Khi Thành phố bị bủa vây các loại khí thải

Các loại khí, bụi, rác thải ở ngay Hà Nội cộng với các loại khí thải ở các tỉnh lân cận 'đổ' về được xác định là nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường Thủ đô hiện nay. Nguyên nhân đã tìm ra, vấn đề giải bài toán ô nhiễm thế nào không thể một sớm, một chiều mà phải cần có lộ trình.

“Nội” có đến 12 thủ phạm

Liên tục những tháng qua, đặc biệt khi Hà Nội bước vào những ngày hanh khô, các chỉ số về môi trường (AQI) xuống mức khá xấu. Theo các cơ quan chức năng của Thành phố, có 12 nguyên nhân tác động chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao.

Cụ thể gồm: Khí xả thải từ phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, than tổ ong còn tiếp diễn; vật liệu quản lý phá dỡ các công trình xây dựng, quá trình phá dỡ, vận chuyển chưa kiểm soát; mùi hôi thối rác thải chưa xử lý được; đốt rơm rạ còn nhiều; thu gom rác thải, bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận và tình trạng chuyển mùa khiến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn trở nên trầm trọng hơn.

Các nhà máy Nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm (ảnh minh họa)

Các nhà máy Nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm (ảnh minh họa)

Còn tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức cách đây không lâu, ông Mai Trọng Thái- Chi cục trưởng Chi cục Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, ô nhiễm không khí có nguyên nhân khách quan là do thời tiết và biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nghịch nhiệt. “Ô nhiễm ở mức báo động không chỉ nằm ở nguyên nhân khách quan mà do các nguồn phát thải tăng, tác động từ đốt rơm rạ, thói quen đốt than tổ ong làm ảnh hưởng lớn đến tình trạng ô nhiễm không khí. Chẳng hạn hiện theo thống kê, trên địa bàn có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2, đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.

Trong khi đó, việc gia tăng phương tiện cá nhân với lượng phát thải chưa kiểm soát được cũng khiến không khí trở nên ngột ngạt”- ông Thái nhấn mạnh. Còn đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện Thủ đô đang có đến 6,6 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,7 triệu chiếc thải khói ra môi trường mỗi ngày. Khi tắc đường kéo dài, động cơ xe vẫn phải hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc.

Đấy là chưa kể, Thành phố hiện đang như đại công trường, đi đâu cũng thấy xây dựng các tòa nhà cao tầng. Xe chở phế liệu, vật liệu không tuân thủ quy định, dẫn đến bụi mịt mù. Trên cao, các công trình xây dựng cũng thải bụi khiến không khí càng thêm nhiều bụi mịn.

“Ngoại” ít nhưng nguy?

Ngoài nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí ở Hà Nội như trình bày, theo các chuyên gia, yếu tố tuy ít hơn song lại nguy hiểm hơn chính là ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện và thói quen đốt rác chưa qua tái chế ở một số địa phương lân cận Hà Nội gây ra.

Thi công công trình, xây dựng khiến bụi dăng đầy (ảnh GT)

Thống kê cho hay, xung quanh bán kính từ 120 đến 150 km của Hà Nội có đến 7 nhà máy nhiệt điện chạy than đang hoạt động với tổng công suất lên tới hàng nghìn MW. Cụ thể, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1+2 công suất 630 MW, Nhiệt điện Thăng Long công suất 620 MW, Nhiệt điện Quảng Ninh 1+2 công suất 1.200 MW, Nhiệt điện Mông Dương 1+2 lên tới 2.322 MW, Nhiệt điện Phả Lại 1+2 công suất 1040 MW, Nhiệt điện Cẩm Phả 1+2 công suất 1.200 MW, Nhiệt điện Thái Bình 1 công suất 600 MW. Theo các nhà khoa học, khí các nhà máy nhiệt điện thải ra là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.

Về vấn đề này, tháng 10 năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo đã công bố kết quả hợp tác nghiên cứu có tên: “Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam” đã đưa ra các số liệu đáng suy nghĩ.

Theo nghiên cứu, vào năm 2015, các nguyên nhân đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí tại Hà Nội đến từ phát thải giao thông đường bộ (1/4), kế đến là nhiệt điện và công nghiệp lớn (20%), hoạt động sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối (15%), phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón (15%) và đốt phụ phẩm nông nghiệp (7%). Còn một số nghiên cứu khác cho rằng, phát thải đến từ riêng ngành điện vào năm 2015 đã đóng góp dưới 10% ô nhiễm không khí Hà Nội.

Vì sao nhiệt điện không ô nhiễm các tỉnh nơi đặt nhà máy mà lại “đến tận” Hà Nội gây ô nhiễm? Đây là câu hỏi mà không ít người quan tâm thắc mắc. Lý giải điều này không khó. Đơn giản bởi Hà Nội tập trung quá nhiều nhà cao tầng. Các tầng khí phát tát đến “không phận” Hà Nội bị tác động bởi khí quyển và các chất khí thải trên địa bàn Thành phố gây ra “cộng hưởng” ô nhiễm thêm nặng hơn. Vậy câu hỏi đặt ra, giải bài toán ô nhiễm như thế nào? Một số chuyên gia cho rằng về ngắn hạn, rất khó giải quyết.

Ô nhiễm hay giảm ô nhiễm hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Trời hanh khô, ô nhiễm càng tăng, khi vào xuân, mưa dầm thì ô nhiễm không khí sẽ giảm. Còn về lâu dài, điều quan trọng phải đặt việc giải bài toán ô nhiễm môi trường trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, sử dụng phương tiện thân thiện môi trường, ít xả khí C02, nói không với than tổ ong, đồng thời thực thi nghiêm các quy định về môi trường trong xây dựng.

Còn về yếu tố “ngoài” Hà Nội, phải hạn chế việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, các nhà máy có công nghệ lạc hậu. Nhanh chóng thay thế các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Có như thế “bài toán” môi trường mới được giải quyết.

H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khi-thanh-pho-bi-bua-vay-cac-loai-khi-thai-101144.html