Khí thải độc hại từ các lò đốt rác nhỏ, công nghệ Trung Quốc

Trước thực trạng quỹ đất dành cho chôn lấp rác ngày càng hạn chế, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng nhiều nhà máy đốt rác nhằm giải quyết bài toán rác thải, song điều đáng chú ý, nhiều nhà máy xử lý rác sử dụng công nghệ của Trung Quốc hoặc do chủ đầu tư là Trung Quốc.

KTS Trần Huy Ánh hiện công tác tại Hội kiến trúc sư Hà Nội, nêu dẫn chứng năm 2017, thành phố Cần Thơ khởi công xây dựng nhà máy điện rác công suất 400 tấn /ngày, do Everbright International (Trung Quốc) thực hiện, đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Được biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hỗ trợ cho China Everbright International Ltd.Covay 100 triệu USD để xây dựng các nhà máy điện rác tại các đô thị lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngay trong tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tỉnh Hải Dương tại xã Lương Điền (huyện Cẩm Giàng) với tổng vốn đầu tư 1.025,55 tỷ đồng Dự án do Công ty United Expert Investments Limited do ông Cao Debiao (quốc tịch Trung Quốc) làm Chủ tịch HĐQT liên doanh với đối tác Việt Nam thực hiện. Đơn vị này từng triển khai nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nội. Các lò này hoạt động nhưng chưa được kiểm định đầy đủ.

Nhà máy xử lý rác thải tại Cần Thơ cho biết có lắp đặt các sensor để quản lý khí thải độc hại phát thải ra môi trường!. Ảnh: Đất Việt

KTS Trần Huy Ánh nêu dẫn chứng, trong văn bản số 1498/ BKHCN-ĐTG ngày 28.4.2014 của Bộ Khoa học và công nghệ, Hội đồng thẩm định công nghệ của Bộ KHCN nhận định, Lò đốt GFC Sankyo NFi tại Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)... sử dụng công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt bằng không khí đối lưu tự nhiên... là một giải pháp phù hợp để xử lý rác thải sinh hoạt có quy mô nhỏ tại khu vực nông thôn, thay thế cho việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện còn phổ biến là chất đống lộ thiên, chôn lấp đơn giản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất cảnh quan”.

Tuy nhiên, cũng trong văn bản này có đề cập lò đốt “không có thiết bị xử lý khí thải độc hại phát sinh trong quá trình đốt và ghi nhận lò đốt chưa hoàn thiện công nghệ. Trong kết quả thử nghiệm còn chú giải “Phiếu kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu thử do khách hàng mang tới”. Các văn bản này đã được trưng ra như là bằng chứng đã kiểm định để lắp đặt lò đốt. Kết quả là mất mấy tỷ đầu tư lò đốt, rác vẫn bốc mùi hôi thối và người dân Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lại đem rác đi chôn, nhiều địa phương khác cũng có tình cảnh tương tự.

Quản lý khí dioxin không thể thực hiện bằng sensor

TS Doãn Hòa Thắng - chuyên gia vật lý plasma hàng đầu, cho biết hầu hết các công nghệ đốt rác quốc tế nhập khẩu nguyên chiếc hay sản xuất tại nước thứ 3 đều không phù hợp với rác của Việt Nam (do không phân loại tại nguồn). Nếu không phân loại rác tại nguồn, khi đốt ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra những loại khí độc hại như dioxin và furan. Trong khi đó, công nghệ đốt rác hiện nay không còn được nhiều nước trên thế giới sử dụng, nên các nhà sản xuất nước ngoài đã tìm cách chuyển những công nghệ này vào Việt Nam.

PGS-TS Vũ Thị Vinh chung quan điểm khi cho rằng, mặc dù từ nhiều năm nay, các chuyên gia môi trường khuyến cáo, công nghệ đốt rác lò nhỏ tiềm ẩn hiểm họa đối với môi trường, nhưng nhiều tỉnh miền Bắc Thái Nguyên, Nam Định, Bắc Giang… vẫn tiếp tục đầu tư lò nhỏ công suất từ 8-10 tấn rác/ ngày để xử lý rác thải sinh hoạt. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có khoảng 200 lò đốt rác, đa số là các lò đốt công suất dưới 500kg/giờ.

PGS-TS Vũ Thị Vinh: Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam. Ảnh: Verp.org.vn

Thừa nhận thực tế này, TS Doãn Hòa Thắng cho biết, hiện nay công tác quản lý khí của các nhà máy đốt rác tại Việt Nam không tốt. Để có thể đo được lượng khí phát thải tại các nhà máy đốt rác chỉ có thể lấy mẫu tại chỗ về phòng thí nghiệm để phân tích, nhưng chi phí rất cao từ hàng chục đến hàng trăm triệu/ lần.

Bên cạnh đó, hiện chỉ có một số phòng thí nghiệm ở Mỹ mới có thể thực hiện phân tích này. Bởi vậy, một số nhà máy xử lý rác tại Việt Nam (trong đó có nhà máy xử lý rác tại Cần Thơ) cho rằng có đặt sensor để quản lý khí dioxin là điều không thực tế (?!) . Bởi vậy, thay vì quản lý lượng khí thải phát ra, các cơ quan chức năng nên quản lý quy trình xử lý rác ngay từ đầu để quy trình đó không thải ra khí đốt độc hại.

Hiện nay, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị là một vấn đề cấp thiết, cần giải quyết, tuy nhiên Việt Nam cũng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác, tránh tình trạng chính Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới như trước đây đã từng gặp đối với công nghệ sản xuất thép. Công nghệ đốt rác bằng nhiệt độ cao khi rác chưa được phân loại tại nguồn chắc chắn sản sinh ra những loại khí gây hại tới môi trường và sức khỏe người dân.

Bởi vậy, ngay từ khâu kiểm duyệt những công nghệ xử lý rác tại Việt Nam, cần quản lý quy trình để không phát thải chất độc hại. Đối với những công nghệ lò đốt đã được triển khai, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ y tế trong việc kiểm soát khí phát thải tại các lò đốt này.

Lê Minh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khi-thai-doc-hai-tu-cac-lo-dot-rac-nho-cong-nghe-trung-quoc-15777.html