Khi tiền mặt không còn là vua

Ở Đức có câu nói khá nổi tiếng: 'Tiền mặt là vua'. Ý chỉ thói quen chuộng tiền mặt của người dân quốc gia châu Âu này.

Dù là thị trường lớn của thương mại điện tử, quốc gia đi đầu về công nghệ nhưng người dân Đức vẫn luôn có thói quen cất giữ lượng lớn tiền mặt trong ví, một điều khác lạ so với nhiều nền kinh tế phát triển khác. Theo nhận định của BBC, đối với nhiều người Đức, sử dụng tiền mặt không chỉ là một sở thích cá nhân mà là một giá trị văn hóa đã gắn liền với họ hàng thế kỷ qua. Trong khi nhiều quốc gia "lục địa già" ban hành chính sách hạn chế giao dịch tiền mặt nhằm chống trốn thuế, rửa tiền và các hành vi phạm pháp khác thì tại quốc gia đầu tàu châu Âu như Đức, người dân lại coi việc sử dụng tiền mặt là một món “đặc sản” thể hiện giá trị riêng của họ.

Ấy thế nhưng Covid-19 đã khiến món “đặc sản” truyền thống này phải “đổi vị” nhanh đến mức khó tin. Chỉ trong một vài tuần ngắn ngủi, đại dịch Covid-19 giăng lưới khắp toàn cầu, tiền mặt từ chỗ là vật bất ly thân với người dân Đức trở thành thứ bị kỳ thị hoặc cấm cửa. Thậm chí, Georg Hauer, Tổng giám đốc khu vực Đức-Áo-Thụy Sĩ của N26, một doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) ngân hàng trực tuyến có trụ sở tại Berlin, đã phải bật thốt lên rằng: “Covid-19 đã thay đổi hành vi thanh toán của người Đức nhanh hơn bất kỳ một công nghệ hiện đại nào từng làm được”.

Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi sáng kiến hệ thống thanh toán Đức cũng chỉ ra rằng, có tới 57% người Đức sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng và gần một nửa người Đức đã giảm đáng kể việc sử dụng tiền mặt. Con số này cao hơn nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Với thực tế phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay, có lẽ tương lai tiền mặt lấy lại “ngai vàng” trong đời sống tiêu dùng của người dân Đức sẽ vẫn còn xa.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/khi-tien-mat-khong-con-la-vua-618707