Khi trái tim lên tiếng

Họ đứng đó, mỉm cười xem lại những thước phim đang chiếu chầm chậm hình ảnh nhắc về quá khứ. Cái quá khứ chưa xa khi họ cùng nhau chung chiến tuyến chống lại kẻ thù vô hình mang tên SARS-CoV-2…

Bác sĩ Việt Anh cùng đồng nghiệp đặt ECMO cho bệnh nhân thành công

Bác sĩ Việt Anh cùng đồng nghiệp đặt ECMO cho bệnh nhân thành công

Sự sống không thể mất

Thời điểm này, khi bước sang năm mới 2021 không lâu, bà Shan Coralie Barker và chồng là ông Dixong John Garth đã về lại ngôi nhà nhỏ của mình ở nước Anh một thời gian. Đó là điều mà họ không dám nghĩ đến kể từ khi cả hai cùng nhiễm COVID-19 và đều ở trong tình trạng nguy kịch. Đầu tháng 3/2020, hai vợ chồng bà từ Anh sang Việt Nam thăm con trai nhưng chưa kịp đoàn tụ thì cả hai đều được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị vì mắc COVID-19. “Tôi dần bị nặng, ho nhiều, khó thở... Tôi đã nghĩ mình sẽ chết. Nhưng các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống tôi”, bà Shan xúc động chia sẻ khi được thông báo xuất viện.

Đó cũng là thời điểm chồng bà suy hô hấp, phải thở máy. Hơn 40 năm làm y tá tại Anh, biết tin chồng mình được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực, bà Shan Coralie Barker biết bệnh tình của chồng rất nguy kịch. Thế rồi từ tận cùng của lo lắng bà được giải thoát khỏi nỗi ám ảnh sẽ không còn được gặp lại người chồng thân yêu nữa. Bằng nỗ lực không ngừng, các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã giành giật sự sống cho người đàn ông 74 tuổi, tiền sử ung thư máu 10 năm - có thể ra đi vì COVID-19 bất cứ lúc nào.

“Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống vợ chồng tôi. Chúng tôi thật may mắn vì được điều trị ở Việt Nam, với những y sĩ, bác sĩ rất phi thường. Từ đáy lòng mình, chúng tôi chân thành cảm ơn các bạn. Cảm ơn đất nước Việt Nam”, bà Shan Coralie Barker xúc động chia sẻ khi đón chồng từ phòng bệnh ra.

Lặng lẽ ở góc phòng bệnh, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) chứng kiến phút hội ngộ của cặp vợ chồng già mà khóe mắt cay cay. “Những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp, người bệnh được chữa khỏi và đoàn tụ với gia đình. Điều đó càng khích lệ chúng tôi cố gắng giành giật sự sống cho người bệnh”, bác sĩ Khiêm tâm sự.

Bác sĩ Khiêm chăm sóc bệnh nhân hôn mê

Trong giai đoạn dịch bùng phát, số bệnh nhân nhập viện tăng từng ngày, có tận thấy y bác sĩ mồ hôi đầm đìa trong những bộ đồ bảo hộ mới cảm nhận được họ chính là những chiến sĩ ra trận, đối mặt với kẻ thù vô hình. Biết COVID-19 rất nguy hiểm và nhiều y sĩ, bác sĩ trên thế giới đã hy sinh, nhưng không vì thế mà bác sĩ Việt Nam do dự tiếp nhận bệnh nhân.

Và mệnh lệnh từ trái tim đó của những chiến sĩ áo trắng đã dẫn họ đến với tuyến lửa khốc liệt hơn nơi miền Trung nắng gió. Ở đó, là Đà Nẵng - thành phố đáng sống, là Quảng Nam, Quảng Ngãi của một thời lửa đạn chiến tranh và xứ Huế mộng mơ. Tất cả cùng chung kẻ thù mang tên COVID-19…

Một mất một còn

Chỉ 1 ngày nữa thôi Việt Nam sẽ đánh dấu 100 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Nhưng mọi sự đã đột ngột thay đổi vào hôm 24/7/2020 – ngày 99 của chuỗi ngày tạm gọi là bình an - xuất hiện bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng. Cầm điện thoại lên, bác sĩ Trần Anh Tú gõ vội dòng tin gửi cho vợ “Anh vào Đà Nẵng đây”. Tú là thành viên ít tuổi nhất trong “Đội điều tra giám sát dịch” của Bộ Y tế vào chi viện cho Đà Nẵng ngay khi nơi này còn bộn bề khó khăn trong chống dịch.

Bác sĩ Tú hướng dẫn truy vết, giám sát ca bệnh cho nhân viên y tế Đà Nẵng

Đội vào đến Đà nẵng khi các bệnh viện lớn chưa bị phong tỏa nhưng điều đầu tiên chàng trai trẻ nhận thấy là sự hoang mang, bất an và lo lắng tột độ cả góc độ tinh thần lẫn chuyên môn của các đồng nghiệp nơi đây. Thành phố bình yên này chưa bao giờ đối mặt với cơn bão dịch bệnh khốc liệt đến vậy. 7h sáng 27/7, tin nhắn của Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng Trần Đình Trung gửi vào nhóm “chat” gồm 30 giảng viên nòng cốt trong khoa: “2 tiếng nữa anh em sẽ tập huấn khẩn cấp về truy vết, giám sát”. “Khi đó tình hình cấp bách lắm rồi”, thầy giáo Trung nhớ lại. Kết thúc buổi giảng do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư và các thành viên Tổ công tác Bộ Y tế giảng, bác sĩ Trung ngay lập tức soạn giáo án cho 50 học viên Trường Quân sự quân khu V. Trong 3 ngày có hơn 800 sinh viên y dược và học viên được tập huấn truy vết và giám sát dịch COVID-19.

Mô hình truy vết, giám sát mà Tú nghiên cứu và chuyển giao cho Đà Nẵng được xây dựng từ những bài toán của chính các “sếp” hằng ngày khi phân tích dịch tễ đặt câu hỏi với cậu. Sơn Lôi, Hạ Lôi… những ổ dịch chàng trai trẻ đã chinh chiến trở thành vốn quý giúp Tú giàu thêm kinh nghiệm xây dựng bảng mẫu câu hỏi giám sát, truy vết. Bảng hỏi vừa phải đủ, vừa phải trúng để mọi thông tin cần biết về đối tượng phải chính xác. Từ mẫu đơn giản ban đầu, dần dà Tú xây dựng được bảng mẫu tiệm cận thực tế nhất. Nhờ đó những thông tin về từng đối tượng bệnh được Tú và đồng nghiệp cập nhật lên bản đồ thực địa.

Với tay mở thư mục chứa dữ liệu của những ngày đáng nhớ đó, Tú trầm ngâm: “8 năm vào nghề, lăn lộn qua biết bao trận dịch nhưng thực sự Đà Nẵng khi đó là ổ dịch có quy mô lớn nhất cả nước”. Đó cũng là lần dầu tiên trong đời làm nghề Y tế dự phòng Tú phải vẽ bản đồ thực địa dịch tễ. “Mất 5 phút để có bản đồ dịch tễ đậm màu cam - đỏ này. Nhưng để ra được bản đồ là khoảng thời gian rất lâu lấy dữ liệu thông tin “gắn” lên. Nhờ vậy các nhà dịch tễ học mới có cơ sở, bằng chứng để phân tích, giúp chính quyền ra những quyết định quan trọng. Mỗi nhóm người trong cộng đồng có nguy cơ khác nhau, nếu biết tình trạng xét nghiệm/cách ly/giám sát của họ thì khi nhìn vào bản đồ có thể thấy dịch lan ra tới đâu, mình kiểm soát như thế nào, còn hổng chỗ nào… Chiến lược của Tổ công tác truy vết, giám sát chúng tôi đưa ra phải nhờ sinh viên giúp đỡ. Và chính Trần Đình Trung có công rất lớn trong việc tận dụng sức trẻ đó.

“Sinh viên trường Y có chuyên môn, thành thạo máy tính, việc đặt các em vào đúng vị trí chính là cách chống dịch vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả” - thầy giáo trẻ Trần Đình Trung chia sẻ. Vậy là, sau khi các chuyên gia tập huấn từ trạm y tế lên Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, các sinh viên năm 3-4 khoa Y tế công cộng của thầy giáo Trung giúp Tổ công tác đặc biệt có được thông tin nhanh hơn và đồng bộ bằng điện toán đám mây. Tiếp đó bác sĩ Tú lại tận dụng công cụ miễn phí nên gần như trong một buổi sáng có thể đẩy thông tin từ xã lên CDC thành phố, không chỉ lịch trình bệnh nhân mà các thông tin F1, cách ly, theo dõi. Điều này giúp việc truy vết diễn ra rất nhanh chóng, cơ hội khoanh vùng, dập dịch hiệu quả hơn.

Bản lĩnh người trẻ

Ngày 31/7/2020, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tử vong tại Bệnh viện T.Ư Huế. Liên tiếp những ngày sau đó đều có các ca tử vong. Một không khí nặng nề bao trùm bệnh viện bởi lúc đó đây là nơi tiếp nhận, chia lửa cho bệnh viện ở Đà Nẵng trong điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng. Ba ngày sau, thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) nhận lệnh cùng bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện lên đường hỗ trợ Huế chống dịch.

Bác sĩ Khiêm kiểm tra hệ thống lọc máu cho bệnh nhân

Bác sĩ Khiêm nhớ lại, cuối tháng 7 thấy tình hình “nóng như lửa đốt” ở miền Trung, ai cũng muốn vào trợ sức, nhưng đó cũng là thời điểm bệnh viện bộn bề công việc khi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân COVID-19 vừa chuẩn bị mọi phương án đón hơn 100 công dân Việt từ Guine Xích đạo trở về. Sắp xếp ổn thỏa công việc ngoài Hà Nội, hai chuyên gia hồi sức lên đường vào Huế.

Sáng đó, chia tay vợ và 3 con nhỏ, bác sĩ Khiêm xác định có thể đây là lần cuối cùng anh được ở bên gia đình bởi hơn ai hết, những tháng năm làm chuyên ngành truyền nhiễm cho anh hiểu sức tàn phá kinh khủng của kẻ thù vô hình và sự sống ở vùng dịch trở nên mong manh. Mới trước đó không lâu đồng nghiệp của anh là bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã qua đời cũng ở tuổi 34 khi đang điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19…

Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế cơ sở 2 - một trong những nơi hỗ trợ tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân nặng nhất từ Đà Nẵng chuyển ra nên không khí lúc nào cũng căng như dây đàn. Bệnh nhân nguy kịch mỗi ngày một nhiều thêm, sự lo lắng bao trùm. Vừa làm công tác chuyên môn, bác sĩ Cấp và bác sĩ Khiêm vừa tư vấn, chia sẻ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, ngăn ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế. Lúc này chỉ cần thêm nhân viên y tế mắc bệnh thì sức chiến đấu của toàn đội sẽ giảm đi đáng kể.

Hành trang giá trị nhất mà bác sĩ 35 tuổi mang theo vào Huế là những kinh nghiệm quý báu trong quá trình điều trị bệnh nhân nặng tại Hà Nội. Ngày 15/3/2020, khi khoa tiếp nhận 2 bệnh nhân COVID-19 nặng đầu tiên, trong đó có bệnh nhân số 19 - là điểm khởi đầu cho 2 tháng liên tục anh bám trụ tại bệnh viện. Bệnh mới, hiểu biết về virus còn hạn chế, bệnh nhân mỗi ngày một nặng khiến chính những chuyên gia đầu ngành - các thầy của anh và đồng nghiệp đều lo lắng, rối bời. Lo cho những học trò - bác sĩ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, lo họ nặng nề tâm lý.

Diễn biến của bệnh nhân 19 nặng quá nhanh, tình thế nguy cấp, bệnh nhân suy thận và phải lọc máu, tổn thương phổi lớn. Hai hôm sau, bệnh nhân phải đặt ECMO - một kỹ thuật tối tân trong hồi sức cấp cứu, bình thường phải thiết lập mất 1 giờ đồng hồ, nhưng bác sĩ Khiêm và đồng nghiệp chỉ cài đặt trong 30 phút. Rồi bệnh nhân xuất hiện tràn khí màng phổi, đây là tình huống hiếm gặp. Bác sĩ Khiêm đưa ra ý tưởng tối ưu hệ thống ECMO để phổi bệnh nhân được nghỉ càng nhiều càng tốt, thúc đẩy quá trình hồi phục phổi. Hàng loạt câu hỏi cân não được đặt ra. Cho phổi nghỉ bao lâu, nghỉ hoàn toàn hay nghỉ một phần? Thông thường bác sĩ sẽ cho phổi nghỉ “gần hoàn toàn”, nhưng với bệnh nhân này, các bác sĩ trẻ quyết định cho nghỉ 100%. Bệnh nhân gần như ngừng thở để “siêu bảo vệ phổi” bằng cách cho bệnh nhân thở máy song song chạy ECMO. Kết quả, cùng với thuốc và dinh dưỡng, tình trạng tràn khí, suy hô hấp của bệnh nhân cải thiện dần. 18 ngày sau khi chạy ECMO kèm thở máy, bệnh nhân được rút ECMO.

Một chút trầm tư khi ngẫm lại khoảng thời gian mạo hiểm đó, bác sĩ Khiêm bảo: “Quyết đoán và chấp nhận những áp lực nhất định vì con đường mình đi là mới, thậm khí khác với ý kiến của người đi trước. Quyết đoán nhưng không liều lĩnh”. Bởi chính suy nghĩ đó nên anh luôn cẩn trọng để hành động. Không ít lần Khiêm đấu tranh với chính mình để đưa ra quyết định. “Tôi đã nghĩ tới tình huống sau này gặp lại các thầy có bị “làm sao” không? Nhưng may mắn, nhờ các thầy trao niềm tin và chúng tôi tin vào chính mình, kết quả, bệnh nhân vượt qua cửa tử, phổi phục hồi”, anh hào hứng kể.

Đội phản ứng nhanh BV Chợ rẫy trở về TPHCM sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Đà Nẵng

Cùng xung trận ở thời điểm gay cấn nhất của đợt bùng phát dịch thứ 2 tại Việt Nam như Khiêm, bác sĩ Ngô Việt Anh là thành viên tham gia Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy, hỗ trợ phòng, chống dịch và chỉ đạo chuyên môn tại nhiều tỉnh lân cận. Hết 3 tháng trực tiếp điều trị bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh tại Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, Việt Anh lại tham gia Đội phản ứng nhanh số 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ TP Đà Nẵng điều trị nhiều bệnh nhân nguy kịch, cần thở máy, ECMO, lọc máu... Trong tình huống dịch tấn công vào các khoa có bệnh nền nặng, khủng hoảng về nhân lực - vật lực, số ca tử vong dần xuất hiện và tăng lên, sự chung tay giúp đỡ, chia lửa của các bệnh viện lân cận cùng sự nỗ lực hết mình của tập thể nhân viên y tế Đà Nẵng, dịch bệnh đã lắng xuống. Ngay sau đó, bác sĩ Ngô Việt Anh tiếp tục tham gia thành lập Khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, phối hợp điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp tại đây. “Ở Đà Nẵng là thời gian khó khăn nhất, tôi vừa hồi sức các bệnh nhân nguy kịch vừa tham gia vận chuyển bệnh nhân nặng từ Đà Nẵng ra Huế”, bác sĩ Việt Anh nói. Đến ngày 31/8, khi tình hình dịch bệnh tại đây được kiểm soát, Việt Anh cùng đồng nghiệp rời Đà Nẵng, mang theo kỷ niệm là những chuỗi ngày trải nghiệm đáng nhớ khi tất cả gồng mình, với hơn 100% sức lực và nghị lực để giữ vững trận địa…

“Thế giới cũng chưa sản xuất được các bộ đồ bảo hộ nào bảo đảm giúp nhân viên y tế ngăn ngừa lây nhiễm 100% với COVID-19. Khẩu trang N95 có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh, còn 5% vẫn lọt qua. Song không vì thế mà chúng tôi bỏ chạy! Chúng tôi luôn sẵn sàng”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư chia sẻ

“Những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp, người bệnh được chữa khỏi và đoàn tụ với gia đình. Điều đó càng khích lệ chúng tôi cố gắng giành giật sự sống cho người bệnh”.

Bác sĩ Khiêm tâm sự

Trên sân khấu đơn giản mà tinh tế, nơi tôn vinh những bác sĩ trẻ góp công trong phòng chống dịch COVID-19 tôi bắt gặp một điểm chung giữa 4 chàng trai, đó là nụ cười hiền hậu, thánh thiện. Chỉ vài tháng trước thôi, nếu có gặp nhau giữa bộn bề công việc nơi tâm dịch, ánh mắt thay lời chào, bước đi vội vã là sự cảm thông. Ngày lại ngày nhìn nhau qua lớp kính bảo hộ, nụ cười ẩn dưới khẩu trang nhưng dường như họ đã truyền cho nhau sức mạnh tinh thần đặc biệt để đi qua những ngày tháng mà sau này họ gọi là “áp lực kinh khủng”…

Đến lúc này, khi đã đi qua những thời khắc sinh tử của bệnh nhân, bác sĩ Khiêm mới “thú nhận”: “Quá trình điều trị bệnh nhân nặng có những tình huống vượt qua giới hạn khuyến cáo trong kiến thức hiện tại đang có, chắc chắn sẽ nảy sinh những tranh luận. Nhưng chúng tôi phải quyết đoán đưa ra chỉ định cuối cùng”.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/khi-trai-tim-len-tieng-1792045.tpo