Khi thê thiếp âm mưu 'xóa bỏ' một hoàng đế tàn bạo nhất Trung Hoa

Nhâm Dần cung biến là một vụ ám sát hoàng đế Gia Tĩnh, người đã cai trị nhà Minh của Trung Quốc thế kỷ 16. Các phi tần và cung nữ ra tay ám sát đã gần như thành công, cho đến phút cuối, hoàng đế đã được giải cứu.

Tham vọng của hoàng đế

Trong lịch sử Trung Quốc, các vụ ám sát hoàng đế không phải điều hiếm hoi. Tuy nhiên, vụ ám sát hoàng đế Gia Tĩnh cũng có nhiều điểm đáng chú ý.

Năm 1521, Chu Hậu Thông kế vị người anh em họ của mình, hoàng đế Minh Vũ Tông, trở thành vị hoàng đế thứ 12 của triều đại nhà Minh. Chu Hậu Thông lấy niên hiệu là Gia Tĩnh, có nghĩa là "sự tĩnh lặng đáng ngưỡng mộ", tuy nhiên, vị hoàng đế này không hề “yên tĩnh” như tên của mình.

Đầu triều đại của mình, hoàng đế Gia Tĩnh được xem là một nhà vua nghiêm khắc và đầy tham vọng. Ông chấp nhận xung đột với triều đình của chính mình để ban cho cha mẹ (những người vốn dĩ không thuộc hoàng tộc) nghi lễ và tước hiệu phù hợp với dòng dõi hoàng gia.

Chân dung vua Gia Tĩnh. Ảnh: Ancient Origins

Mặc dù hành động này đã chứng minh được ý chí mạnh mẽ, cũng như thể hiện đức hạnh hiếu thảo của hoàng đế nhưng đã khiến ông gặp nhiều trở ngại về sau. Cuối năm 1521, triều đình cuối cùng đã chấp nhận yêu cầu của hoàng đế. Tuy nhiên, trận hỏa hoạn vào tháng 2/1522 tạo điều kiện cho triều đình buộc vua Gia Tĩnh hoãn các nghi lễ của gia đình ông.

Cuối cùng, vua Gia Tĩnh đã khôi phục lại vị thế hoàng gia của gia đình mình vào năm 1524, khiến hàng trăm đại thần phản đối quyết định của ông. Gia Tĩnh đã nhốt nhiều người phản đối, nhiều người được cho là đã bị đánh đến chết. Nhiều người khác đã bị cách chức.

Hành động của vua Gia Tĩnh đối với những người phản đối ông có thể xem là tương đối nhẹ nhàng so với những hành động của một số vị hoàng đế Trung Quốc khác, tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu và vua Gia Tĩnh luôn được nhắc tới như một vị hoàng đế tàn bạo.

Vua Gia Tĩnh luôn sùng bái Đạo giáo, đặc biệt bị cuốn hút bởi thuật giả kim với mong muốn có được một loại thuốc trường sinh bất tử. Khao khát của hoàng đế cho thấy bộ mặt tàn nhẫn của vị vua này. Nhiều người cho rằng cuộc tìm kiếm thứ thuốc trường sinh bất tử đó đã dấy lên kế hoạch Nhâm Dần cung biến.

Vua Gia Tĩnh trên thuyền rồng. Ảnh: Ancient Origins

Nhâm Dần cung biến

Nhâm Dần cung biến diễn ra năm 1542, liên quan đến 16 cung nữ cố gắng lập mưu ám sát hoàng đế Gia Tĩnh. Theo một số nguồn tin, để điều chế thuốc bất tử, hoàng đế đã thu thập kinh nguyệt của các cung nữ trẻ tuổi và sử dụng chúng để tạo ra một chất được gọi là “chì đỏ”.

Nhiều cô gái tuổi từ 13-14 được giữ lại cung phục vụ cho việc pha chế thứ thuốc độc ác này. Họ chỉ được ăn lá dâu và uống nước mưa bởi hoàng đế tin rằng điều này sẽ giữ nguyên chất trong sạch. Các thiếu nữ bị đánh đập và bỏ đói và nếu bị ốm, họ sẽ bị đuổi khỏi cung. Thê thiếp của hoàng cũng bị đánh đập dữ dội để phục vụ. Không có gì ngạc nhiên khi những người phụ nữ lại cùng nhau lập mưu ám sát vị vua tàn bạo này.

Thê thiếp của hoàng đế. Ảnh: The Ukelele Blog

16 cung nữ đã hành động vào một đêm mà hoàng đế ngự tại phòng người vợ được ông sủng ái nhất, Tào Đoàn Phi. Sau khi Tào Đoàn Phi cùng các cung nữ rời cung, hoàng đế ở lại một mình, tạo cơ hội cho các cung nữ thực hiện kế hoạch.

Một số cung nữ khống chế hoàng đế, một phi tần cố gắng siết cổ vua bằng dải ruy băng từ tóc cô. Do lo sợ, nàng ta buộc dây thòng lọng không thít. Nhờ vậy, vua Gia Tĩnh có cơ hội thở được và liên tục ra sức chống đỡ. Đúng lúc này, Phương hoàng hậu cùng với các thái giám và thị nữ xuất hiện, giải cứu hoàng đế và bắt giam hung thủ.

Chân dung một phi tần Trung Quốc. Ảnh: Ancient Origins

Kẻ ra đi trong đau đớn, người ở lại không yên

Một trong những kẻ tham gia vụ ám sát vừa hoảng sợ, vừa kể lại diễn biến sự việc cho Phương hoàng hậu. Vua Gia Tĩnh bất tỉnh cho đến chiều hôm sau, hoàng hậu Phương đã tự tay xử lí toàn bộ vụ ám sát. Các cung nữ tham gia ám sát vua đều bị “lăng trì”, hay còn gọi là “tùng xẻo”, hình phạt đau đớn nhất thời bấy giờ.

Gia đình các cung nữ này cũng bị xử tử. Tào Đoàn Phi cũng không tránh khỏi tội chết mặc dù không dính líu đến âm mưu này. Tuy nhiên, vụ án xảy ra trong cung của Tào phi, do đó Phương Hoàng hậu có đủ lí do để loại bỏ một đối thủ đáng gờm trong cung.

Phương Hoàng hậu. Ảnh: Ancient Origins

Sau vụ ám sát, hoàng đế Gia Tĩnh đã rút về phía tây Tử Cấm Thành, sống tách biệt và ngừng cai trị triều đình trong 20 năm tiếp theo. Trong suốt thời kì trị vì, vua Gia Tĩnh đã mang đến một khoảng thời gian thái bình cho nhà Minh. Sau này, sự suy đồi và bỏ bê chính sự khiến đất nước rơi vào tình trạng suy thoái.

Hoàng đế Gia Tĩnh mất năm 1567 khi mới 59 tuổi. Người ta suy đoán rằng ông đã trúng độc thủy ngân chứa trong thứ thuốc trường sinh bất tử mà ông đã ăn trong suốt cuộc đời mình.

Hồng Nguyễn (Theo Ancient Origins)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/khi-the-thiep-am-muu-xoa-bo-mot-hoang-de-tan-bao-nhat-trung-hoa-a221778.html