Khi thành phố đổi thay

Quy luật của tạo hóa không có thứ gì trên đời là vĩnh cửu. Một đất nước, một thành phố, cho đến con người đều phải thay đổi qua năm tháng. Hà Nội có hơn 1.000 năm tuổi cũng là có ngần ấy đổi thay. Khi ào ạt như vũ bão, cũng có lúc trầm lắng, thư thái, nhưng tựu trung nó vẫn thay đổi hàng ngày.

Người Hà Nội từ 60 tuổi trở lên đều chứng kiến một thời kì thay đổi thần tốc của thành phố. Từ một thành phố êm đềm, tĩnh lặng với 15 vạn dân (1954) nay đã trở nên ồn ào náo nhiệt với hơn 10 triệu người. Từ một thành phố xơ xác sau chiến tranh nay đã có bộ mặt khang trang, sầm uất.

Thủ đô Hà Nội thay da đổi thịt, ngày càng khang trang, hiện đại hơn

Thủ đô Hà Nội thay da đổi thịt, ngày càng khang trang, hiện đại hơn

1. Những năm mới giải phóng, dân phố chia nhau sống trong những căn nhà chật chội do Nhà nước phân phối. Thường thì một số nhà có đến dăm bảy hộ gia đình chung sống. Dĩ nhiên, khi người ta xây dựng, ngôi nhà ấy có công năng chỉ dành cho 1 gia đình. Và như vậy, công trình phụ thường chỉ có một, một nhà tắm, một nhà vệ sinh, một đồng hồ đo điện, một vòi nước dùng chung cho ngần ấy con người. Mỗi gia đình thường chỉ có một phòng ở. Quần áo phơi ngoài sân chung. Quần đùi, may ô của cánh đàn ông thường được các bà, các cô thêu một chữ cái tên của chủ nhân. Lúc ấy mậu dịch bán ra những chiếc quần đùi, áo may ô giống hệt nhau nên việc rút nhầm của người khác là chuyện bình thường. Trong lúc chưa tìm ra người rút nhầm các ông vẫn phải mặc dù chật căng mông hay lùng thùng dưới gối thì cũng không có cái khác để thay.

Nhà tắm vào mùa hè mới là chuyện nan giải, người ta lũ lượt xếp hàng chờ đợi. Sợ nhất là cô em hàng xóm yêu văn nghệ. Hễ cứ vào buồng tắm là hát. Mà bài cô ấy chọn thường là “Trước ngày hội bắn”. Hát đến cả giờ đồng hồ vẫn chưa hết. Vào những năm cuối thời bao cấp, tình hình điện nước sinh hoạt cực kì căng thẳng. Cái vòi nước công cộng rỉ rả nhỏ giọt hàng tiếng đồng hồ mới đầy được xô nước xách về. Điện cắt triền miên. Phố xá im lìm, le lói ánh đèn dầu từ những ô cửa. Những ngói nâu, tường cũ nhiều năm không tu sửa xộc xệch, mốc meo. Những thay đổi diễn ra thật chậm. Thành phố nghèo căng mình ra chống chọi với đói rét.Không ai còn đủ thời gian và tiền bạc lo cho chỗ ở của mình Thay đổi duy nhất của Hà Nội ngày ấy chỉ là xây lại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố, tòa nhà vốn có từ thời Pháp thuộc để xây vào đấy một tòa nhà như ta thấy bây giờ. Dĩ nhiên, lúc đó nó là thứ duy nhất hiện đại. Giờ thì nó cũng khuất chìm trong cả rừng cao ốc kéo dài ra tận sông Hồng.

Tất nhiên thay đổi lớn lao nhất phải được nhắc đến là thời kì đổi mới. Nhà nước đã công nhận thành phần kinh tế tư nhân và cho phép nó được hoạt động bình đẳng với kinh tế Nhà nước. Thứ mà ngày mới tiếp quản đã phải dày công cải tạo tư bản tư doanh đưa vào hoạt động tập thể dưới dạng hợp tác xã hoặc Công tư hợp doanh. Chỉ một thay đổi nhận thức ấy thôi đã khiến thành phố thay da đổi thịt thần tốc. Bỏ chế độ bao cấp tem phiếu, người dân bắt đầu lao vào làm kinh tế và có những tích lũy đáng kể. Việc đầu tiên họ nghĩ đến là chỉnh đốn lại nơi ăn chốn ở của mình. Nhà chật thì làm thêm gác xép. Cơi nới thêm diện tích và bắt đầu xây dựng thêm những công trình phụ riêng biệt. Nhà mặt phố cũ kĩ xiêu vẹo được phá đi hàng loạt xây mới. Điều đáng tiếc nhất đã xảy ra. Diện mạo khu phố cổ bị thay đổi hoàn toàn. Dáng vẻ kiến trúc từ êm đềm, chậm rãi đã trở nên nháo nhào và lòe loẹt. Rất may thành phố còn có một Bùi Xuân Phái giữ lại cho các thế hệ sau nét cổ kính lịch lãm ấy bằng các tác phẩm của mình.

Hà Nội thời gian khó

2. Tất nhiên thành phố có những qui định bảo tồn rất nghiêm ngặt. Nhưng việc quản lý mới chỉ dừng được ở chỗ khống chế chiều cao và các ban công đua ra hè phố. Còn lại hình ảnh và màu sắc tổng thể của mỗi ngôi nhà đã thay đổi hoàn toàn. Cách sắp đặt bố trí nội thất cũng theo đà ấy mà biến đổi, không còn mảy may dấu vết cũ. Những thay đổi hầu hết có công năng mới thuận tiện và vệ sinh hơn, nhưng có vẻ như tác động ngược trở lại với người sử dụng chúng. Dù vẫn là những ngôi nhà ở chung nhiều hộ gia đình, nhưng khi có tiện nghi mới riêng biệt thì hầu như ý thức tập thể cũng hư hao rất nhiều. Không còn mảnh sân chung phơi quần áo, mỗi nhà có một đồng hồ điện nước riêng. Máy lạnh chạy mùa hè, cửa đóng im ỉm. Việc giao tiếp với hàng xóm phần nào hạn chế.

Giờ thì xung quanh Hà Nội những đô thị vệ tinh mọc lên ngút ngàn. Hậu quả là giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng ở các cửa ô vào thành phố. Kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm không kém phần quyết liệt. Ứng xử của dân phố cũng bắt đầu chệch choạc rất nhiều so với nếp cũ. Nguy hiểm hơn là thái độ dửng dưng vô cảm giữa những người đi đường với nhau. Nếu có xảy ra va chạm giao thông trên đường thì người ta xúm lại xem vì hiếu kì là chính. Giúp đỡ nạn nhân chỉ là một phần rất nhỏ. Nhưng không vì thế mà nét thanh lịch của người dân Hà Nội đã mất đi hoàn toàn. Vẫn có một dòng chảy âm thầm bền bỉ của những người đã sống đủ lâu ở mảnh đất này. Họ vẫn giữ cho mình một cách ứng xử văn minh lịch sự, đồng thời cũng cố gắng tìm cách lan tỏa những phong thái ấy ra cộng đồng. Nhà cửa đường sá xây mãi rồi cũng phải dừng lại. Đó là lúc người ta có thời gian và cơ hội để chấn chỉnh lại tác phong nền nếp của mình. Và đó sẽ là một đổi thay đáng mong đợi.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/khi-thanh-pho-doi-thay/827841.antd