuổi, ở TX. Thuận An, Bình Dương uống nước rửa móng tay của mẹ đựng trong chai trà xanh 0 độ, bị bỏng đường tiêu hóa...

Nhặt được 2 ống thuốc diệt chuột có màu giống siro, bé Th, 5 tuổi, ở Quảng Ninh, uống khoảng hai phần ba ống vì thấy mùi khó chịu, em trai 3 tuổi uống cả ống, rồi hai bé đau bụng, nôn nhiều... Gia đình không đưa đi viện ngay mà cho uống men tiêu hóa... Buổi chiều, bố thấy vỏ ống thuốc chuột ở sân mới tá hỏa. Đến Khoa Nhi, BV Bạch Mai, bé trai đã co giật... và với thuốc diệt chuột thì mọi việc đâu có dễ!

Bé Th, 4 tuổi, ở Hà Nội thì uống dầu nhờn và viêm phổi nặng do sặc.

Hai chị em họ Đàm Thị Hồng H, 4 tuổi và Đàm Thị Kim Ng, 3 tuổi, ở Bắc Kạn uống thuốc trừ sâu do gia đình bé đi phun về để dưới gầm nhà sàn. Cháu Ng tử vong, cháu H nguy kịch...

Sơ cứu trẻ ăn, uống chất gây hại thế nào cho đúng?

Khi trẻ uống, ăn phải các chất gây hại sơ cứu không giống nhau. Với xăng, dầu đốt, axit, kiềm, chất tẩy rửa không được gây nôn vì làm tổn thương đường tiêu hóa, hô hấp thêm trầm trọng; có thể cho trẻ uống chút nước để đỡ rát họng.

Với thuốc diệt cỏ và các loại thuốc tân dược phải gây nôn càng sớm càng tốt khi còn tỉnh, để đầu thấp, nghiêng trái tránh chất nôn vào đường thở; cho uống than hoạt (nếu có); không gây nôn khi co giật hay hôn mê. Khẩn trương đưa trẻ đến trung tâm chống độc hoặc BV; mang theo vỏ, bao bì hoặc chất gây hại nghi trẻ đã uống, ăn (nếu có)...

Chỉ cần người lớn không đựng chất gây hại trong chai, lọ vốn đựng nước, thuốc hoặc để ở nơi cao, an toàn, không bạ chỗ nào để chỗ đó là hoàn toàn loại bỏ được những tai họa loại này, nhưng xem ra bỏ thói quen tùy tiện chết người này không dễ?

bs nguyễn kiên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/khi-tre-nho-vuong-vong-tai-hoa-do-nguoi-lon-614557.ldo