Khi thấy triệu chứng bụng chướng, đau quặn cần cảnh giác với căn bệnh ở đường tiết niệu có thể gây nguy hiểm này

Khi xuất hiện tình trạng khó chịu vùng bụng dưới, bụng chướng to, đau nửa đầu nhiều đó dấu hiệu bệnh sỏi niệu quản. Tuy nhiên, nếu được phát hiện kịp thời bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn

Cảnh giác tình trạng khó chịu vùng bụng dưới

Mới đây Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Hà Nội đã tiến hành phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân nam tên là L. sinh năm 1974 (Tân Minh, Sóc Sơn).

Anh L vào viện trong tình trạng khó chịu vùng bụng dưới, bụng chướng to, đau nửa đầu nhiều. Sau khi được làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: Siêu âm ổ bụng, chụp X quang ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính bụng - tiểu khung thường quy 1-32 dãy, bác sĩ chẩn đoán anh L bị sỏi niệu quản 2 bên KT 1,5cm; bờ gai góc, gây tắc niệu quản 2 bên hoàn toàn, đài bể thận giãn. Anh L được chỉ định tiến hành phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản.

Theo các bác sĩ ngoại khoa Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, sỏi niệu quản là căn bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh về sỏi tiết niệu và cũng khó điều trị nhất. Nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì hoàn toàn có thể chữa sỏi tận gốc.

Việc chẩn đoán hình ảnh chụp cắt lớp vi tính bụng - tiểu khung có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh sỏi tiết niệu, giúp bác sĩ biết được chính xác: Vị trí sỏi, đặc điểm sỏi, tổn thương do sỏi gây ra,… từ đó có phương pháp điều trị chính xác, kịp thời.

Hiện nay, tại bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đã tiến hành chẩn đoán và điều trị nhiều trường hợp bệnh sỏi đường tiết niệu theo Nội khoa và Ngoại khoa. Đối với Ngoại khoa, phương pháp phẫu thuật được sử dụng chủ yếu là phẫu thuật nội soi tán sỏi. Trước khi tiến hành phương pháp điều trị cho người bệnh, bác sĩ cần nắm rõ tình trạng bệnh: Vị trí sỏi, đặc điểm sỏi, biến chứng của sỏi,… Với kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính hiện có tại Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, các bác sĩ dễ dàng nắm bắt được tình trạng bệnh của người bệnh để có phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Bệnh nhân L đang phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật

Bệnh nhân L đang phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật

Hạn chế các yếu tố nguy cơ gây nên sỏi

Theo bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, sỏi niệu quản giống như hầu hết các loại sỏi khác, đau là dấu hiệu, triệu chứng nổi bật nhất của bệnh sỏi niệu quản. Người bệnh thường xuyên phải chịu những cơn đau quặn thận, đau nhiều hơn khi sỏi di chuyển. Trong cơn đau quặn thận do sỏi niệu quản gây ra, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, bụng chướng, bí trung đại tiện, tiểu buốt, tiểu rắt, ngoài đau người bệnh có thể bị sốt, rét run, buồn nôn và nôn...

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn khuyến cáo nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ gây nên sỏi bệnh nhân uống nước nhiều để lượng nước tiểu được bài tiết mỗi ngày ít nhất phải được 1,5 lít. Nếu thực hiện được như vậy, nước tiểu luôn luôn ở dưới giai đoạn bão hòa tránh nguy cơ hình thành sỏi.

Từ đầu năm 2017, bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đã trang bị máy chụp cắt lớp vi tính 1-32 dãy, hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Máy có phạm vi ứng dụng rộng rãi: đáp ứng được tất cả các nhu cầu chụp cắt lớp vi tính cơ bản và phức tạp, cho phép các bác sĩ nhìn rõ các bộ phận (xương, mạch máu, phần mềm của cơ thể ), qua đó có thể tìm ra các dấu hiệu của bệnh lý ung thư, chấn thương, nhiễm trùng của cơ quan cần thăm khám.

Phúc Linh

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/khi-thay-trieu-chung-bung-chuong-dau-quan-can-canh-giac-voi-can-benh-o-duong-tiet-nieu-co-the-gay-nguy-hiem-nay-20181218110304535.htm