Khi trẻ 'kinh doanh' quá sớm

Ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng có những cô, cậu bé đã kiếm được tiền nhờ biết tận dụng các cơ hội thuận lợi. Kiếm được tiền dưới một góc độ nào đó, sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị đồng tiền và công sức lao động, chủ động và tự lập hơn trong cuộc sống. Nhưng để trẻ không sa đà, lệch hướng, cha mẹ cần có định hướng đúng đắn, lành mạnh cho con.

Giật mình với cách kinh doanh của con

Hai tuần nay, thấy cô con gái thức khuya dậy sớm hơn mọi ngày lo chuyện học hành, chị Minh - Giám đốc một Công ty CP truyền thông ở Hà Nội rất yên tâm. Mai Ngọc đang học lớp 10 và là lớp trưởng nên rất gương mẫu, tự giác học hành và luôn giữ được thành tích học tập tốt. Chị ngạc nhiên khi thấy con sử dụng máy in thường xuyên và in rất nhiều tài liệu ôn tập. Quan tâm hỏi han thì chị vỡ lẽ hóa ra cô con gái của chị đang hăm hở… kiếm tiền.

Cô bé bỏ công sức và thời gian làm các đề cương ôn thi chi tiết các môn học. Sau đó in ra nhiều bản rồi ngấm ngầm bán cho các bạn trong lớp. Nghe con hồ hởi khoe với mẹ số tiền con kiếm được, chị Minh vui thì ít mà thấy lo thì nhiều…

Chị Ngọc Thư - một nhà báo ở Hà Nội, có cô con gái nhỏ đã sớm bộc lộ năng khiếu kinh doanh. Từ sự khéo léo, cô bé lớp 5 đã mày mò học hỏi, sưu tầm công thức để làm ra nhiều món bánh ngon và đem tặng cho bạn bè và người thân.

Ban đầu chỉ là bà mẹ yêu con đưa sản phẩm nữ công gia chánh của con lên Facebook khoe với bạn bè… Nhưng rồi, từ việc bạn bè của bố mẹ và người quen khen ngợi và đặt hàng, cộng thêm trình độ kỹ thuật “lên tay” và có niềm say mê thật sự, cô bé Lam Khê đã phát triển thương hiệu và mở rộng công việc làm bánh của mình.

Xung quanh chuyện trẻ con kiếm tiền có nhiều ý kiến không đồng tình. Nhiều phụ huynh thành đạt cho rằng việc khuyến khích con kiếm tiền lúc còn nhỏ là không cần thiết. Hãy để con mình có một tuổi thơ trọn vẹn, phát triển đúng nghĩa với sự hồn nhiên. Không nên để trẻ phải vướng bận, lo toan suy nghĩ thực dụng về tiền bạc sớm làm gì…

Chị Thư chia sẻ: Chị đồng ý để con lấy toàn bộ số tiền mừng tuổi đi mua nguyên liệu và các vật dụng phục vụ việc làm bánh là để con thấm thía thế nào là thức khuya dậy sớm, nhận thức được việc kiếm tiền không đơn giản. “Con kiếm được tiền từ chính sở thích, sở trường của mình thì bố mẹ không cấm cản nhưng phải cam kết việc học vẫn phải được đặt lên vị trí số 1 và kết quả học tập tốt. Con phải có nền tảng kiến thức tốt để chuẩn bị con đường tương lai của mình…”.

Cha mẹ nên làm gì?

Không phụ huynh nào đồng tình với cách kiếm tiền của cô bé lớp 10 trong chuyện bán đề cương ôn tập môn thi cho các bạn. Hàng loạt câu hỏi đặt ra với môi trường học đường và những hệ lụy khó lường.

TS Thu Hương - Công ty TNHH tư vấn GD Cleverkids là người từng có nhiều kinh nghiệm quý báu khi “dạy con kiếm sống” và đã thành công khi con gái chị rất tự lập, chủ động, năng động và đã được bố mẹ cho phép ra ở riêng khi là sinh viên đại học. Chị cho rằng: Việc trẻ em chịu khó, năng động và biết cách làm ra tiền là rất đáng quý.

Song các bậc phụ huynh cũng phải hết sức lưu ý và kiên quyết tôn trọng nguyên tắc: Không chấp nhận những đồng tiền không trong sáng. Cha mẹ phải dũng cảm từ chối những đồng tiền liên quan hoặc chạm phải vấn đề lương tâm hoặc pháp luật. Cha mẹ nói không với những đồng tiền không trong sáng, trẻ sẽ học được thái độ đúng đắn sẽ biết nên làm gì khi bị cám dỗ.

Khi con đang đi học, việc ưu tiên hàng đầu là học chứ không phải kiếm tiền (ấy là chưa bàn đến các vấn đề liên quan đến lao động vị thành niên). Nếu con muốn trải nghiệm và con chứng tỏ được khả năng kiếm tiền thì bố mẹ yêu cầu con lên kế hoạch rõ ràng, dành khoảng thời gian hợp lý, có dự toán thu chi chi tiết. Cha mẹ cần giám sát, quản lý để việc con làm không ảnh hưởng đến việc học kiến thức và kỹ năng sống.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/khi-tre-kinh-doanh-qua-som-3924779-b.html