Khí thiêng Bạch Hạc

Từ xửa xưa, Bạch Hạc thuộc đất Phong Châu - nơi trấn giữ phía Đông của kinh đô nước Văn Lang thời Hùng Vương.

Bạch Hạc còn sót lại nhiều di tích cổ xưa liên quan đến thời Hùng Vương.

Bạch Hạc còn sót lại nhiều di tích cổ xưa liên quan đến thời Hùng Vương.

Và chính khí thiêng thời xa xưa ấy đã hun đúc một Bạch Hạc tụ đủ nhân – thủy - khí, mà mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi đình đền miếu mạo vẫn in dấu thời rực rỡ Văn Lang.

“Ngã ba trời đất”

Sau nhiều lần hợp tách, Bạch Hạc nay là một phường của TP Việt Trì (Phú Thọ). Có thể nói, địa danh này là một trong những dấu tích rõ nhất của đất Tổ còn sót lại những hiện vật lẫn phong tục cổ xưa về một thành Phong Châu thuở dựng nước.

Tuy nhiên, đặc sắc nhất của phên dậu kinh đô lại chính là ngã ba sông Bạch Hạc - điểm hợp lưu của ba dòng sông Lô, Đà, Thao. Tương truyền, nơi ngã ba sông chính là nơi tụ khí thiêng của trời đất bốn biển nên từ xa xưa gắn truyền với tích “nước thăng quan”.

Vài năm về trước, chúng tôi có dịp cùng một số nhà khảo cổ đi thực tế để tìm vị trí ngã ba sông. Tại đền Tam Giang thấy tục lấy “nước thăng quan” không những vẫn tồn tại mà còn rất thịnh hành. Những can, chai đựng nước từ sông Bạch Hạc đặt trên ban thờ của đền phát cho khách vẫn rất đủ đầy.

Tuy nhiên, một số người địa phương am hiểu nói rằng, nước đó đúng là nước sông Bạch Hạc nhưng không phải là nước ở “ngã ba trời đất”. Trong khi tục lấy “nước thăng quan” phải là từ tâm, dụng công xin nước cách ngôi đền hơn trăm mét chỗ nước cuộn xoáy.

Chỗ doi đất bây giờ, nơi người ta đồn là ngã ba sông lại là một dấu tích rất mới từ khi ngăn đập Sơn La. Thế nên khí thiêng lại ở một nơi xa hơn, mà lạ có đến ba màu nước với ba vị ngọt – lợ - mặn khác nhau xoáy về một điểm.

Ngã ba thiêng khí này đã nghìn đời vào câu đối trên ban thờ Cơ Miếu Hùng Vương bằng Hán ngữ mà người sau lược dịch: Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ/Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quanh quất hướng chầu vua.

Có tích nói rằng, chính nước ở ngã ba Bạch Hạc được hoàng tử Lang Liêu dùng để ngâm gạo làm bánh chưng. Cũng chính chỗ ấy, nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ “chia con”, 50 lên rừng, 50 xuống biển mà tạo thành dân Việt.

Trước đây khi còn sống, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương từng kể rằng tục lấy nước ở ngã ba Hạc rất đa dạng. Nhưng chủ yếu chỉ là lấy nước ở nơi linh khí thủy tụ về rửa xương cho tổ tiên khi sang cát cất mộ, hoặc lấy ít cát nơi đáy sông về để xây mồ mả.

Tục truyền nước ngã ba Bạch Hạc rất thơm. Nước ngũ vị hương để rửa xương cho tiền nhân cũng thua xa dòng nước này. Vả lại, được nước thủy tụ linh khí vào xương thì đời đời yên ổn, con cháu phát đạt an gia. Nhưng được thế, phải có cái tâm, cái đức khi đến nơi này.

Các nho sĩ thời xưa đến đây lấy nước đều rũ bỏ hết những muộn phiền, âu lo. Họ bình thản hòa mình cùng trời đất để xin nước rửa bút, chứ tịnh không hề có ý xin nước cầu may, phát quan phát tài như nhiều người thời nay đến Bạch Hạc.

Tục lấy nước ở ngã ba Bạch Hạc vẫn rất thịnh hành.

Dấu xưa sót lại

Theo những biên chép còn lại của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương: Vùng Bạch Hạc gắn với những truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương dựng nước và lịch sử chống giặc ngoại xâm sau này. Vùng đất này đã và đang lưu giữ nhiều tục hèm - những bí mật trong các nghi thức tế lễ cổ xưa. Tục lấy nước, đền Tam Giang, chùa Đại Bi, dấu chân khổng lồ… đều là những thông điệp người xưa truyền lại để hậu thế hướng về đất Tổ.

Ở ngã ba Bạch Hạc này, một ngôi đền nổi tiếng không kém “nước thăng quan” là đền Tam Giang. Ngôi đền cổ 1.300 năm tuổi là điểm đến quen thuộc của khách thập phương khi hành hương về đất Tổ.

Theo sử sách, đền Tam Giang sơ khởi là một đạo quán được gọi là quán Thông Thánh và xuất hiện từ năm Vĩnh Huy (650 - 655). Sau được đổi thành đền và được tu sửa nhiều lần để thờ Bạch Hạc Đại Vương, một nhân vật thuộc thời đại Hùng Vương.

Đền cũng thờ Chiêu Văn vương tả thánh Thái sư Trần Nhật Duật - danh tướng thời nhà Trần. Tương truyền, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, là em vua Trần Thánh Tông được giao nhiệm vụ trấn thủ thành Bạch Hạc đã lấy bãi sông này làm nơi luyện thủy quân, đóng chiến thuyền.

Sau hơn 30 năm xây dựng và trấn giữ tuyến phòng thủ Tam Giang Bạch Hạc, Trần Nhật Duật đã lập nhiều chiến công hiển hách, khiến chúa đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật phải hàng phục bằng ngoại giao hòa bình.

Tại Bạch Hạc, năm 1285 Trần Nhật Duật đã cùng Hứa Tông Đạo (một môn khách của nhà Tống) tổ chức hội thề “diệt giặc Thát báo đền nợ nước”, lãnh đạo quân dân ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông.

Quanh ngã ba Bạch Hạc, những dấu tích cổ xưa cứ như cố ý lưu đọng lại để hậu thế biết đến một thời xửa xưa mà không có sử sách nào có thể biên chép hết được. Dấu chân người khổng lồ, loài cá tiến vua tên Anh Vũ, cho đến những ngọn cỏ không có tên gọi cứ ẩn hiện, lấp ló đâu đó dưới lớp trầm tích thời gian.

Hàng năm, vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, khách thập phương sau khi hành lễ dự hội ở Đền Hùng thì bao giờ cũng ghé qua ngã ba Bạch Hạc. Một vùng non nước thơ mộng hòa cùng khí thiêng trời đất như càng làm cho mỗi người được gột rửa hết lo âu phiền muộn.

Ngồi bên “ngã ba trời đất” ngắm dòng chảy của ba màu nước đang vần vũ, nghĩ về quá khứ cha ông thời kinh đô Văn Lang mà yêu thêm mảnh đất nước Việt, yêu thêm dòng dõi con Lạc cháu Hồng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khi-thieng-bach-hac-UQzvTuuGg.html