Khi 'thượng đế' được chiều… hết nấc

Có những nhà văn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Viết thơ, viết văn vì nhu cầu của chính mình, ít quan tâm nhu cầu của độc giả. Trái lại, ở mảng giải trí, nghệ sỹ lại rất tích cực chiều 'thượng đế', đôi khi khiến sản phẩm đang 'hot' bỗng trở nên giảm đi 'một nửa yêu thương'.

“Chị trợ lý của anh” có hai cái kết

“Chị trợ lý của anh” có hai cái kết

Từ “phim truyền hình quốc dân”

Phim truyền hình Việt dần lấy lại “thanh thế” của mình, trước những “đối thủ” hàng xóm như Trung Quốc, Hàn Quốc. Những phim ăn khách là những phim đi vào chủ đề bình dị: Mối quan hệ trong gia đình. Bộ phim “Về nhà đi con” “sốt” đến mức được ví như “tác phẩm quốc dân”. Một phụ nữ trung niên đã rất lâu không xem phim truyền hinh Việt, lần này đã xem “Về nhà đi con”. Bởi vì chị hay lướt facebook, thấy ai cũng viết: “Thanh xuân như một chén trà…” nên tò mò vào youtube coi thử. Chị rất sung sướng khi xem trên youtube không phải khổ sở vì quảng cáo xen vào như những khán giả “hóng” từng tập trên ti-vi. Sau khi xem xong “Về nhà đi con”, người phụ nữ trung niên đưa ra nhận xét: “Phim được. Nhưng những tập cuối lê thê quá. Nhạt. Kết thúc không bất ngờ”. Không ít “thượng đế” có ý kiến như chị: “Tập cuối quá nhạt nhẽo”; “Cả một bộ phim hay nhưng cái kết làm mất đi một nửa yêu thương”…

Khán giả cuồng nhiệt, hình như phim được kéo dài ra? Đó cũng là một cách chiều “thượng đế”. Song chiều nhau kiểu này lại khiến người được chiều than: “Mệt cả người”. Tất nhiên, khi “Về nhà đi con” kết thúc, nhiều “thượng đế” vẫn tiếc nuối. Bởi chia tay với một “món ăn tinh thần” quen thuộc, dù còn “sạn”, hụt hẫng là điều khó tránh. Song nếu quá quyến luyến với “Về nhà đi con” thì khán giả vẫn có thể vui vẻ tiếp với phần ngoại truyện.

“Về nhà đi con” càng kéo dài càng đuối

Nếu phim truyền hình Việt cứ ăn khách như “Về nhà đi con” rất có khả năng rồi đây sẽ có một bộ phim dài tập cỡ “Cô dâu tám tuổi” của Ấn Độ, phục vụ khán giả nhà. Nhưng một bộ phim với hơn 2.000 tập, kéo dài sau 8 năm lên sóng, không chỉ là một thách thức sáng tạo với những người làm phim mà còn là thử thách thật sự với người xem. Khi “Cô dâu tám tuổi” được phát sóng ở ta, lãnh đạo đơn vị phát hành phim tại Việt Nam đã nói: “Chừng nào khán giả còn yêu thích phim “Cô dâu tám tuổi” thì Today TV vẫn sẽ tiếp tục phát sóng. Độ dài ngắn của bộ phim không do nhà đài quyết định mà chính khán giả là người quyết định”. Rõ ràng, “thượng đế” đang được chiều chuộng “hết nấc”. Nhưng vừa chiều chuộng, vừa bị “hành” quá độ. Phim nào được yêu thích như phim quốc dân vừa qua, lập tức quảng cáo bị chèn đến mức khiến “thượng đế” bị ám ảnh, đã chế “Về nhà đi con” thành “Về nhà xem quảng cáo”.

Tới phim của “Chị Đại”

“Chị trợ lý của anh” có lẽ là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt được công chiếu đến 2 lần. Lý do được Mỹ Tâm, người giữ 4 vai trò trong phim, sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên nữ chính, chia sẻ: “Tình cảm của người hâm mộ chính là nguồn động lực để Tâm cùng ê-kip thực hiện thêm nhiều điều đặc biệt và bất ngờ. Đây cũng như lời cảm ơn chân thành mà Tâm muốn dành cho những người luôn đồng hành và theo dõi mình cũng như bộ phim trong suốt thời gian qua”. Vậy là, “Chị trợ lý của anh” có đến 2 kết thúc phim, khán giả nếu không thích cách kết thúc phim kiểu Hàn Quốc, nhân vật nữ chính mắc trọng bệnh ra đi, để lại người mình yêu bơ vơ, bước tiếp trong cuộc đời thì có thể tìm đến một phiên bản khác. Làm “thượng đế” thời bây giờ không cần phát huy tưởng tượng, vì những người làm phim luôn bày “buffet” tùy khán giả lựa. Song “thượng đế” được đãi rôm rả thành ra quá tải. Có lẽ, lần công chiếu thứ 2 của “Chị trợ lý của anh” khó hút khán giả như lần công chiếu đầu, dù fan hâm mộ của “chị Đại” Mỹ Tâm thuộc hàng “khủng”.

Còn chút gì tiếc nuối

Trong văn chương hiện nay, không xuất hiện nhiều những tác phẩm đồ sộ về hình thức. Những người viết tiểu thuyết cũng có xu hướng viết với dung lượng vừa phải. Tác phẩm có sức sống hay không, không lệ thuộc độ ngắn, dài. Ngay trong văn học Việt, có những cuốn tiểu thuyết kết thúc một cách bi kịch, khiến độc giả đầy tiếc nuối, song nhà văn không chiều theo độc giả để sáng tác thêm. Có người đặt câu hỏi: Phải chăng vì nhuận bút từ xuất bản sách của nhà văn hiện nay vẫn quá “bèo” so với công sức bỏ ra, nên họ không mặn mà với việc chiều theo thị hiếu khán giả?

Còn ở lĩnh vực phim ảnh thì khác. Một diễn viên trở thành ngôi sao trong một bộ phim truyền hình ăn khách, lập tức cô ấy/anh ấy đứng trước nhiều cơ hội để “cải thiện cuộc sống”. Diễn viên không ngại khi bộ phim đình đám mà mình tham gia được kéo dài. Và đạo diễn, nhà sản xuất cũng vậy… Ai cũng nói để đáp lại sự nồng nhiệt của khán giả nhưng thực chất, họ kéo dài phim hoặc làm phiên bản mới cũng là vì lợi ích của chính mình. Song “thượng đế” nắng, mưa thất thường. Họ thích cuồng nhiệt vậy song khi đã chán thì cũng… nhiệt tình. Bao nhiêu lâu, phim truyền hình ở ta mới kéo được khán giả trở lại. Cứ kéo dài lê thê khiến khán giả “hết muốn xem”, chèn quảng cáo quyết liệt, chẳng mấy chốc khán giả lại tự ái quay đi, tìm đến những “món ăn tinh thần” khác.

Đào Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/khi-thuong-de-duoc-chieu-het-nac-1453783.tpo