Khi Thủ tướng ăn cơm công nhân

Sự gần gũi của người đứng đầu Chính phủ đã tiếp sức thêm niềm tin cho CNLĐ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm nhà trẻ dành cho con công nhân Cty Taekwang Vina (Đồng Nai). Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Ngày 28.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra việc thực hiện chính sách với công nhân lao động tại Đồng Nai và gặp gỡ, đối thoại cùng người lao động. Cùng đi với Thủ tướng có lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai.

Đi kiểm tra cụ thể nơi ăn, chốn ở của công nhân, thăm nhà trẻ, nơi khám bệnh..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ngồi dùng bữa cơm tối tại bếp ăn tập thể với công nhân, lắng nghe những câu chuyện rất riêng tư, những ước vọng đời thường của người lao động.

Sự khích lệ là đòn bẩy

Cả Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, quan khách, lẫn những cán bộ công đoàn đều bất ngờ, xúc động khi gặp lại Nguyễn Gia Thái - công nhân Cty cổ phần Taekwang Vina, KCN Biên Hòa, Đồng Nai. Bất ngờ là bởi trong cuộc gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tiếp với công nhân lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dịp 30.4 của Thủ tướng Chính phủ năm 2016, Gia Thái đã xuất hiện với ấn tượng... buồn, nhưng bây giờ anh đã hoàn toàn là một người khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà bếp Cty Taekwang Vina và ăn cơm cùng công nhân. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Tôi nhớ rất rõ, năm 2016, khi đến với cuộc gặp gỡ Thủ tướng, Thái không giấu được nỗi thất vọng, buồn thảm. Bởi lúc đó, Thái cho biết anh vừa bị mất trộm chiếc xe gắn máy vừa là phương tiện đi làm, vừa là gia tài tích cóp nhiều năm của một công nhân xa quê, thu nhập thấp như anh. Thậm chí, Thái còn có ý định bỏ việc để trở về quê Hà Tĩnh.

Lúc đó, ngoài món quà chuẩn bị trước cho các công nhân lao động xuất sắc, Thủ tướng đã dành tặng riêng cho Thái một chiếc xe máy mới, mong để động viên anh.

Món quà tuy nhỏ ấy, nhưng không ngờ lại là niềm khích lệ để Thái vươn lên học tập, làm việc giỏi, để rồi hôm nay, Thái xuất hiện trong vị trí thủ lĩnh thanh niên của một doanh nghiệp có đến 33.000 công nhân. Thái còn được Cty tin tưởng, giao phụ trách lĩnh vực phát triển bền vững của DN, được tham gia cấp ủy Đảng, tổ chức công đoàn...

Như lời của ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN: “Nếu có một đòn bẩy, chúng ta có thể bẩy được trái đất”. Đòn bẩy của anh công nhân Nguyễn Gia Thái đó là niềm tin. Chính vì niềm tin đã giúp cho anh vượt qua hoàn cảnh chán nản vì thu nhập thấp, vì xui rủi mất xe máy để hôm nay trở thành thủ lĩnh của lớp trẻ ở Cty Taekwang Vina, và được lãnh đạo Cty tin tưởng.

Đó cũng là những niềm tin yêu, niềm khích lệ chung của rất nhiều công nhân lao động sau những lần gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong 2 lần vừa qua”.

Cũng ông Trần Thanh Hải cho biết, năm 2016, khi mới nhậm chức, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tiếp với công nhân lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dịp 30.4. Và tiếp tục chương trình gặp gỡ, đối thoại tương tự với 2.000 công nhân lao động miền Trung vào cuối tháng 4.2017, tại Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian để lắng nhe tâm tư nguyện vọng, những tâm huyết của những người CN trực tiếp lao động, những kiến nghị đề xuất của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế, vì mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho DN làm ăn phát đạt, kinh tế nước nhà đi lên và đời sống, thu nhập của người lao động được cải thiện.

Tuy vậy, không phải “đến hẹn là lên”, đợi một năm Thủ tướng mới có một lần gặp gỡ, đối thoại với CN, mà việc Thủ tướng có mặt tại Đồng Nai, đi kiểm tra cụ thể nơi ăn, chốn ở của CN, thăm nhà trẻ, nơi khám bệnh CN tại KCN này đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với công nhân, người lao động, khẳng định sự đồng hành thường trực của Chính phủ với giai cấp CN. Đây là sự cổ vũ, động viên lớn lao đối với công nhân lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải kiểm tra bữa ăn ca CN tại Cty Taekwang Vina ngày 28.10.2017. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Ăn cơm công nhân để làm chính sách

Biên Hòa (Đồng Nai) trở thành đô thị loại 1, với quy mô dân số xấp xỉ 1 triệu người. Tuy nhiên, có hơn phân nửa số dân đó là công nhân, làm việc tại 35 khu công nghiệp, chế xuất. Biên Hòa trở thành vệ tinh quan trọng của TPHCM, là “công xưởng” sản xuất khổng lồ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng chính đặc thù như vậy cũng khiến cho đô thị này phải đối mặt với nhiều khó khăn về môi trường, cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là các vấn đề an sinh xã hội cho người dân, trong đó phần đông là công nhân thu nhập thấp.

Trong cuộc gặp gỡ, giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành gần 2 giờ đồng hồ để trao đổi với công nhân. Những câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ đặt ra rất đời thường, cụ thể về nơi ăn, chốn ở, thu nhập hằng tháng. Thủ tướng hỏi về điều kiện nhà ở, sinh hoạt, thậm chí quan tâm về không gian văn hóa riêng của công nhân, môi trường để giao lưu với bạn bè, tìm người yêu, lập gia đình... Có lẽ chính những chia sẻ chân tình đó nên nhiều công nhân đã tranh thủ giãi bày tường tận gia cảnh của mình.

Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, cả hai vợ chồng đều là công nhân, thu nhập một tháng chỉ chừng 5-6 triệu đồng mỗi người, rồi phải nuôi con nhỏ nên rất khó tiết kiệm. Chính phủ có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhưng với giá bán từ 400 đến 600 triệu đồng 1 căn hộ chung cư vẫn là ước mơ quá xa vời với những công nhân như Thảo.

“Vợ chồng con ky cóp mấy năm cũng chỉ được gần 200 triệu đồng. Mua nhà ở từ chính sách của Chính phủ thì không đủ, trong khi đó nhiều khu vực tại Biên Hòa, người dân tự xẻ đất, phân lô, bán nền với giá 100 đến 150 triệu đồng. Công nhân chúng con có thể mua để làm nhà, nhưng rất lo lắng, không biết có hợp pháp, có đúng quy hoạch và được xây nhà ở ổn định hay không.

Suốt ngày bận với công việc, không hiểu biết kỹ về pháp luật... Rất nhiều gia đình công nhân trẻ như con ở Đồng Nai có chung băn khoăn như vậy. Con mong Chính phủ có những chính sách cụ thể để giúp công nhân chúng con?”.

Hai vợ chồng công nhân Nguyễn Ngọc Tuấn Minh, vợ Nguyễn Thị Phượng đều là người khuyết tật, tranh thủ được một “suất” ý kiến trực tiếp với Thủ tướng. Tuy nhiên, anh lại dành sự may mắn đó kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ nên xây dựng chính sách tạo nhiều điều kiện, cơ hội học tập, tìm việc làm cho người khuyết tật. Minh nói, vợ chồng chúng con may mắn có được công việc ổn định tại Cty Taekwang Vina, được lãnh đạo Cty, anh chị em công nhân thương yêu và đùm bọc.

Nhưng phải mất nhiều năm lê la trong nước mắt, đến cả chục doanh nghiệp mới chạm tới cơ hội này. Rất nhiều doanh nghiệp ngay tại Đồng Nai này cũng thương cảm khi thấy người khuyết tật đến xin việc, nhưng rồi họ cũng từ chối vì không đủ điều kiện tạo việc làm cho chúng con.

Công nhân Võ Thị Thúy Hòe, một cán bộ công đoàn tỏ vẻ e ngại, nói với tôi: “Anh chị em công nhân kể lể nhiều quá những câu chuyện vụn vặt đời tư, nhưng thực tế chúng em chỉ quan tâm loanh quanh đến chuyện cơm áo gạo tiền, mong có thu nhập cao để mua được đất, xây được nhà. Có đòi hỏi gì chăng nữa thì cũng chỉ mong có được thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt là đủ. Với sự quan tâm chi li của Thủ tướng như vậy, em mong rằng những chính sách của Chính phủ sẽ thực tiễn hơn, sẽ giải quyết được những chuyện rất nhỏ này cho công nhân lao động”.

Nhiều công nhân cũng tỏ ra lo lắng trước cơn lốc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên thế giới và đã đến Việt Nam. Họ băn khoăn vì nguy cơ bị mất công ăn việc làm, vì công nghệ, máy móc ngày càng hiện đại lên trong khi công nhân thì không có thời gian, không đủ tiền bạc để tự học thêm, nâng cao trình độ tay nghề để đáp ứng. Nhiều người mới trung niên đã toan lo nguy cơ bị doanh nghiệp sa thải. Họ đòi hỏi người làm chính sách phải bảo vệ được những quyền lợi sát thực đó, để mỗi ngày đến công xưởng không còn phải thấp thỏm với nỗi lo thực phẩm bẩn, lo mất việc sớm, lo chỗ ở tạm bợ, nhà trẻ thiếu thốn...

Không chỉ lắng nghe chi tiết những lo lắng thường nhật của công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến bếp ăn tập thể của Cty Taekwang Vina, xếp hàng đi lấy khẩu phần, rồi ngồi cùng bàn và ăn bát cơm công nhân. Có thể những chính sách vĩ mô của Chính phủ và điều kiện kinh tế xã hội ở đất nước này sẽ chưa thể giải quyết ngay được những thiệt thòi, thiếu hụt của công nhân, nhưng sự chân tình của Thủ tướng hôm nay sẽ động viên được rất nhiều những người lao động có thu nhập thấp.

Khi Thủ tướng đến tận chợ, thăm từng nhà trẻ, trạm xá, bưng bát cơm công nhân để ngồi nghe chuyện cơm áo hằng ngày của họ, thì dù ông nói ít và không hứa những điều to tát, nhưng họ sẽ nuôi hy vọng vì đã tận thấy sự quan tâm tường tận của người đứng đầu Chính phủ đối với công nhân trong liên tiếp 2 năm qua.

PHÓNG SỰ CỦA THANH HẢI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/khi-thu-tuong-an-com-cong-nhan-572905.ldo