Khi 'tiếng dân' tràn ngập trên nghị trường

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khép lại. Nhiều vấn đề quan trọng, nhiều định hướng lớn đã được Quốc hội xem xét, bàn thảo và thông qua, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng phát triển kinh tế-xã hội. Đây cũng là Kỳ họp đã để lại nhiều dấu ấn và cả những bất ngờ đối với cử tri và báo giới.

Ngày làm việc cuối cùng của Quốc hội cũng là ngày hàng loạt các Luật và Nghị quyết của Kỳ họp được các đại biểu bấm nút thông qua. Và cũng là ngày mà Quốc hội khiến cử tri và nhân dân cùng nhiều phóng viên báo chí thật sự bất ngờ khi quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” của Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã được thông qua với tỷ lệ phiếu cao 77,2%. Trước đó tưởng chừng quy định được xem là xương sống của dự luật này đã bị loại ra khi cách đó 11 ngày, khi biểu quyết về điều khoản này không phương án nào đạt số phiếu quá bán, chỉ có 44,2% đại biểu đồng ý và 43,8% ý kiến không đồng ý đưa quy định vào luật.

Nhưng cuối cùng, dự luật đã được thông qua với 408 đại biểu tán thành trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết.

Có người đã gọi đây là cú “bấm nút” của tiếng dân, và đa số đại biểu Quốc hội vào sáng 14/6, đã quyết nghị theo nguyện vọng của đa số cử tri. Bởi trong suốt nhiều ngày qua, đặc biệt là sau thời điểm có kết quả thăm dò ý kiến đại biểu nhưng không "quá bán" cho một điều luật được cử tri trông đợi, nhiều nhà báo thậm chí đã đặt thẳng câu hỏi với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, rằng "có hay không chuyện các đại biểu được các doanh nghiệp rượu bia lobby?". Vậy là "tiếng dân", trong trường hợp này, đã vang đến phòng họp Diên Hồng và ảnh hưởng đến quyết định của đa số đại biểu khi bấm nút…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trong vòng vây của báo chí khi Bộ Luật lao động (sửa đổi) - Bộ luật được dư luận đặc biệt quan tâm, được đưa ra thảo luận tại Quốc hội - Ảnh: Mạnh Dũng

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trong vòng vây của báo chí khi Bộ Luật lao động (sửa đổi) - Bộ luật được dư luận đặc biệt quan tâm, được đưa ra thảo luận tại Quốc hội - Ảnh: Mạnh Dũng

Đó chỉ là một ví dụ cho thấy, những vấn đề của cuộc sống, những mong ước của cử tri đã tràn vào hội trường Diên Hồng, được phản ánh kịp thời, sinh động trong các phiên họp, kỳ họp Quốc hội. Hàng loạt những vấn đề quốc kế dân sinh, xuất phát từ nhu cầu bức thiết, sát sườn của đời sống đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, từ những vấn đề bức xúc trong cuộc sống như: giá điện, gian lận thi cử, BOT, hay vấn đề lập pháp như: việc Gia nhập Công ước số 98 của ILO, sửa đổi Bộ Luật lao động nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và đáp ứng đòi hỏi thiết trong hội nhập quốc tế, hay Luật phòng chống tác hại của rượu bia nhằm giảm những hậu quả ngày càng trở nên nghiêm trọng do rượu bia mang lại… Có thể thấy, hơi thở của cuộc sống đã tràn khắp phòng họp Diên Hồng.

Nhờ thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong cách thức tổ chức thực hiện, tăng thêm thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều chủ đề, nội dung “nóng” để cử tri và nhân dân theo dõi, Quốc hội đã trở nên gần gũi với dân chúng, không còn là việc riêng của "thiên đình" không còn “góc tối”, “góc khuất” trong hoạt động của Nhà nước, trong công tác của Quốc hội… “Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp được cử tri và Nhân dân quan tâm đánh giá cao. Các nhóm vấn đề được lựa chọn là xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội; các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cử tri. Các đại biểu Quốc hội thể hiện bản lĩnh, chủ kiến rõ ràng, thẳng thắn và quyết liệt nhưng phát biểu trên tinh thần trách nhiệm cao, đầy tính xây dựng. Các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, đưa ra nhiều cam kết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực phụ trách", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét tại phiên bế mạc Kỳ họp

Cũng tại Kỳ họp này, các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đã cân nhắc đến từng phương án và được thông qua với sự đồng thuận cao. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Có thể nói, những đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp và giám sát tối cao là rất đáng ghi nhận và trân trọng. Quốc hội trong nhiều khóa gần đây tích cực thực hiện chức năng lập pháp để cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp thành các quy định của luật trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Về phần mình, Chính phủ cũng rất chủ động trong việc ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Đại biểu Quốc hội - những người đưa tiếng nói và nguyện vọng của cử tri đến với Nghị trường - Ảnh: Mạnh Dũng

Khép lại Kỳ họp, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hẳn sẽ còn nhiều điều cử tri chưa thật sự thỏa mãn, chưa thật an tâm; vẫn còn những nỗi lo về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước mà ngay cả bản thân một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, trăn trở. Tuy nhiên, điều cử tri quan tâm, kỳ vọng hơn là những quyết sách được thông qua tại Kỳ họp này của của Quốc hội sẽ đi vào cuộc sống. Các vị đại biểu Quốc hội sẽ tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và nhân dân. Mỗi thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, các lời hứa của mình và sẽ có những giải pháp mạnh mẽ hơn để khắc phục những “điểm nóng” như tình trạng tham nhũng; vấn đề ô nhiễm môi trường; sai phạm trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tệ nạn ma túy, xâm hại trẻ em…đáp lại sự mong mỏi và kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước...

CHÂU GIANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/khi-tieng-dan-tran-ngap-tren-nghi-truong-d99505.html