Khi Tổ quốc cần

Những ngày này, dù phải đón nhận thông tin về nhiều ca bệnh Covid-19 trên khắp cả nước, song sự bình tĩnh và niềm tin vào các biện pháp mà các cấp ngành đang quyết liệt thực hiện cùng sự chung tay, đồng lòng của người dân đã không ngừng cho chúng ta hy vọng sẽ chặn đứng đại dịch vào một ngày không xa.

Thanh Sơn, một du học sinh Việt tại Pháp đã kịp đáp chuyến bay về Tân Sơn Nhất sau khi quá cảnh ở Nhật Bản trước lúc EU đóng cửa biên giới. Cảm giác của anh khi đặt chân xuống quê hương của lần về này là vô cùng may mắn và yên tâm, mặc dù hiện tại Sơn chỉ mới được gặp gia đình và người thân qua… điện thoại.

Dù đây là quyết định khá khó khăn, được đưa lên đặt xuống rất nhiều lần nhưng cuối cùng anh chọn phương án trở về vì nghĩ rằng, ít ra nếu không may nhiễm bệnh mình sẽ không bị lạc lõng khi được ở trên chính quê hương mình, nơi mà hơn một tháng nay Chính phủ và người dân đã cùng dốc sức, đồng lòng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Nơi mà anh luôn có một niềm tin mãnh liệt về cách kiểm soát dịch bệnh tốt nhất. Suy nghĩ của Sơn có lẽ cũng là suy nghĩ của rất nhiều người Việt trong và ngoài nước mấy tuần qua.

Tôi đã không ít lần cảm thấy xúc động khi chạm mắt vào những thông tin rất đời thường nhưng thấm đẫm tình người giữa những hoang mang, lo lắng của mọi người. Đó là những chuyến bay đón người Việt ở tâm dịch về nước, đó là những căn phòng cách ly áp lực âm mà nhiều doanh nghiệp và các nghệ sỹ chung tay đóng góp. Đó là thông tin các bác sỹ của bệnh viện Chợ Rẫy luôn trong tinh thần sẵn sàng ra chiến tuyến với 2 chiếc ba lô - một để đi làm hằng ngày và một đựng quần áo, trang thiết bị y tế bên mình khi có lệnh là lên đường. Là thông tin hàng nghìn bác sĩ quân y, sinh viên y khoa trong quân đội đang triển khai kế hoạch đối phó Covid-19; cả bác sĩ đã về hưu, vui vầy bên con cháu vẫn sẵn sàng “ra trận” đón cách ly và tham gia điều trị dịch ở cấp độ cao nhất.

Đó là hình ảnh anh bộ đội ngồi ăn vội hộp cơm nơi chiến tuyến kiểm soát dịch. Hình ảnh của các anh sau những ngày mệt nhoài phục vụ người trong diện cách ly, chỉ kịp chợp mắt, bộ đồ bảo hộ và chiếc khẩu trang vẫn nguyên trên người. Hôm qua, nhiều người ứa nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh đội phun thuốc khử trùng bong rộp da lặng lẽ ngồi tranh thủ ăn trưa, bôi thuốc để chuẩn bị cho công việc buổi chiều ở tỉnh Bình Thuận. Không ai bảo ai, nhưng có lẽ họ đang có chung suy nghĩ, khi tổ quốc cần, họ sẽ xung phong.

Cũng trong ngày hôm qua, hàng trăm người dân và doanh nghiệp đã mang 50 nghìn thùng carton đến ký túc xá đại học quốc gia TPHCM, nơi sẽ thành khu cách ly 20 nghìn giường của thành phố để dọn dẹp đồ đạc của sinh viên, nhường chỗ cho người dân vào cách ly. Không ai bảo ai, sau lời hiệu triệu từ trên mạng, mọi người đã chung tay góp sức.

Cách đó không xa, thấu hiểu nỗi niềm của bà con đang cách ly các bác sĩ ở bệnh viện quận 2 đã nhanh chóng lập “siêu thị 0 đồng” với đầy đủ nhu yếu phẩm để người dân tha hồ “mua sắm”. Những hình ảnh và công việc ấy cảm động làm sao!

Vậy nhưng, vẫn còn đó những “hạt sạn” trong suy nghĩ của không ít người. Câu chuyện của “doanh nhân 34” ở Bình Thuận khai báo không trung thực khi mắc bệnh khiến cho việc cách ly người tiếp xúc gặp khó khăn; hay “ông bầu” Khắc Tiệp “hành hạ” nhân viên y tế đến 3 tiếng thuyết phục mới chịu đi cách ly… là những điển hình xấu xí trong mùa dịch hiện nay. Dù Vũ Khắc Tiệp đã lên tiếng xin lỗi sau những việc làm khi từ vùng dịch Milan của Ý về, dư luận dường như vẫn chưa hạ được nỗi bức xúc trước đó.

Chính số ít những con người ấy, đang làm cho những nỗ lực chống dịch của tất cả có chút gợn buồn nhưng tôi nghĩ đó chỉ là những hạt sạn, những con sâu mà thôi. Có thể thấy, dường như niềm tin vào những nỗ lực của chính phủ với người dẫn vẫn mãi là tuyệt đối trong công cuộc ngăn chặn dịch bệnh đang phức tạp này.

Ngọc Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/khi-to-quoc-can-1627829.tpo