Khỉ tấn công cắn phá, gây chấn thương sọ não chủ nhà

Gần đây, nhiều vụ người dân bị khỉ nuôi nhốt xổng chuồng tấn công gây thương tích nghiêm trọng. Một cán bộ Chi cục Kiểm Lâm TPHCM cho biết, khỉ tấn công người do bị nhốt nên ức chế tâm sinh lý. Đặc biệt, mùa sinh sản khỉ nuôi càng hung dữ, tim cách phá chuồng ra ngoài để tìm bạn tình hay tấn công người…

Khỉ nuôi nhốt hung hăng khi thấy người

Khỉ tấn công từ người lớn đến trẻ em

Ngày 13.11, thông tin từ Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân N.T.H (32 tuổi, ở Thanh Hóa) bị khỉ nuôi của nhà hàng xóm cắn nát tay. Theo đó, bệnh nhân H được cấp cứu trong trạng tỉnh táo, vết thương vùng cánh tay trái dài gần 15cm, dập nát… Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân H được tư vấn tiêm phòng dại.

Hiện vết thương vùng tay đã khô, bệnh nhân đã được ra viện. Tuy nhiên, các bác sĩ BV này cho biết, về khả năng phục hồi, các bác sĩ đánh giá không khả quan vì tổn thương cao, tốc độ phục hồi thần kinh chậm và bệnh nhân có khả năng giảm chức năng của cẳng và bàn tay trái…

Trước đó, tại TPHCM, bệnh nhi N.P.N.K (14 tháng tuổi, ngụ Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) cũng bị một con khỉ nuôi xổng chuồng nặng khoảng 7kg, 3 năm tuổi cắn rách đầu gây chấn thương sọ não do lún xương sọ vùng đỉnh…

Bé gái bị khỉ tấn công: ảnh BV Nhi Đồng TPHCM.

Người nhà nạn nhân cho biết, cháu K đang ngồi chơi với gia đình trước sân nhà thì bất ngờ bị khỉ nhà hàng xóm to gấp đôi xổng chuồng, chạy qua tấn công, cào mặt và cắn ngay đỉnh đầu bé.

Cháu K được nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại BV Nhi Đồng Thành phố. Tại đây, K nhập viện trong tình trạng toàn bộ vùng tóc và da đầu bị lột hết ra, máu chảy nhiều.

Qua kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi K. bị chấn thương sọ não do lún xương sọ vùng đỉnh, chẩm phải. Sau phẫu thuật, cháu K đã qua cơn nguy kịch.

Cứ xổng chuồng là khỉ nuôi lại tấn công người ?

Thông tin cho chúng tôi trước đó, ông Lâm Tùng Quế, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm TPHCM cho biết, con khỉ cắn cháu K là loài khỉ đuôi dài, giống đực, nặng 7 kg, khoảng 3 năm tuổi.

Con khỉ này sống trong khu rừng thuộc huyện Bình Chánh và đi lạc vào khu dân cư. Sau khi bắt về, chủ nhà đã nuôi để làm cảnh và nhốt trong chuồng. Khi xổng chuồng, con khỉ chạy qua nhà hàng xóm và đột ngột tấn công cháu bé.

“Chi cục Kiểm lâm TPHCM đã đưa con khỉ vào Trạm Cứu hộ động vật hoang dã TPHCM (huyện Củ Chi) nhốt cách ly 100 ngày để theo dõi bệnh dại. Sau đó, nếu không có gì bất thường, con khỉ sẽ được thả chung với đàn khỉ trong rừng”, ông Quế nói.

Hiện nay, không ít người tìm mua khỉ về nuôi nhằm mục đích để làm cảnh. Một vài trường hợp cho rằng, nuôi khỉ vì mục đích khác. Tuy nhiên, việc nuôi khỉ dễ rơi tình trạng hôi hám, gây ô nhiễm môi trường do phân, nước tiểu… Ngoài ra, nuôi khỉ trong nhà còn có nguy cơ lây lan mầm bệnh dại và tiềm ẩn nguy cơ bị khỉ tấn công….

“Do bị nhốt nên khỉ dễ rơi vào trạng thái ức chế tâm sinh lý. Một khi xổng chuồng là khỉ tìm người tấn công. Chưa hết, đến mùa sinh sản loài này càng hung dữ hơn, tìm cách phá chuồng ra ngoài để tìm bạn tình và tấn công con người. Khi bị khỉ tấn công phải thật bình tĩnh, nhẹ nhàng xua đuổi. Tuyệt đối không dùng các hành động như hò hét. Việc này sẽ làm khỉ hoảng sợ và càng kích động, có thể tiếp tục hung hang tấn công người” - ông Quế nói.

Ngoài ra, việc nuôi động vật hoang dã nói chung và khỉ nói riêng phải đảm bảo các điều kiện trong Nghị định 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu vi phạm, chủ nuôi sẽ bị phạt theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Kim Đồng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/khi-tan-cong-can-pha-gay-chan-thuong-so-nao-chu-nha-641145.ldo