Khi tre lên tiếng

Tất cả đẩy khán giả vào một miền âm nhạc mới: lạ lẫm nhưng cũng vô cùng thú vị. Vừa hiện đại, vừa mang âm hưởng những giá trị văn hóa tinh túy của dân tộc.

Các nhạc cụ trong chương trình đều được làm từ những vật dụng quen thuộc của người Việt. Ảnh: Nhã Khanh.

Các nhạc cụ trong chương trình đều được làm từ những vật dụng quen thuộc của người Việt. Ảnh: Nhã Khanh.

Sân khấu ngổn ngang tre nứa, chum vại. Người xem tưởng lạc vào một công trường xây dựng dang dở. Nhưng rồi tiếng nhạc vang lên. Không phải là tiếng nhạc điện tử, mà chỉ những âm thanh mộc. Tiếng đàn môi, tiếng sáo réo rắt, tiếng khèn da diết, tiếng trống dập dồn. Và đặc biệt những tiếng rất lạ phát ra từ những nhạc cụ bằng tre, trông cũng lạ nốt.

Cuộc hội ngộ đa sắc màu

Cây tre gắn bó với cuộc sống người Việt từ hàng ngàn năm nay. Đi khắp làng quê Việt Nam, nơi đâu ta cũng gặp những cây tre cao vút, rì rào trong gió. Tre gắn bó với người Việt Nam và đã trở thành biểu tượng về phẩm chất cao đẹp của dân tộc. Hơn hết, tre là vật liệu để làm nên các nhạc cụ truyền thống đậm nét đơn sơ và tinh túy của âm nhạc dân gian Việt Nam như sáo, đàn trúc, gõ…

Năm 2005, khi tham gia show diễn nghệ thuật “Làng tôi”, các nghệ sĩ xiếc Quang Sự, Anh Tuấn, Kim Ngọc đã từng biểu diễn với các đạo cụ tre nứa. Duyên nợ với cây tre, năm 2013, họ đã cùng nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc Nguyễn Đức Minh tạo ra cây đàn tre có từ 1 đến 5 dây, đặt tên là đàn đó. Đây cũng chính là bước khởi động, đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án “Lời của tre”.

Chương trình có 8 phần: Rối cột, Hưn mạy (dựa theo tiếng dân tộc), Hứng nước, Hạn hán, Chum, Chùa, Nhảy sạp, Hát xẩm. Nói về show diễn nghệ thuật đặc biệt này, tổng đạo diễn Nguyễn Nhất Lý chia sẻ: “Đây là chương trình tiếp nối phong cách của Làng tôi, À ố show, Vô thức … Nhưng cái đặc biệt trong Lời của tre là các nghệ sĩ đều đa zi năng. Họ vừa diễn xiếc, vừa chơi nhạc, hát xẩm, hát ca trù, lại cả diễn kịch trên sân khấu. Những thử nghiệm của họ trong nghệ thuật đã mang lại hơi thở mới mẻ và thú vị cho toàn bộ chương trình”.

Không ít khán giả ngạc nhiên trước sự xuất hiện của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc giữa một nhóm chơi nhạc cụ dân tộc. Anh mang đến cho chương trình tiếng sacxophone quen thuộc. “Trước đây, tôi và nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh từng chơi nhạc chung trong nhóm Chém gió Duet với sự kết hợp ngẫu hứng của jazz và đàn môi, cùng với tiếng sáo Mông hoang hoải. Khi tham gia Lời của tre, thật ra cũng không có gì lệch tông cả bởi ở những chỗ cần miêu tả nội tâm dằn vặt, cảm xúc mạnh và động thì tiếng kèn sacxophone lại thể hiện dễ dàng và hiệu quả hơn các nhạc cụ dân tộc. Trong chương trình, tôi còn tham gia đánh trống chèo và thổi kèn bóp. Tôi thấy rất thú vị”- Quyền Thiện Đắc chia sẻ.

Ngoài ra, đến với “Lời của tre”, khán giả còn được thưởng thức ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi hát ca trù hay họa sĩ Nguyễn Đức Phương hát xẩm.Chương trình gồm 7 màn, được liên kết với nhau nhằm gửi gắm đến người xem thông điệp về sự chia sẻ của con người với con người và con người với thiên nhiên. “Lời của tre” sẽ diễn định kỳ vào 2 ngày cuối tuần ở sân khấu thử nghiệm Phù Sa Lab.

“Chơi” ra sản phẩm

“Lời của tre” là một dự án với rất nhiều điều đặc biệt. Một dàn nhạc cụ được làm từ tre và phần lớn là lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, do chính các nghệ sĩ tham gia chương trình tự tay chế tạo và chơi nhạc, dù vốn dĩ họ là diễn viên xiếc, ca sĩ hay họa sĩ… Nó còn đặc biệt ở chỗ không kịch bản, không mạnh thường quân đỡ đầu, mà mỗi nghệ sĩ góp công, góp sức, cùng nhau tạo nên.

“Từ ban đầu chúng tôi không đặt mục tiêu phải làm thành chương trình này nọ gì cả, đơn giản chỉ là lúc rảnh rỗi thì gặp nhau ở Phù Sa Lab để luyện tập, chơi nhạc, chia sẻ với nhau hoặc thử nghiệm một trò mới.Vì xác định chơi là chính nên bản thân chúng tôi là dân xiếc nhưng cũng không thấy khó khăn, bỡ ngỡ gì cả. Hầu hết các nhạc cụ như đàn đó, trống lợn, con tè, trống chum, khăng…đều được sáng tạo từ những buổi ngồi nghịch cùng nhau. Trong nhóm lại có anh Đức Minh am hiểu về nhạc cụ truyền thống nên chúng tôi cũng học hỏi được nhiều”- diễn viên xiếc Quang Sự cười cho biết.

Cả chương trình sử dụng khoảng 15 nhạc cụ, trong đó, phần lớn là do các nghệ sĩ tự chế tác. Một lần ngồi bó tre bằng dây chun, dây chun đập vào ống tre phát ra tiếng, mấy anh em ngồi khoét lỗ tre, căng dây chun lên, thế mà thành đàn. Hay lần khác, đặt miếng săm xe máy lên cái chum, đập vào thấy phát ra tiếng ngộ ngộ. Thế là mày mò tạo thành trống chum. Ngay cả các ca khúc trong chương trình cũng là sản phẩm sáng tạo ngẫu hứng của cả tập thể, đôi khi ngẫu hứng hát lên bất chợt, cả nhóm lại góp thêm ý tưởng, mỗi người một câu, thế là thành bài.

Ý tưởng đến nhanh nhưng để ra thành phẩm thì có khi phải mất mấy năm trời. Nghệ sĩ Kim Ngọc chỉ vào cái Đàn Đó được làm từ thân tre to với đường kính 15cm, chiều dài gần 4m. “Cũng phải mất nhiều thời gian mới tìm được cây tre to cao, có độ tuổi gần 20 năm như thế này. Đầu tiên, chúng tôi tách vỏ tre làm dây nhưng đàn không kêu. Sau khi tìm hiểu nhạc cụ coọng linh Tây Bắc và goong tre của Tây Nguyên rồi phối hợp với nhauthì tạo ra Đàn Đó, với cách chơi khác, xếp âm khác”- Anh cho biết.

Một sân khấu ngổn ngang tre nứa, chum vại, khiến người xem tưởng lạc vào một công trường xây dựng dở dang. Nhưng rồi tiếng nhạc vang lên. Không phải tiếng nhạc điện tử, mà là những âm thanh mộc. Tiếng đàn môi, tiếng sáo réo rắt, tiếng khèn da diết, tiếng trống dập dồn. Và đặc biệt những tiếng rất lạ phát ra từ những nhạc cụ bằng tre, trông cũng lạ nốt. Tất cả đẩy khán giả vào một miền âm nhạc mới: lạ lẫm nhưng cũng vô cùng thú vị. Vừa hiện đại, vừa mang âm hưởng những giá trị văn hóa tinh túy của dân tộc.

Thanh Hương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/khi-tre-len-tieng-1272258.tpo